Vẫn còn đó tư tưởng 'phải có con trai nối dõi'
Xã hội khá phát triển, nhưng tư tưởng phải có con trai nối dõi vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của rất nhiều gia đình, là nguyên nhân làm cho nhiều cặp vợ chồng tan vỡ hạnh phúc.
Bác sĩ thăm khám cho thai phụ tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa.
Cứ dăm bữa, nửa tháng, nhà chị Nguyễn Thị L., sinh năm 1978 ở huyện Quảng Xương lại ầm ĩ lên. Tiếng quát tháo, tiếng đập phá đồ đạc từ người chồng đã trở nên quen thuộc với chị và những người hàng xóm. Tối nay cũng vậy, đi ăn đám giỗ từ quê về, có vài ba chén rượu trong người, đến cửa chồng chị bắt đầu quát con, khơi ra những chuyện cũ. Bực tức trong người, chị lên tiếng cãi lại. Thế là vài ba cái bạt tai của chồng lại giáng xuống chị. “Khổ tâm lắm em ạ. Từ khi biết chị mang thai đứa con thứ 3 cũng là con gái, anh ấy bắt chị đến bệnh viện bỏ đi, nhưng ông bà nội không cho, bắt giữ lại vì đó cũng là một sinh mệnh. Đến nay con gái thứ 3 của chị đã 7 tuổi rồi và cũng ngần ấy năm, anh ấy trở tính trở nết. Đi làm thì thôi, chứ về đến nhà là quát mắng vợ con. Nhất là những hôm có tý men trong người, đồ đạc trong nhà cứ bay loảng xoảng. Chỉ cần cãi lại một câu là ăn đấm, ăn đá ngay. Khổ nhất là 3 đứa con gái, chúng nó đã lớn, nhận biết được niềm khao khát muốn có con trai của bố. Nhiều khi thấy mẹ bị bố đánh, chúng nó khuyên chị ly dị để giải thoát bản thân. Nhưng nghĩ lại, các con đều đang tuổi ăn, tuổi lớn, bố mẹ không ở với nhau nữa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học hành của con cái. Chưa nói, sau này chúng nó đến tuổi lấy chồng, gia đình nhà chồng thấu hiểu và thông cảm thì còn có hạnh phúc; gia đình nào có những định kiến nữa thì lại khổ cả đời. Cứ nghĩ thế, chị lại cố chịu đựng để có một mái nhà cho các con trưởng thành” – chị L. nói trong nước mắt.
Không bị những cái bạt tai, cái đấm đá vô cớ chỉ vì đẻ được mỗi một cô con gái nên chị Lê Thị H., sinh năm 1974, ở TP Thanh Hóa đã “được” chồng mang về 2 đứa con riêng, một trai, một gái. Ngày anh mang 2 đứa con riêng về cả xóm nhỏ của tôi bàn tán xôn xao. Bản thân anh là công chức, sống rất gần gũi, chan hòa với hàng xóm, láng giềng. Mỗi khi trong xóm tổ chức hoạt động tập thể, vợ chồng anh đều sắp xếp thời gian để tham gia. Nhìn thấy hình ảnh anh chị đi đâu cũng có nhau, mọi người trong xóm luôn ngưỡng mộ vì sự hạnh phúc của anh chị. Nhưng không ai biết được chữ ngờ... Gặp chị sau những ngày chị vùi mặt trong chăn để khóc, khóc vì tự trách bản thân không chăm lo cho sức khỏe để đến khi bệnh tình vào người không còn cơ hội có con, để rồi tuổi mỗi ngày một nhiều, nhan sắc không còn thì mới ra cơ sự như thế này. Nhìn khuôn mặt chị hốc hác, tóc tai rũ rượi, tôi chỉ biết khuyên chị phải lấy lại tinh thần, chăm lo cho bản thân. Chị H. khóc và nói trong oán hận “Điều làm chị đau đớn nhất và hận ông ấy cả cuộc đời là ông ấy lừa dối chị suốt bao năm trời. Bởi, cả tuổi trẻ chị hy sinh vì chồng, con, thậm chí nhịn ăn, không dám mua một chiếc áo mới, đi làm đẹp vì để dành tiền cho chồng về quê xây nhà, lo cho con ăn học. Lúc nào chị cũng nghĩ đến chồng, con cả. Giờ ông ấy lại xin chị cho phép ông ấy đi lại 2 nơi để nuôi dạy 2 đứa con riêng của ông ấy. Nếu không thì ly dị để ông ấy làm tròn trách nhiệm với bọn trẻ... Chị nghĩ rồi, không bao giờ ly dị. Cứ sống như thế để xem cuộc đời ai sẽ hạnh phúc hơn. Chị sẽ dằn vặt ông ấy hết quãng đời còn lại”!?
