Vẫn chuyện nồng độ cồn
Tôi là người luôn tuân thủ luật giao thông, nhưng tôi vẫn thấy cái sự quy định không nồng độ cồn nó có gì đấy chưa hợp lý lắm.
Tôi là người luôn tuân thủ luật giao thông, tất nhiên không phải chưa bao giờ vi phạm. Cũng có dăm lần vượt tốc độ, vài lần lấn làn vân vân, từng phải nộp phạt bảy trăm ngàn tận... Quảng Bình cái thời cả nước hình như mới có đoạn đường của Sơn Hải gắn camera phạt nguội, phải nhờ bạn ngoài ấy nộp hộ, là cũng quen biết, năn nỉ chứ hồi ấy chưa có quy định nộp tại địa phương cư trú.
Nhưng riêng khoản nồng độ cồn thì tôi triệt để chấp hành. Từ ngày có nghị định 100 nếu phải đi nhậu, đi ăn cưới ăn giỗ liên hoan họp lớp, họp tổ... có đụng đến bia rượu là tôi chỉ grab hoặc tắc xi, không bao giờ lái xe đi. Còn nếu đã lái xe thì chỉ ăn, cương quyết không uống.
Nhưng tôi vẫn thấy cái sự quy định không nồng độ cồn nó có gì đấy chưa hợp lý lắm.
Và vừa rồi, các Đại biểu Quốc hội đưa vấn đề này ra nghị trường, một số báo vào cuộc, nên cũng trình bày thêm một số ý kiến về nồng độ cồn.
Một bác sĩ nói với tôi, đòi không nồng độ cồn trong người là phi khoa học, bởi con người có cồn nội sinh, nếu máy nhạy, chả đụng tí bia rượu nào vẫn sẽ có thể có nồng độ cồn hiện lên.
Một nhà kinh tế nói, cấm tiệt thế, các nhà máy bia rượu phá sản đã đành, du lịch cũng thất bát, và nền kinh tế cũng thêm phần lao đao. Chả thế mà cách đây không lâu, ông Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu phải lên tiếng than phiền về việc cảnh sát tỉnh ông "canh me" ở các quán nhậu. Nó ảnh hưởng ngay tới nền kinh tế của tỉnh, nhất là kinh tế đêm. Mà không phải than phiền ngoài lề, ông phát biểu ngay ở một cuộc họp quan trọng của tỉnh. Tất nhiên ý kiến của ông ngay lập tức gây xôn xao dư luận.
Từ hồi chưa có nghị định 100, nói thật là, đi ăn uống, gặp gỡ bạn bè, liên hoan vân vân, tôi đều tự lái xe đi. Nhưng như đã nói, từ khi có nghị định này, tôi hoàn toàn tuân thủ. Nhưng cá nhân vẫn cho rằng, sau khi uống khoảng 5 tiếng đồng hồ là có thể lái xe được rồi. Tất nhiên với 5 tiếng đồng hồ thì nồng độ cồn trong máu vẫn cao.
Vừa rồi có báo đưa tin, sáng sớm cảnh sát giao thông vào một bến xe ở TP HCM đo nồng độ cồn, và vẫn có tài xế dính. Anh này khai, tối qua sau khi xe về bến có uống với bạn bè, rồi ngủ, và sáng sau vẫn dính. Và đương nhiên, anh tài xế này bị phạt, bị thu bằng, nhà xe phải điều tài xế khác.
Tôi vừa về quê, gặp mấy đám giỗ, đám cưới, mới thấy sự phiền toái. Trưa nắng, từng đoàn người đi bộ lếch thếch. Họ than trời, ở thành phố các ông còn có xe ôm, tắc xi, grab, nông thôn chỉ còn mỗi cách đi bộ.
Nên chăng chúng ta sửa đổi, đề ra ngưỡng tối thiểu của nồng độ cồn, vượt sẽ bị phạt thật nặng, còn trong ngưỡng thì chấp nhận. Như thế nó vừa nghiêm về luật mà cũng phù hợp tình hình thực tế và quy luật đời sống.
Cũng cần có những nghiên cứu khoa học thật chính xác về số vụ tai nạn liên quan tới bia rượu trước và sau khi có nghị định 100.
Tiếp đến là nghiên cứu về những được mất đối với nền kinh tế nước nhà khi thực hiện zê rô nồng độ cồn, rồi nâng lên ngưỡng tối thiểu thì sẽ như thế nào?
Tôi thì, với kinh nghiệm đi xe máy mấy chục năm và lái xe ô tô chục năm nay, ủng hộ việc đề ra ngưỡng tối thiểu của nồng độ cồn, dựa trên những nghiên cứu khoa học cụ thể, bởi như đã nói, đã có hiện tượng ăn trái cây cũng lên men, và mỗi người đều có dư lượng cồn nội sinh trong người khi thức ăn lên men. Những thứ ấy không thể khiến con người mất tự chủ khi lái xe, dẫu nó vẫn là... cồn. Và chính nó cũng gây áp lực khi lái xe bởi nỗi lo gặp máy đo... nhạy quá. Có ngưỡng tối thiểu là cách an toàn nhất cho cả hai phía.
Không phải ngẫu nhiên trên thế giới nhiều nước đề ra ngưỡng tối thiểu thế. Như đã nói, số nước yêu cầu nồng nộ cồn bằng không khá ít, Việt Nam chúng ta trong số ấy. Thêm nữa, ý thức tự giác của từng người cũng là điều hệ trọng. Nhớ ông Chủ tịch Bạc Liêu nói có ý: Người ta cũng có ý thức chứ? Số cố tình say sưa cũng có nhưng không đáng kể. Nói thế chứ, khi đã lái xe, bất đắc dĩ mới phạm luật chứ ai muốn, trừ bọn càn quấy, mà bọn này thì, không rượu bia chúng vẫn càn quấy, như mấy vụ đua xe, biểu diễn lạng lách bị công an bắt và truy tố gần đây.
Một tờ báo dẫn ý kiến ĐBQH Phạm Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế phát biểu khi thảo luận về nồng độ cồn: "Tuy nhiên, buổi tối người dân uống rượu sáng hôm sau người ta đi làm, trong máu có nồng độ cồn bị phạt thì cũng băn khoăn. Hoặc người ta đi uống buổi trưa, buổi tối đêm đi xe lại bị phạt vì trong máu vẫn còn nồng độ cồn".
"Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn. Lý do, quy định như vậy quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Nhóm ý kiến này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với quy định của bộ luật Hình sự".
Tôi ủng hộ báo cáo này.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/van-chuyen-nong-do-con-a635551.html