Văn Chấn: Công an giả lừa đảo gặp trúng... lãnh đạo huyện!

Đối tượng tự xưng là cán bộ công an huyện gọi điện thoại hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử để lừa đảo chẳng ngờ gặp trúng... điện thoại lãnh đạo huyện!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Công an huyện Văn Chấn, sáng nay (25/9), một đồng chí lãnh đạo huyện Văn Chấn cho biết, ngày 24/9/2023 có số điện thoại lạ gọi đến tự xưng là Nguyễn Tuấn Anh, công tác ở Công an huyện Văn Chấn. Người này trong điện thoại đã nói đúng tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, nơi công tác và thông báo thẻ định danh cá nhân của đồng chí lãnh đạo huyện bị lỗi hệ thống nên chưa kết nối với thẻ ngân hàng, giấy phép lái xe…. nên sẽ hướng dẫn, hỗ trợ cập nhật lại thông tin

.

Khi đồng chí lãnh đạo huyện nói: "Tôi sẽ sang Công an huyện để cập nhật lại thông tin" thì người kia nói: "Tổ công tác chỉ hướng dẫn hỗ trợ trực tuyến”.

Đồng chí lãnh đạo huyện liền cúp máy và gọi điện thoại trao đổi với lãnh đạo Công an huyện thì được biết hiện nay Công an huyện chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người dân tại Công an huyện hoặc tại Công an các xã, thị trấn. Sau khi tra cứu đã xác định đây là số điện thoại có thể do kẻ có ý đồ xấu gọi điện đến nên vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trên đã không thành.

Theo Công an huyện Văn Chấn, thời gian gần đây, lợi dụng thông tin chiến dịch vận động công dân làm căn cước công dân (CCCD) và định danh điện tử, các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội sử dụng thủ đoạn giả danh cán bộ cơ quan công an, chính quyền địa phương để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của các đối tượng là gọi đến số điện thoại của công dân hỏi thông tin và vận động người dân đi làm CCCD, định danh điện tử, thông tin không cập nhật được, hệ thống bị lỗi để tạo niềm tin. Sau đó đối tượng sẽ yêu cầu người dân cung cấp số tài khoản ngân hàng, mã OTP với lý do "tích hợp vào định danh cá nhân mức độ 2 cho công dân", "xác minh tài khoản ngân hàng của công dân để làm định danh cá nhân"... Từ đó, các đối tượng dùng tài khoản ngân hàng của nạn nhân để chuyển tiền sang tài khoản của mình.

Công an huyện Văn Chấn khuyến cáo, đây không phải là thủ đoạn mới nhưng cách thức tiếp cận nạn nhân mới nên đề nghị người dân thật sự cảnh giác, phòng ngừa. Khi có người la gọi điện thoại đến với yêu cầu như trên cần gọi điện thoại hoặc đến trực tiếp Công an huyện, Công an xã, thị trấn để xác minh nội dung thông tin.

Đồng thời, người dân không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ của mình trên các trang mạng và cho những người không quen; không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai; kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền vào tài khoản của bất cứ người nào.

Ngoài ra, người dân luôn phải kiểm tra địa chỉ website trước khi truy cập; không mở các tin nhắn, email từ nguồn không rõ ràng; không đưa tiền trước khi nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ; sử dụng các phần mềm bảo mật để bảo vệ thông tin cá nhân của mình.

>> Agribank Chi nhánh huyện Văn Chấn kịp thời giúp khách hàng thoát vụ "cán bộ hải quan" lừa tiền qua mạng

Trước đó, ngày 22/9, Công an huyện Văn Chấn cũng đã phối hợp với Agribank Chi nhánh huyện Văn Chấn kịp thời giúp khách hàng thoát vụ lừa tiền qua mạng. Đối tượng lừa đảo đã giả danh cán bộ hải quan gọi cho nạn nhân lừa có quà của người nhà ở nước ngoài gửi về và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để nhận quà.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã xảy ra nhiều vụ việc người dân bị các đối tượng mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, người quen lãnh đạo cấp cao... để lừa đảo, chiến đoạt tài sản. Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và đời sống nhân dân.

Thủ đoạn không mới nhưng nạn nhân luôn mới dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một số phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường dùng là sử dụng dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật như: công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để chiếm đoạt. Do vâỵ̣, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, hết sức đề phòng để tránh "sập bẫy".

Đức Toàn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/14/301159/van-chan-cong-an-gia-lua-dao-gap-trung-lanh-dao-huyen.aspx