VẪN CÒN NHÀ HÀNG CHẾ BIẾN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ PHỤC VỤ NHU CẦU CỦA NGƯỜI DÂN

Tại Hội thảo đánh giá 'Việc thực hiện các kiến nghị giám sát của các cơ quan Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật thực thi công ước CITES' ngày 25/4, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại, ở các thành phố, huyện, thị xã lớn vẫn còn nhà hàng chế biến động vật hoang dã lén lút phục vụ nhu cầu ăn uống, làm thuốc của người dân.

Chiều 25/4, tại tỉnh Quảng Ninh, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức Hội thảo đánh giá “Việc thực hiện các kiến nghị giám sát của các cơ quan Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật thực thi công ước CITES”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy điều hành Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Công ước CITES là một hiệp ước đa phương với 184 thành viên gồm các Chính phủ và các khu vực kinh tế. Mục đích của Công ước nhằm đảm bảo việc thương mại quốc tế mẫu vật các loài động, thực vật hoang dã không đe dọa tới sự tồn vong của các loài trong tự nhiên. Việc buôn bán các loài hoang dã là rất đa dạng, từ các cá thể sống cho đến một chuỗi các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐTVHD như thực phẩm, đồ nội thất, dược phẩm và đồ trang trí. Tuy nhiên, mức độ khai thác đối với một số loài, cùng với những yếu tố khác như mất môi trường sống đã khiến các loài đứng trên bờ vực tuyệt chủng, dẫn đến việc cần kiểm soát chặt chẽ hơn và các hoạt động thương mại chỉ được diễn ra trong những trường hợp đặc biệt.

Việt Nam vừa là điểm trung chuyển, vừa là điểm đến của những hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Nhu cầu không bền vững của người tiêu dùng đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã như sừng tê giác, vảy tê tê, ngà voi và rùa là vô cùng lớn và là nguyên nhân hàng đầu đẫn đến các mối đe dọa mà các loài này đang phải đối mặt.

Nhận thấy sự cần thiết của sự đa dạng sinh học và động, thực vật hoang dã đối với con người, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật về bảo vệ, quản lý động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm, loài được ưu tiên bảo vệ như Luật Lâm nghiệp, Bộ luật Hình sự, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ Môi trường và các văn bản hướng dẫn thực thi luật. Các cơ quan thực thi pháp luật trong lĩnh vực này như kiểm lâm, cảnh sát môi trường, hải quan, bộ đội biên phòng và các đội quản lý thị trường được giao quản lý và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.

 Ông Chu Ngọc Quân – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì.

Ông Chu Ngọc Quân – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì.

Đề cập công tác thực thi pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã thuộc phụ lục CITES tại Vườn Quốc gia Ba Vì, ông Chu Ngọc Quân – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì cho biết: Vườn Quốc gia Ba Vì còn là nơi sinh sống của 63 loài thú, 194 loài chim, 61 loài bò sát, 27 loài lưỡng cư. Trong đó có 50 loài quí hiếm thuộc CITES như Sơn dương, lợn rừng, Báo lửa, cầy mực, sóc bay, công, gà lôi trằng…

Theo ông Chu Ngọc Quân, mục tiêu đến năm 2033, Vườn Quốc gia Ba Vì phấn đấu là ngôi nhà thân thiện của các loài nguy cấp; nơi giao lưu giữa người và chim di cư. Để đạt được mục tiêu này, ông Chu Ngọc Quân góp ý xây dựng sửa đổi các quy định về bảo vệ loài, sinh cảnh loài; Tiếp tục thực hiện các biện pháp tổng hợp về bảo tồn loài, đặc biệt là các loài thuộc CITES; Tăng cường hoạt động hợp tác nghiên cứu kỹ thuật lưu giữ nguồn gen; Hợp tác quốc tế về bảo vệ chim di cư.

Về nhiệm vụ dài hạn, nên hình thành quỹ về bảo vệ loài thuộc CITES; Hình thành mạng lưới nghiên cứu bảo vệ loài nguy cấp. Hình thành sức mạnh mềm về điều kiện phát triển kinh tế gắn với bảo tồn loài và bảo vệ môi trường của các địa phương. Với những đề xuất này, ông Chu Ngọc Quân kỳ vọng đến năm 2033, toàn xã hội sẽ tôn trọng các loài hoang dã như các nước tiên tiến.

