Văn Cao - Người đi để lại thương nhớ ngân xa
Ngày 15/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa Văn Cao và Hội thảo về thân thế sự nghiệp Văn Cao do Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam, Tạp chí Năng lượng Mới phối hợp với các đơn vị tổ chức nhằm tôn vinh cố nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao.
Tham dự buổi lễ về phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL.
Về phía đơn vị tri ân với chương trình lễ kỷ niệm có đại biểu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam): Ông Trần Quang Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn; ông Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng Truyền thông, Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn.
Về phía đơn vị bảo trợ hội nghị là Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam do Nhà báo Trần Văn Mạnh – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Unesco Châu Á Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay; Họa sĩ, nhà báo Trịnh Yên - Ủy viên thường vụ BCH Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam, Trưởng ban Văn hóa của Liên hiệp Giám đốc Trung tâm Unesco Mỹ thuật Việt Nam; cùng các ủy viên Ban chấp hành, giám đốc các trung tâm và CLB, đại biểu các đơn vị đồng tham gia Ban tổ chức có mặt tham dự.
Phát biểu khai mạc, Nhà báo Trần Văn Mạnh cho biết, lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Danh nhân Văn hóa Văn Cao (15/11/1923 – 15/11/2023) và Hội thảo về thân thế sự nghiệp của Văn Cao là chương trình tôn vinh cố nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao; vinh danh và đánh giá những cống hiến của Văn Cao qua nhiều bài tham luận, nhiều bài tập hợp tư liệu quý báu.
Nhạc sĩ Văn Cao – Người đi để lại thương nhớ ngân xa cùng Đàn chim Việt bay mãi trên bầu trời tự do, hòa bình và bác ái – Nhà thơ Văn Cao đã để lại cả mùa Lá xanh của Xuân, cùng hoa cúc vàng của Thu như các hợp âm lãng mạn nhất, hào hùng nhất mà cả đời ông đã tích lũy được. Họa sĩ Văn Cao đã để lại một số tác phẩm sơn dầu ở một số bảo tàng, để lại một cá tính minh họa sách báo, sân khấu, điện ảnh mà hậu thế có thể gọi là “Nghệ thuật đa năng” với nhiều bài viết của các họa sĩ đã đánh giá ông là cây bút khởi sắc cho nền minh họa siêu thực Văn Cao.
"Hôm nay, chúng ta hãy dành cho tác giả “Tiến Quân Ca” là Văn Cao một tinh thần trân trọng tài năng, quý mến nhân cách của ông đã, đang và vẫn còn đi cùng đất nước, hiện tại đang là mốc son suốt 78 năm nay chúng ta được hát Quốc ca, chúng ta được giương cao ngọn cờ phấp phới cùng vinh quang, tung bay cùng chiến thắng. Hội thảo cũng sẽ mở ra các tham luận dự kiến cho công trình tương lai là Công viên Văn hóa nghệ thuật Văn Cao tại quê hương ông cũng là tình cảm đền đáp công lao đối với người có công với dân, với đất nước", nhà báo Trần Văn Mạnh chia sẻ.
Sau bài phát biểu khai mạc, các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ với giai điệu bài hát “Tiến quân ca” của Văn Cao vang lên hùng tráng khắp khán phòng trang nghiêm; tiếp đó bài “Chúc văn” của tác giả Trịnh Yên, do NSND Lê Tiến Thọ trình bày đã mang đến không khí thiêng liêng, để thế hệ ngày nay tưởng nhớ về Văn Cao - một nhân cách sáng ngời đã đồng hành cùng dân tộc, đất nước.
Nghệ sĩ, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng chia sẻ: "Với tôi - Văn Cao là thiên tài, âm nhạc của ông là tiếng nói của thần tiên, thơ và tranh ông đi trước thời đại, tiệm cận với hội họa Picasso. Không biết bao nhiêu thế kỷ nữa mới có được một Văn Cao như hiện hữu? Một nghệ sĩ toàn tài của Việt Nam. Ông hiền lành, kiệm lời và khiêm tốn như bông lúa nặng hạt to mẩy trĩu xuống khiêm nhường… ".
Tại lễ kỷ niệm, Họa sĩ, Nhà thơ Văn Thao - con trai cả của cố nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao đã gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến toàn thể các cơ quan Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ, các bộ ngành, đoàn thể cùng toàn thể khách mời đã đến dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa Văn Cao.
