Văn Chấn mùa măng sặt

Từ tháng 3, huyện Văn Chấn bước vào chính vụ thu hoạch măng sặt - thứ đặc sản được coi là 'lộc' của rừng, mang lại thu nhập tốt, cải thiện sinh kế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Người dân xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn chăm sóc măng sặt.

Người dân xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn chăm sóc măng sặt.

Từ nhiều năm nay, măng sặt đã trở thành sản phẩm đặc sản của tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Văn Chấn nói riêng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa thích giữa nhiều loại măng trên thị trường. Bởi vậy, từ việc chỉ thụ động khai thác từ rừng tự nhiên, thu hái theo kinh nghiệm, người dân Văn Chấn đã chủ động trồng măng sặt, quy hoạch những vùng có măng sặt trên các khu rừng để tích cực chăm sóc, đưa măng sặt trở thành cây kinh tế, mang về nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ đồng bào các dân tộc: Mông, Khơ Mú, Dao. Sau tết Nguyên đán, khi những cơn mưa đầu xuân thấm xuống, cũng là lúc những mầm măng sặt mập mạp đua nhau vươn ra từ lòng đất.

Người dân khắp các thôn vùng cao các xã: Nậm Lành, Nghĩa Sơn, An Lương, Cát Thịnh… lại hối hả, bận rộn với công việc thu hoạch, vận chuyển măng đi tiêu thụ, giúp người dân gắn bó với rừng có thêm thu nhập ổn định. Mặc dù, mùa thu hoạch măng chỉ kéo dài chừng khoảng 3 đến 4 tháng (từ tháng Giêng cho đến tháng 4 Âm lịch), song đã trở thành mùa sung túc nhất trong năm. Ti vi, xe máy hay những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền cũng đều từ măng mà có.

Ông Hảng Giảng Sinh ở thôn Khe Kẹn, xã Cát Thịnh chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi chỉ biết đến mùa vào rừng thu hoạch măng sặt, nhưng đường xa, phụ thuộc vào thời tiết nên chỉ đủ ăn. Sau khi chính quyền tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã chủ động trồng măng sặt, dần dần nhân lên được diện tích 2 ha. Trồng cây măng sặt không cần đầu tư chăm bón nhiều như các loại cây trồng khác, chi phí chủ yếu là công phát dọn nương bãi. Đầu ra cũng khá thuận lợi vì thương lái đến tận thôn thu mua theo giá thị trường. Trung bình mỗi mùa măng, gia đình thu khoảng 5 tấn măng, thu về 70 triệu đồng. Nhờ măng mà gia đình tôi đã thoát nghèo từ nhiều năm nay”.

Đồng hành cùng nhân dân, huyện Văn Chấn cũng đã xác định măng sặt là một trong những cây trồng có giá trị, phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác của nhân dân; từ đó, ban hành và tích cực triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu măng sặt giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hỗ trợ kinh phí các hộ, nhóm hộ tham gia trồng măng sặt với diện tích từ 0,1 ha trở lên, mật độ trồng từ 500 cây/ha trở lên, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.

Huyện còn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đánh giá, lựa chọn cây măng sặt lấy giống bảo đảm cung cấp đủ giống có chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng măng. Đến nay, huyện đã hỗ trợ nhân dân 4 xã trong Đề án gồm: An Lương, Suối Quyền, Nậm Lành, Nghĩa Sơn trồng mới 58 ha, hình thành vùng nguyên liệu măng sặt trên 200 ha, sản lượng trung bình 600 tấn/năm ở các địa phương này.

Ông Lường Văn Si - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết: "Từ Đề án hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu măng sặt của huyện, xã đã vận động nhân dân trồng mới được 44 ha măng sặt, nâng diện tích cây măng sặt toàn xã lên gần 60 ha. Hiện, cây măng sặt đang sinh trưởng, phát triển khá tốt, dự kiến mùa măng sang năm sẽ bắt đầu được thu hoạch toàn bộ diện tích này, nâng sản lượng măng hiện nay từ trên 25 tấn lên gấp đôi và dần gấp lên nhiều lần theo thời gian khi cây măng đã phát triển ổn định. Đây sẽ là động lực để nhân dân Nghĩa Sơn tiếp tục giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Cùng đó, huyện cũng tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, các tổ hợp tác hình thành vùng sản xuất tập trung, có chất lượng cao, ổn định; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Măng sặt Văn Chấn”, dự kiến trong năm 2025 sẽ được xác lập bản quyền sở hữu trí tuệ này, góp phần tăng giá trị và ổn định thị trường tiêu thụ.

Ngoài là cây thoát nghèo và làm giàu, măng sặt còn trở thành loại măng được nhiều thực khách sành ăn bình chọn là một trong những loại măng ngon nhất của núi rừng. Ngọn măng đặc, giòn sần sật, ngọt thơm, không có mùi he, có thể chế biến được nhiều món ăn ngon với hương vị đặc trưng đã tạo nên một thương hiệu riêng cho măng sặt với cái tên "đặc sản” chỉ có sau tết của vùng cao Yên Bái.

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/348072/van-chan-mua-mang-sat.aspx