Vãn cảnh cầu an

Đi lễ đền, chùa đầu năm vốn là truyền thống có từ lâu đời của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về để cầu bình an, sức khỏe, may mắn trong năm mới. Đây cũng là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, hình thành thói quen, hành động đẹp, nhân văn từ trong tâm thức với mong muốn về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, những năm gần đây, một số đền, chùa cổ tại các địa phương trong tỉnh đã được quan tâm đầu tư tôn tạo, phục dựng, tạo không gian thu hút người dân và du khách về vãn cảnh, cầu an. Những ngôi đền cổ được khôi phục, xây dựng thêm các hạng mục chính cùng với các khu du lịch văn hóa tâm linh đã và đang được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và góp phần dần hình thành loại hình du lịch tâm linh trên miền đất Sơn La.

Nhắc tới những ngôi đền cổ có mặt sớm tại Sơn La, không thể không nói tới 3 ngôi đền được hình thành từ triều Lê Sơ (vào khoảng thế kỷ XV). Trong đó có 2 ngôi đền được xây dựng sớm nhất trong giai đoạn này tại huyện Vân Hồ là Đền Chúa Hang Miếng (xã Quang Minh) và Đền Cô Đôi Thượng Ngàn (xã Song Khủa). Hai ngôi đền này được gắn liền với câu chuyện về nữ anh hùng Đinh Thị Vân, người có công lao to lớn huy động nhân dân đóng góp lương thảo tiếp tế cho vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ) trong cuộc dẹp loạn ở vùng biên cương Tây Bắc.

Đền Cô Đôi Thượng Ngàn còn là nơi thờ tự vị thần bảo hộ vùng núi non, sông nước, mang lại bình an cho cuộc sống của nhân dân. Chỉ trong 3 ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Đền Chúa Hang Miếng đã đón hơn 3.000 lượt du khách đến thắp hương, cầu an năm mới.

Đền thờ vua Lê Thái Tông tại thành phố Sơn La.

Đền thờ vua Lê Thái Tông tại thành phố Sơn La.

Hình thành muộn hơn, Đền thờ vua Lê Thái Tông tại thành phố Sơn La là nơi gắn liền với dấu ấn của vị vua thứ hai của triều Lê Sơ. Đền thờ được dựng lên để tưởng nhớ công lao của vị vua trẻ tuổi, tài ba, từng hai lần thân chinh thống lĩnh quân đội, dẹp yên phản loạn ở vùng Tây Bắc, giữ vững biên cương Tổ quốc. Ngôi đền hiện đã được đầu tư tu bổ, xây dựng nhiều hạng mục lớn, nơi đây còn lưu bút tích của vua Lê Thái Tông với bài thơ được khắc trên đá ở cửa hang Thẳm Báo Ké. Đền thờ này cũng trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn gắn với đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân.

Mỗi dịp về thành phố Sơn La thăm người thăm người thân, bạn bè, chị Lê Thu Phương, hiện đang công tác tại Hà Nội đều lên thắp hương cầu an tại Đền thờ vua Lê Thái Tông. Chị Phương chia sẻ: Cảm giác đầu tiên, tôi cảm nhận được là sự bình an, thư thái. Từ trên đền có thể phóng tầm mắt ngắm cảnh Thành phố, dòng suối Nặm La, tận hưởng không khí trong lành.

Người dân đến dâng hương tại Đề thờ Vua Lê Thái Tông, Thành phố.

Người dân đến dâng hương tại Đề thờ Vua Lê Thái Tông, Thành phố.

Ngoài những ngôi đền cổ mang dấu ấn của các vua Lê, tại Sơn La còn có một số ngôi đền cũng được hình thành gắn những câu chuyện lịch sử về những vị tướng có công dẹp giặc, bảo vệ bờ cõi đất nước. Có thể kể đến như Đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, nơi lưu giữ bộ đồ thờ tự có niên đại khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, được người dân xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ) mang theo lên Sông Mã từ năm 1975 khi thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng vùng kinh tế mới tại nơi đây.

Người dân và du khách dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng.

Người dân và du khách dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng.

