Vận chuyển thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng: Cần sự hỗ trợ từ nhiều ngành

Nhiều dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ triển khai, dự kiến đưa vào vận hành trong năm nay. Tuy nhiên, cần có giải pháp hỗ trợ thì các thiết bị siêu trường, siêu trọng của các dự án này mới có thể vận chuyển từ Cảng Quy Nhơn đến được chân các công trình.

Các thiết bị siêu trường, siêu trọng thuộc các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh được nhập về Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Minh Nguyễn

Các thiết bị siêu trường, siêu trọng thuộc các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh được nhập về Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Minh Nguyễn

Những chuyến hàng đặc biệt

Toàn tỉnh có 17 dự án điện gió, tổng công suất 1.242,4 MW, tổng vốn đầu tư hơn 43.442 tỷ đồng được bổ sung quy hoạch và được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện có 11/17 dự án với tổng công suất 692,4 MW đã được thẩm định xong thiết kế cơ sở và chuẩn bị thiết kế kỹ thuật thi công, dự kiến trong năm 2021 sẽ đưa vào vận hành thương mại.

Trong văn bản đề nghị tỉnh hỗ trợ mới đây, ông Phan Tuấn Linh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn-cho biết: Hiện có hơn 200 bộ trụ điện gió (từ 3 đến 5 MW/bộ) được chủ đầu tư, chủ thầu cam kết nhập khẩu qua Cảng Quy Nhơn và đơn vị cũng sẽ thực hiện chuỗi logistics (hỗ trợ vận chuyển) đến công trình. Dự kiến, các dự án bắt đầu nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài về Việt Nam vào cuối tháng 2-2021 để triển khai lắp đặt.

Tuy nhiên, quá trình khảo sát các phương án hỗ trợ vận chuyển cấu kiện của các trụ điện gió gặp một số khó khăn cần tỉnh Gia Lai hỗ trợ tháo gỡ. Bởi đây đều là các thiết bị siêu trường, siêu trọng, cánh quạt dài từ 60 đến 86 m, nặng khoảng 25 tấn; trụ tháp-máy phát dài từ 20 đến 30 m, nặng khoảng 49 đến 115 tấn; độ cao của các kiện hàng khi vận chuyển bằng đường bộ có chiều cao 6,5 m.

Do vậy, phương tiện vận chuyển thiết bị cũng phải là loại đặc biệt, chuyên dụng như: sơ mi rơ moóc đặc chủng dài 70 m, thiết bị nâng cánh trị giá hàng triệu USD do Cảng Quy Nhơn và đối tác nhập khẩu từ nước ngoài về để hỗ trợ vượt đèo An Khê, Mang Yang. Việc vận chuyển trên tuyến quốc lộ 19 và đường tỉnh lộ từ đèo An Khê đến công trình tại các huyện: Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa, Kông Chro và thị xã An Khê dự kiến sẽ gặp một số khó khăn cần có giải pháp hỗ trợ của tỉnh.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn: Kích thước của một số công trình giao thông trên cung đường bộ vận chuyển như: cầu vượt, trạm thu phí không cho phép các phương tiện vận chuyển trên lưu thông qua nên đơn vị đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị liên quan, chủ sở hữu các công trình chấp thuận cho Cảng Quy Nhơn làm đầu mối, phối hợp thực hiện một số giải pháp hỗ trợ.

Cụ thể như: làm đường tránh, tháo dỡ một phần mái của trạm thu phí, hộ lan cứng tại một số khúc cua trên quốc lộ 19; nâng chiều cao tĩnh không của hệ thống dây điện nằm vắt ngang đường khi xe chuyên dụng vận chuyển cấu kiện đi qua (hiện thấp hơn 5,5 m, trong khi tĩnh không cần thiết để lưu thông là 6,5 m); hỗ trợ điều tiết phân luồng giao thông trong quá trình vận chuyển nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản tại các khu vực giao thông trọng yếu…

Các thiết bị điện gió thuộc dự án của Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai triển khai tại huyện Chư Prông hiện đã cập Cảng Quy Nhơn chờ vận chuyển đến công trình lắp đặt. Ảnh: Minh Nguyễn

Các thiết bị điện gió thuộc dự án của Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai triển khai tại huyện Chư Prông hiện đã cập Cảng Quy Nhơn chờ vận chuyển đến công trình lắp đặt. Ảnh: Minh Nguyễn

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: “Quan điểm của Sở Công thương là hoàn toàn ủng hộ và sẽ đề xuất UBND tỉnh tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vận chuyển cũng như các doanh nghiệp triển khai dự án điện gió trên địa bàn”.

Trao đổi với P.V, ông Văn Đình Hậu-Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai-khẳng định: Đơn vị sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển. Đây không phải là vấn đề quá lớn, bởi đơn vị đã từng hỗ trợ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng là các thiết bị trạm biến áp đường dây 500 kV. Dù vậy, theo ông Hậu, khi hai bên làm việc cụ thể, đơn vị xem xét kích thước xe, chiều cao thiết bị, lịch trình di chuyển thì mới có phương án khảo sát, rà soát cụ thể nhằm xử lý các vị trí đường dây điện không đảm bảo chiều cao tối thiểu khi phương tiện vận chuyển đi qua.

“Hai bên sẽ thống nhất và có lịch trình cụ thể, ít nhất phải trước 15 ngày. Lúc này, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ, tiến hành thông báo cho các đơn vị liên quan, khách hàng ở khu vực bị ảnh hưởng mất điện từ thời điểm nào đến thời điểm nào khi xe đi qua”-ông Hậu đề xuất giải pháp.

Trong khi đó, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải thì thông tin: Về nguyên tắc, doanh nghiệp chỉ cần có văn bản trình cơ quan quản lý hệ thống tuyến đường đó để được cấp phép vận chuyển hàng quá khổ, quá tải. Trên cơ sở xem xét phương tiện phù hợp, kiểm tra khối lượng hàng, kích thước và hệ thống kết cấu hạ tầng đảm bảo chịu được trọng tải hàng quá khổ, quá tải đó thì mới cấp phép vận chuyển.

Những trường hợp thiết bị không thể tách rời được về kích thước, trọng lượng, vượt quá khả năng chịu đựng của hệ thống cầu đường thì chủ đầu tư sẽ phối hợp, đề xuất và được cơ quan quản lý thống nhất phương án gia cường hệ thống hạ tầng đó; đồng thời, có sự hướng dẫn của lực lượng chức năng thì sẽ được lưu thông.

“Theo lộ trình, doanh nghiệp vận chuyển có văn bản gửi Sở Giao thông-Vận tải hoặc Cục Quản lý đường bộ III để xem xét, cùng khảo sát cấp phép. Nếu tải trọng vượt quá khả năng chịu đựng của cầu đường thì chủ đầu tư phải bỏ tiền gia cố hệ thống cầu đường nhằm đảm bảo phương tiện vận chuyển an toàn tuyệt đối”-ông Hạnh nhấn mạnh.

MINH NGUYỄN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8209/202102/van-chuyen-thiet-bi-dien-gio-sieu-truong-sieu-trong-can-su-ho-tro-tu-nhieu-nganh-5724800/