Vẫn còn nhiều trở ngại để mô hình kinh tế xanh phát triển toàn diện
Dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2024, ngày 4/6, tại Hà Nội, Thời báo Ngân hàng tổ chức tọa đàm "Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh bền vững.”
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, thời gian qua ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ quá trình xanh hóa của nền kinh tế. Tính đến ngày 31/3, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 637.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. So với thời điểm cuối năm 2015, khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng xanh, dư nợ chỉ 71.000 tỷ đồng.
Sau 9 năm, dư nợ cho chương trình tín dụng xanh tăng 9 lần, bình quân mỗi năm tăng 100%. Nếu đánh giá so với dư nợ bình quân chung của cả nền kinh tế, tín dụng xanh đã tăng gấp 7 lần. 637.000 tỷ đồng tín dụng xanh được tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo (chiếm tỷ trọng 47%), nông nghiệp xanh (khoảng 32%), nước sạch cho đô thị nông thôn (khoảng 11%) và phần còn lại dành cho lâm nghiệp. Tín dụng trung dài hạn chiếm 77% tổng dư nợ xanh.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường đào cán bộ Agribank cho biết trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học, dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, quản lý rủi ro thiên tai, hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp, cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, Agribank cũng đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, điện gió…
Dù Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, ngành Ngân hàng và các bộ, ngành khác cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, nhưng theo đánh giá của các đại biểu, việc triển khai mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Bởi đây đều là những mô hình kinh tế mới, hành lang pháp lý cho các mô hình này chưa hoàn thiện, nhận thức của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực tài chính có hạn cũng là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích Việt Nam chưa có bộ tiêu chí chung để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của kinh tế tuần hoàn.
Chẳng hạn, dù được đề cập nhiều, song vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí của nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ, thậm chí chưa có. Ở một khía cạnh khác, Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu cần thiết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ của vòng đời sản phẩm.
Cũng theo bà Minh, Việt Nam còn gặp khó khăn về cả thị trường nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho kinh tế tuần hoàn. Mặc dù đã có các văn bản quy phạm pháp luật quy định tương đối đầy đủ để phát triển thị trường tái chế chất thải rắn, nhưng thị trường này vẫn chưa được hình thành đầy đủ do thiếu những cơ chế, chính sách liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất; các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm tái chế…
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, cũng chỉ ra 5 lĩnh vực cần ưu tiên tăng trưởng xanh: Nông nghiệp canh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững (đô thị chiếm 78% tiêu thụ năng lượng và 60% khí phát thải nhà kính toàn cầu, theo UB Habitat); chuyển đổi năng lượng sạch; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn (hiện tại, 62% khí thải nhà kính là từ sản xuất, 38% từ phân phối và tiêu dùng); gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả (Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có kinh tế biển).
Để phát triển kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ trong thời gian tới, Tiến sỹ Lại Văn Mạnh - Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra Việt Nam cần thiết lập lộ trình phù hợp với các trụ cột chính cần tập trung gồm âng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra theo ông Mạnh, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dung và tăng cường liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Các đạo biểu cũng cho rằng cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân và cộng đồng về xây dựng lối sống xanh, ý thức và thói quen phân loại rác thải, tạo lập văn hóa sản xuất và tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới./.