Cũng chỉ sinh được 2 cô con gái, nhưng vì chồng quá “khát” con trai mà chị Lê Thị A., ở TP Thanh Hóa phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đi các bệnh viện lớn áp dụng khoa học - kỹ thuật mong kiếm được thằng cu. Nhưng rồi cứ mỗi lần có thai, đi kiểm tra xét nghiệm ADN biết là con gái, chị lại phải lặng lẽ đi làm kế hoạch. Điều chị A. buồn nhất đó là chồng chị là người quá ích kỷ và vô tâm, không biết chia sẻ với chị những khó khăn, vất vả trên hành trình tìm kiếm con trai mà chỉ biết đòi hỏi. Kể cả khi chị có đi làm kế hoạch anh cũng thờ ơ như không có chuyện gì xảy ra. Không chỉ chồng đòi hỏi chị phải sinh bằng được con trai mà tư tưởng trọng nam, khinh nữ của bố mẹ chồng cũng đè nặng lên chị. Cũng chính vì vậy, mà mỗi khi vợ chồng xích mích, chồng chị bỏ nhà đi cả nửa tháng trời mới quay về nhưng chị vẫn chấp nhận, với lý do duy nhất là muốn giữ bố lại cho các con của mình mà không màng đến hạnh phúc và sức khỏe của bản thân.
Từ những câu chuyện của các chị nêu trên mới thấy được không chỉ những cặp vợ chồng hạn chế về nhận thức mới lục đục vì tư tưởng trọng nam, khinh nữ mà ngay cả những người có học thức, tư tưởng ấy vẫn còn đè nặng trong tâm trí của họ, gây nên những đợt “sóng ngầm” trong mỗi gia đình. Và khi những đợt “sóng ngầm” diễn ra, nhiều hơn thì sự tổn thương trong tâm hồn và thể xác sâu sắc nhất vẫn là người phụ nữ và những bé gái trong gia đình. Sự khát khao có bằng được “thằng chống gậy” của các ông bố đã vô tình làm cho những bé gái mang trong mình vết thương khó lành để rồi chúng phải xoay xở, nhìn mặt người thân để lớn lên.
Cũng chính từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ tồn tại lâu đời trên mà tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh Thanh Hóa đang ở nhóm cao trong cả nước. Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Thanh Hóa là 115 bé trai/100 bé gái, năm 2020-2021 là 113,5 bé trai/100 bé gái. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, sự mất cân bằng giới tính khi sinh cao như hiện nay sẽ tác động tiêu cực với cơ cấu dân số trong tương lai theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Hệ lụy là nước ta sẽ dư thừa số lượng nam thanh niên. Với chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, do dư thừa nam giới, thì hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân làm tăng nguy cơ bệnh tật khi mà các nhu cầu tâm lý, tình cảm, sinh lý không được đáp ứng. Bất bình đẳng giới cũng sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như: phụ nữ không có được vị thế, không phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội; đối mặt là tình trạng gia tăng các vụ bạo hành giới mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái, tăng cao nguy cơ các cặp vợ chồng ly hôn. Nguy cơ thiếu nhân lực trong một số ngành, nghề vốn thích hợp với phụ nữ như giáo viên, y tá, may mặc...
Thiết nghĩ con cái là món quà thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng cho mỗi gia đình, sinh ra được đứa con, nuôi con trưởng thành đã là may mắn. Vì vậy hãy biết yêu thương và trân trọng những gì mình đã có. Vì biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn đang khao khát có một đứa con dù là trai hay gái. Hơn nữa, chắc gì sinh được con trai đã là hạnh phúc. Có nhiều gia đình tan nát, mất mát đau thương cũng từ những “quý tử”. Nhưng cũng có những gia đình toàn con gái lại được nương nhờ khi về già. Và đến khi nhắm mắt về với ông bà tổ tiên con gái là người thờ phụng chu đáo nhất.