Vẫn còn nhà hàng chế biến động vật hoang dã phục vụ nhu cầu ăn uống, làm thuốc của người dân

Đề cập về công tác điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES ở Việt Nam, Đại tá Lê Thơm- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết: Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có đa dạng sinh học cao, với hành chục nghìn chủng, loài vi sinh vật, thực vật, động vật trên cạn và dưới nước; là nơi cư trú của nhiều loại động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm.

Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mất cân bằng nghiêm trọng do việc mất rừng, săn bắt, trái phép của người dân vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, miền núi, vùng ven biển, nhất là phong tục tập quán của một bộ phận người dân sống tại các làng, bản gần rừng. Tại các thành phố, huyện, thị xã lớn vẫn còn nhà hàng, quán kinh doanh, chế biến động vật hoang dã lén lút phục vụ nhu cầu ăn uống, làm thuốc của người dân. Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 750 cơ sở nuôi với gần 2,9 triệu cá thể, đây cũng là vấn đề cần quan tâm, phân biệt, đề phòng một số đối tượng lợi dụng đề mua bán, tiêu thụ trái phép.

Đại tá Lê Thơm - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an).

Đại tá Lê Thơm - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an).

Theo Đại tá Lê Thơm, dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã trong thời gian tới vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp về tội phạm mua bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã xuyên quốc gia. Trong nước thì còn một bộ phận nhân dân sinh sống khu vực gần rừng còn nghèo, phụ thuộc nhiều vào rừng nên nhu cầu săn bắt, buôn bán động vật hoang dã để mưu sinh vẫn tiếp tục diễn ra. Lợi nhuận từ hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã rất lớn nên các đối tượng tìm ra các khe hở, khoảng trống cơ chế, chính sách, pháp luật để hoạt động và sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Trong khi đó, vẫn còn có một bộ phận dân chúng tin vào giá trị chữa bệnh, vẻ đẹp và sức mạnh tâm linh của các vật phẩm làm từ động vật hoang dã, công luận xã hội còn chưa có thái độ phê phán gay gắt, mạnh mẽ đối với hành vi săn bắt, buôn bán hay sử dụng động vật hoang dã sẽ tiếp tục tồn tại và gia tăng...

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, Đại tá Lê Thơm cho biết, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, lực lượng huy động toàn bộ hệ thống chính trị và sức mạnh toàn dân cùng tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi xâm hại đến động vật hoang dã trái phép. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, tập hợp, tham mưu để cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ nhằm tang cường hiệu quả phòng ngừa, răn đe tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, quý, hiếm.

Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thường xuyên thực hiện công tác nắm tình hình, thu thập thông tin để nhận diện các tuyến, địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, đặc biệt chú trọng đến địa bàn có đường biên giới, cửa khẩu, cảng biển. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện đường dây, tổ chức tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã liên tỉnh, xuyên quốc gia, để đấu tranh ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả.

Ông Bùi Thanh Tùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng.

Ông Bùi Thanh Tùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng.

Đưa ra quan điểm về bảo vệ động vật hoang dã, ông Bùi Thanh Tùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng cho biết, hiện nay, nhiều nhà hàng, cơ sở ăn uống ở một số nơi công khai quảng cáo với thực khách về các loại món ăn được chế biến từ động vật hoang dã. Điều này đã khiến cho việc bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đề nghị chính quyền địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý các nhà hàng, quán ăn tại địa phương mình.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức về việc thực hiện các kiến nghị giám sát của các cơ quan Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật thực thi công ước CITES.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy, công tác bảo tồn động vật hoang dã, đa dạng sinh học cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các Bộ ngành, ý thức của người dân và sự phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan quốc tế. Tất cả những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, chuyên gia đến từ các cơ quan trong và ngoài nước sẽ được Ban tổ chức Hội thảo tiếp nhận để làm căn cứ để xây dựng Báo cáo.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Ông Lương Xuân Hồng - Giám đốc trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho ý kiến về công tác cứu hộ, nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã.

Ông Hoàng Xuân Thủy - Vườn Quốc gia Cúc Phương đề cập công tác thực thi pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã thuộc phụ lục Cites tại Vườn Quốc gia Ba Vì.

Ông Hoàng Xuân Thủy - Vườn Quốc gia Cúc Phương đề cập công tác thực thi pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã thuộc phụ lục Cites tại Vườn Quốc gia Ba Vì.

Bà Hà Thị Tuyết Nga- Giám đốc cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho ý kiến về công tác bảo vệ động vật hoang dã.

Bà Hà Thị Tuyết Nga- Giám đốc cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho ý kiến về công tác bảo vệ động vật hoang dã.

Bích Lan-Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75256