Vẫn còn 14 tỉnh/thành phố chưa phê duyệt triển khai Đề án 818

Hiện nay, nhận thức của nhiều tỉnh, thành phố về vấn đề xã hội hóa còn có những bất cập. Điều này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ở nhiều tỉnh/thành phố chưa xây dựng và phê duyệt Đề án để triển khai trên địa bàn.

Ngày 12/3/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 818/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020" (Đề án 818).

Sau quá trình triển khai, Đề án 818 đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, góp phần cung cấp các sản phẩm, hàng hóa phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ có chất lượng đến với người dân.

Trên cơ sở những kết quả bước đầu đã đạt được, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030.

Vẫn còn một số tỉnh chưa phê duyệt triển khai Đề án 818. Ảnh minh họa

Vẫn còn một số tỉnh chưa phê duyệt triển khai Đề án 818. Ảnh minh họa

Các chuyên gia nhận định, việc xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và hàng hóa KHHGĐ/SKSS; cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đây được coi là một trong những giải pháp huy động, đóng góp của xã hội, tăng đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số.

Tuy nhiên, hơn 5 năm qua, dù đã có các văn bản hướng dẫn triển khai Đề án nhưng đến nay, theo báo cáo của Ban Quản lý Đề án 818 (Tổng cục Dân số), vẫn còn tới 14 tỉnh/thành phố (chiếm 22,22%) chưa phê duyệt Đề án (3 tỉnh chưa xây dựng Đề án và 11 tỉnh đang trình UBND tỉnh/Sở Y tế). Điều này cho thấy, nhận thức của nhiều tỉnh, thành phố về vấn đề xã hội hóa còn có những bất cập. Trong khi các ngành nghề khác đã và đang đẩy mạnh việc xã hội hóa thì sự trì trệ vẫn còn trong hệ thống Y tế và Dân số.

Cụ thể, theo Ban Quản lý Đề án 818, 3 tỉnh hiện chưa xây dựng Đề án triển khai ở địa phương là Hậu Giang, Sơn La và Quảng Ninh. Trong đó, Hậu Giang đang cơ cấu lại bộ máy làm công tác dân số.

Sơn La đã nghiên cứu và thấy rằng nhiệm vụ thực hiện xã hội hóa đã được giao trong Chiến lược dân số giai đoạn 2016-2020 của tỉnh và ban hành kèm theo Quyết định số 2887/QĐ-UBND nên tỉnh không ban hành kế hoạch thực hiện Đề án. Tỉnh vẫn thực hiện phân phối các sản phẩm xã hội hóa của Đề án kể từ năm 2016. Còn Quảng Ninh không thực hiện xã hội hóa mà tiếp tục thực hiện chương trình tiếp thị xã hội.

11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (chiếm 17,46%) bao gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Tĩnh, Bình Định, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong đó, có 8 tỉnh đang trình UBND tỉnh và 3 tỉnh đang trình Sở Y tế phê duyệt.

Còn lại 49 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt Đề án/Kế hoạch xã hội hóa. Trong đó có 24 tỉnh được phê duyệt Đề án và 25 tỉnh được phê duyệt Kế hoạch.

Theo ThS.BS Phạm Hồng Quân, Giám đốc Ban Quản lý Đề án 818, thực tế hiện nay, việc ỷ lại vào bao cấp vẫn còn là rào cản lớn để đạt được thành công của chương trình, trong khi nguồn lực nhà nước ngày một giảm.

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, vấn đề xã hội hóa trong việc khám chữa bệnh, sử dụng dịch vụ KHHGĐ đã được thực hiện nhưng vẫn còn một bộ phận chưa nhận thức đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ở nhiều tỉnh/thành phố chưa xây dựng và phê duyệt Đề án.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/van-con-14-tinh-thanh-pho-chua-phe-duyet-trien-khai-de-an-818-172211130120845317.htm