Vẫn còn khoảng 800.000 tấn bom mìn sót lại sau chiến tranh
Thống kê cho thấy, số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh thành, phố, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Công bố số liệu về người khuyết tật và nạn nhân bom mìn 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức sáng nay (7/1).
Theo Bộ LĐ-TB-XH, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất thế giới. Ước tính số bom mìn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,82% diện tích cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh thành, phố, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung.
Theo Bộ Tư lệnh Công binh, tất cả các loại bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình sản xuất và sinh hoạt hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học.
Thống kê cũng cho thấy từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là những lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng các tỉnh miền Trung gồm: Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó 10.540 người chết, 12.260 người bị thương.
Ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, Cục đã phối hợp với Sở LĐ-TB-XH các tỉnh Bình Định và Quảng Bình tổ chức rà soát, thu thập thông tin nạn nhân bom mìn trên địa bàn.
Kết quả cho thấy, 2 tỉnh có gần 75.000 người khuyết tật. Trong đó có khoảng 94% các nạn nhân bom mìn không có khả năng lao động. Với những người có khả năng làm việc và tìm được việc làm, mức thu nhập bình quân mỗi tháng của nhóm này tại Bình Định, Quảng Bình là dưới 3 triệu đồng/tháng.
Theo ông Tùng, hiên nay cơ sở dữ liệu về đối tượng nạn nhân bom mìn và người khuyết tật lớn, đa dạng, phải thu thập và phân loại nhiều thông tin liên quan đến đối tượng nên việc rà sát, tổng hợp và cập nhật thông tin mất nhiều thời gian. Đội ngũ cán bộ cấp xã kiêm nhiệm và đảm nhiệm khối lượng công việc lớn, năng lực còn hạn chế, thiếu kỹ năng, nghiệp vụ nên quá trình thu thập số liệ chưa đảm bảo tiến độ so với kế hoạch dự kiến.
Trưởng phòng Công tác xã hội đề xuất cần có những nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến dịch vụ công về công tác xã hội và trợ giúp xã hội với nạn nhân bom mìn và người khuyết tật. Bên cạnh đó cũng cần thêm sự hỗ trợ cung cấp các dịch vụ về y tế, phục hồi chức năng, công tác xã hội trên cơ sở kết quả rà soát, thu thập thông tin người khuyết tật. Hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình sinh kế cho nạn nhân bom mìn, người khuyết tật và gia đình nạn nhân bom mìn để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra các địa phương cũng cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội tại các Trung tâm công tác xã hội/Trung tâm Bảo trợ xã hội.... Đặc biệt cần thêm sự hỗ trợ vận hành đường dây nóng, nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm công tác xã hội/Trung tâm Bảo trợ xã hội.../.