Nhà thơ Văn Thao chia sẻ, "Văn Cao là cha chúng tôi, vốn là người bình dị, yêu thương vợ cùng con cháu hết lòng, quý mến bạn bè và ân nhân hết mức tôn quý, chia sẻ cho đồng nghiệp và các ca sĩ đã đến và thực hiện ca khúc của ông hết nghĩa chân tình và nhân ái... Chúng tôi nhìn cha như cây cao bóng cả và bảo nhau cố gắng noi gương cha để làm việc, để cống hiến các phần nhỏ bé về nghệ thuật".
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao đã diễn ra hội thảo thân thế và sự nghiệp Văn Cao, khái quát lại vai trò của ông đối với văn học nghệ thuật nước nhà.
Trong phần tham luận tại hội thảo, Nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định, Văn Cao là nhạc sĩ 3 trong 1, ông vừa là thi sĩ, vừa là họa sĩ, vừa là nhạc sĩ. Các tác phẩm của Văn Cao luôn được giới chuyên gia đánh giá cao và lý thú khi được phân tích trong mối tương quan biện chứng bởi vì chúng không thể tách rời trong cảm ứng của một con người tràn đầy năng lượng sáng tạo như Văn Cao.
Nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu - Phó chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam nhận định, danh nhân Văn Cao là một con người đa tài, một nhạc sĩ đã để lại dấu son trong lịch sử nhạc lý Việt Nam cũng như lịch sử đất nước. Với sức sáng tạo vô bờ, với tư tưởng tiên phong, thơ Văn Cao rất giàu hình ảnh, tiết tấu, âm điệu, còn âm nhạc rất giàu chất văn thơ và cả tính hội họa. Văn Cao chính là người đã vẽ tranh bằng âm thanh ở trong những ca khúc của ông, không chỉ vẽ tranh phong cảnh thiên nhiên lãng mạn, cảnh sinh hoạt lao động đời thường, bức tranh phong cảnh của ông gắn liền với tâm trạng của lòng người.
TS.Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người nhận xét, nhiều người thường nhắc đến Văn Cao như một nghệ sĩ đa tài, thích "lãng du" qua những lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Dù không gắn bó quá lâu nhưng rất sâu với các địa hạt cùng với những "miền" mà ông đã qua đều để lại dấu ấn sáng tạo mang tính khai phá cho những người sau. Ông là người đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, nghệ thuật Việt nam tự vẽ tranh minh họa cho những bài hát của mình như: Buồn tàn thu (1939), Thiên thai (1941), Suối mơ, Trương Chi v.v… Mà như Phạm Duy nhận xét, tranh minh họa Văn Cao rất sát với nội dung tư tưởng và tiết tấu âm thanh, ca từ, lần đầu tiên mới thấy loại hình nghệ thuật này ở Việt Nam. Ông là tác giả của một số tuyệt phẩm âm nhạc với ca từ và nhịp điệu ghi lại hơi thở của thời đại theo suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc như: Đàn chim Việt (1942); Tiến quân ca (1944); Không quân Việt nam (1945); Làng tôi (1947); Trường ca sông Lô (1947); Mùa xuân đầu tiên (1976); Suối mơ (Viết chung với Phạm Duy) v.v… Đặc biệt, “Tiến quân ca” là Quốc ca của Việt Nam – Như một biểu tượng hào hùng của dân tộc bằng loại hình âm nhạc và văn thơ hiện đại, là đại diện chính thức cho quốc hồn của một dân tộc anh hùng trong thời đại mới của lịch sử đất nước - Thời đại Hồ Chí Minh.
Có thể nói, tên tuổi Văn Cao bất hủ chính là vì tài năng, tâm hồn của ông đã lưu dấu trong âm nhạc - Hội họa -Thơ ca Việt Nam, có thể thấy “Dù những sáng tác của Văn Cao (đặc biệt là về âm nhạc và thơ ca) nói chung không thực dồi dào về số lượng nhưng về mặt chất lượng chúng có ảnh hưởng mang tính định hướng và đặt nền tảng cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại”.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/van-cao-nguoi-di-de-lai-thuong-nho-ngan-xa-699421.html