Còn tại Quỳnh Nhai, những năm gần đây, vùng lòng hồ này cũng trở thành điểm du lịch tâm linh đầu năm được nhiều người biết đến. Khu du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện với định hướng phát triển lâu dài, quy hoạch gần 20 ha. Trong đó, có Đền Nàng Han, Đền Linh Sơn Thủy Từ được phục dựng từ những cổ vật của các môi miếu cổ được tạo lập từ thế kỷ thứ XVII. Điểm nhấn là tượng Phật Bà Quan Âm được hoàn thành vào cuối năm 2020, có chiều cao 32 m, ở thế "tựa sơn hướng thủy", lưng tựa vào dãy núi đá vôi, mặt hướng ra sông Đà. Ngoài ra, còn có tượng Phật A Di Đà ở thế ngồi trên đỉnh ngọn núi giữa lòng hồ hay miếu Long Vương tại xã Mường Chiên, cũng là điểm đến cầu an đầu năm ý nghĩa, kết hợp với du lịch trải nghiệm vùng lòng hồ.

Khu du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai.

Khu du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai.

Bà Mè Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm - Truyền thông văn hóa huyện Quỳnh Nhai, đơn vị quản lý Khu du lịch văn hóa tâm linh, cho biết: Quần thể khu du lịch văn hóa tâm linh được xây dựng dựa trên cơ sở sẵn có, được phục dựng và phát triển thêm nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu đời của nhân dân trong và ngoài huyện. Qua đó, giúp bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp trong văn hóa ngàn đời của đồng bào các dân tộc Quỳnh Nhai, tạo nơi sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân.

Lễ dâng hương tại Đền Nàng Han, huyện Quỳnh Nhai.

Lễ dâng hương tại Đền Nàng Han, huyện Quỳnh Nhai.

Một điểm đến tâm linh không thể bỏ qua khi đến thị xã Mộc Châu là chùa Vặt Hồng (hay còn gọi là Chùa Chiền Viện), tại tổ dân phố Vặt Hồng, phường Mường Sang. Được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ XIV, chùa Vặt Hồng là ngôi chùa có tuổi đời lâu nhất tại Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. Hiện nay, ngôi chùa đã được phục dựng cơ bản với các hạng mục thờ tượng phật, khuôn viên, cây xanh, phục vụ du khách về chiêm bái.

Ông Bùi Trung Lực, Chủ tịch UBND phường Mường Sang, thông tin: Nhiều năm trước, chùa Vặt Hồng đã được các nhà hảo tâm tôn tạo lại cơ bản, dựng mái tôn, tường bao để bảo vệ các dấu tích của ngôi chùa cổ và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, du khách. Phường đã thành lập Ban quản lý chùa để thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ ngôi chùa. Mỗi năm, chùa Vặt Hồng đón trên 4.500 lượt khách đến dâng hương. Riêng dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, chùa đã đón trên 1.000 lượt khách đến cầu an.

Trong gần 100 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh, có khá nhiều di tích chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh. Đây là chứng nhân thời gian quý giá về những sự kiện lịch sử cách ngày nay hàng trăm năm, mang ý nghĩa lớn lao về giáo dục truyền thống, gắn kết cộng đồng, đồng thời các di tích chính là một nguồn tài nguyên đặc biệt phục vụ phát triển du lịch.

Những ngôi đền cổ này đã tạo nên sự kết nối của hành trình du lịch tâm linh dọc theo tuyến quốc lộ 6, bắt đầu từ huyện cửa ngõ Vân Hồ, qua Mộc Châu, về tới thành phố Sơn La, tiếp tục hành trình về với Quỳnh Nhai để cầu an ở khu du lịch tâm linh và vùng lòng hồ với khung cảnh thơ mộng, kỳ vĩ để có những trải nghiệm đáng giá dịp đầu xuân, bắt đầu một năm mới nhiều may mắn.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Hiện nay, các địa phương đang làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch. Thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu các giải pháp nhằm phát huy kết quả đó, nhất là về công tác quy hoạch xây dựng các khu du lịch tâm linh, bảo tồn các khu di tích có giá trị. Nghiên cứu việc tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội gắn với các ngôi đền cổ để thu hút du khách, quảng bá cho du lịch Sơn La, góp phần với bảo tồn văn hóa truyền thống.

Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa các dân tộc đặc sắc, miền đất Sơn La mang trong mình những câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn về nguồn gốc hình thành của các ngôi đền cổ, sự tích về các con sông, ngọn núi. Tất cả đều lưu lại dấu tích trở thành những điểm đến linh thiêng và giàu ý nghĩa đáng để nhân dân và du khách tới chiêm bái không chỉ dịp đầu năm. Đây cũng là tài nguyên để Sơn La tiếp tục khai phá, phát triển thành sản phẩm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách, góp phần giúp ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Thanh Đào, Hoàng Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/van-canh-cau-an-S9TSWaKNR.html