Vẫn còn nhiều cơ hội cho thí sinh xét tuyển vào đại học năm 2023
Tới thời điểm này, thí sinh trúng tuyển đợt 1 đã kết thúc xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GĐ-ĐT. Nhiều trường đại học vẫn đang xét tuyển bổ sung với nhiều ngành 'hot'. Thí sinh cần lưu ý gì khi đăng ký xét tuyển bổ sung?
Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, 17h ngày 8.9, thí sinh xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023 đã hoàn thành việc xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống của Bộ GD-ĐT.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, số thí sinh xác nhận nhập học trên Hệ thống là 494.488 em, chiếm tỷ lệ 49,3% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023. So với số thí sinh đăng ký xét tuyển, con số này chiếm tỷ lệ 74,9%.
So với số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên Hệ thống, con số này đạt 80,8%, còn 19,2% thí sinh không xác nhận nhập học.
Nếu so sánh với năm 2022 (số thí sinh xác nhận nhập học trên Hệ thống là 463.025 em), tỷ lệ xác nhận nhập học so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và so với số thí sinh đăng ký xét tuyển của năm 2023 đều tăng.
Tuy nhiên, tỷ lệ xác nhận nhập học so với số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên Hệ thống của năm 2023 giảm nhẹ (năm 2022, tỷ lệ này là 81,6%).
Học viện Ngân hàng xét tuyển bổ sung hệ đại học chính quy tại Phú Yên (cơ sở đào tạo tại phía Nam của Học viện Ngân hàng) với 219 chỉ tiêu theo 2 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2023 và xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT vào các ngành: Ngân hàng, Tài chính, Kế toán; theo các tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07.
Nguyên tắc xét tuyển dựa trên điểm xét tuyển căn cứ theo đề án tuyển sinh năm 2023, xếp từ cao xuống thấp cho tới khi hết chỉ tiêu.
Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển bổ sung 110 chỉ tiêu cho 3 ngành học. Trong đó, ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính có 40 chỉ tiêu. Ngành Kỹ sư Tự động hóa và Tin học có 50 chỉ tiêu và ngành Quản lý (song bằng VNU-Keuka) có 20 chỉ tiêu.
Nhà trường xét tuyển theo hai phương thức. Phương thức 1: Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 21 trở lên theo tổ hợp xét tuyển, điểm thi tiếng Anh/Pháp/Nhật ≥ 6.0. Phương thức 2: Có tổng điểm quy đổi chứng chỉ IELTS từ 5.5 kết hợp điểm thi 02 môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 23 điểm.
Ngay sau khi kết thúc thời gian xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh quyết định tuyển bổ sung 535 chỉ tiêu, sử dụng kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023 và kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2023.
Theo đó, có 11 ngành đào tạo do Trường Đại học Quốc tế cấp bằng và 13 ngành đào tạo liên kết do đối tác của Trường Đại học Quốc tế cấp bằng sẽ tuyển sinh bổ sung.
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng thông báo xét tuyển bổ sung đại học chính quy năm 2023 tại Phân hiệu Vĩnh Long. Nhà trường tuyển sinh 210 chỉ tiêu cho 12 ngành đào tạo: Tiếng Anh thương mại; Quản trị; Quản trị khách sạn; Marketing; Thương mại điện tử; Tài chính; Ngân hàng; Kế toán; Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Robot và Trí tuệ nhân tạo (hệ kỹ sư); Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Kinh doanh nông nghiệp.
Hai phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp và xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (điểm bài thi/môn thi theo tổ hợp môn xét tuyển).
Thí sinh lưu ý gì khi đăng ký xét tuyển bổ sung?
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, TS Nguyễn Phi Long, Trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam - chuyên gia tuyển sinh lưu ý thí sinh cần đọc kỹ thông báo tuyển sinh bổ sung của các trường để nắm rõ các thông tin về tiêu chí tuyển sinh (điều kiện tuyển sinh), ngành tuyển sinh.
Từ đó, đánh giá bản thân mình có phù hợp với ngành đó, trường đó hay không. Thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ về số chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung mà các trường đã thông báo, cân nhắc điều kiện mình đang có để xem khả năng “an toàn”, cơ hội trúng tuyển của mình thế nào trước khi làm hồ sơ đăng ký.
“Thông thường, theo quy định, khi xét tuyển bổ sung, điểm xét tuyển đợt bổ sung sẽ không thấp hơn điểm trúng tuyển của những đợt trước. Do vậy, rất có thể có những ngành xét tuyển bổ sung nhưng điểm rất cao. Các em cần có phán đoán rất khách quan, phải đọc kỹ các thông báo, phương thức tuyển sinh của các trường, tìm hiểu kỹ về các ngành, chỉ tiêu tuyển sinh”, TS Long lưu ý thí sinh.
TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng lưu ý thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung vào Học viện Ngân hàng: Học viện đang xét tuyển bổ sung tại phân viện Phú Yên - tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung bộ. Đây là cơ sở đào tạo tại phía Nam của Học viện Ngân hàng.
Sinh viên tại Phú Yên cũng được đảm bảo tất cả các quyền lợi của sinh viên trong hệ thống của Học viện Ngân hàng như: Được cấp Bằng tốt nghiệp của Học viện Ngân hàng (Hà Nội) sau khi tốt nghiệp và tham gia học tập tại Học viện Ngân hàng Hà Nội và cơ sở Bắc Ninh với chương trình “Học kỳ trao đổi sinh viên” (tối đa 2 học kỳ)
“Một số thí sinh nhầm lẫn Học viện đang tuyển bổ sung ở cơ sở phía Bắc, các em cần lưu ý việc này.”, TS Hà nói.
Để tăng tối đa cơ hội trúng tuyển khi xét tuyển bổ sung, theo TS Hà, thí sinh cần tuân thủ đúng quy định của trường về hồ sơ, thời hạn đăng ký. Bên cạnh đó, vì Học viện xét tuyển theo các tổ hợp, thí sinh nên lựa chọn tổ hợp có điểm cao nhất để tăng cơ hội trúng tuyển.
Cũng theo TS Hà, thí sinh khi xét tuyển bổ sung có thể thuộc một trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là không trúng tuyển bất cứ nguyện vọng nào ở đợt xét tuyển đầu tiên. Trường hợp hai là đã trúng tuyển, cũng có thể đã xác nhận nhập học vào một trường khác.
“Ở trường hợp thứ hai, thí sinh cần trao đổi lại với trường mình đã xác nhận nhập học, để trường hỗ trợ hủy xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT mới có thể đăng ký xét tuyển bổ sung”, TS Hà cho hay.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo, thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Nếu cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung, thí sinh đã trúng tuyển và đã xác nhận nhập học không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được Hiệu trưởng/Giám đốc cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.