Vẫn còn nhiều vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19
Trong khi các ca dương tính tại cộng đồng ngày càng gia tăng, khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànôịmới ngày 2-12 trên địa bàn Hà Nội cho thấy, ý thức người dân vẫn rất chủ quan, coi thường dịch bệnh nguy hiểm. Nhiều hàng quán vẫn đông khách, đón quá số khách quy định, không quét mã QR, không thực hiện '5K'. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Chợ "cóc" vẫn họp trên phố Tôn Tất Thiệp (quận Ba Đình).
Còn nhiều vi phạm
Khảo sát một số tuyến phố trên địa bàn quận Ba Đình ngày 2-12, như các phố Trúc Bạch, Phó Đức Chính, Yên Ninh (thuộc phường Trúc Bạch); Giảng Võ, Trần Huy Liệu, Văn Cao (phường Giảng Võ)..., các cửa hàng kinh doanh, ăn uống trang bị đầy đủ thiết bị phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số hàng quán chưa tuân thủ nghiêm quy định.
Theo Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy, từ ngày 1-11 đến nay, UBND phường Trúc Bạch đã xử phạt 3 trường hợp không thực hiện quy định phòng, chống dịch, tổng số phạt 7 triệu đồng, đồng thời đề xuất UBND quận Ba Đình xử phạt 1 trường hợp 15 triệu đồng. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, UBND phường đã yêu cầu các tổ công tác kiểm tra các tuyến phố nhiều lần trong ngày, nhất là vào giờ cao điểm, để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Buôn bán tràn lan trên phố Hòe Nhai (quận Ba Đình).
Tương tự, tại một số tuyến phố khác như Nguyễn Khắc Nhu, Hòe Nhai (phường Nguyễn Trung Trực); phố Trần Phú, Tôn Thất Thiệp (phường Điện Biên) vẫn tồn tại tình trạng quán ăn, trà đá kê bàn ghế ra vỉa hè cho khách ngồi đông, không thực hiện giãn cách. Đặc biệt, tại phố Tôn Thất Thiệp còn tồn tại chợ "cóc" tràn ra vỉa hè và lòng đường. Khu chợ này có nhiều hàng ăn uống, tập trung đông người và khách ngồi không giữ khoảng cách.
Ngày 2-12, khảo sát trên địa bàn quận Hoàng Mai cho thấy, tại các phường tập trung nhiều nhà chung cư như Đại Kim, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ…, người dân khi ra ngoài đều đeo khẩu trang, nhưng việc giữ khoảng cách, quét mã QR khi đến các hàng quán, chung cư... không được thực hiện nghiêm. Nhiều nhà hàng, quán ăn trên phố Trương Định (phường Giáp Bát), Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ)… không có vách ngăn, không trang bị nước sát khuẩn tay cho khách, nhưng đến nay chưa bị kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tương tự, trên địa bàn phường Hoàng Liệt…, một số quán trước đây bán bia hơi nay đã thành nhà hàng, khách ngồi vượt quá 50% công suất, song không thấy lực lượng phòng, chống dịch đến kiểm tra, nhắc nhở. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Tạ Văn Hải, sở dĩ đến thời điểm này UBND phường chưa xử lý vi phạm phòng, chống dịch với các cơ sở kinh doanh là bởi hiện nay phường chỉ kiểm tra việc dán mã QR và đóng cửa trước 21h nên chưa phát hiện vi phạm. Cũng theo ông Hải, nếu sau 3 lần nhắc nhở, cơ sở kinh doanh nào không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch, UBND phường sẽ xử lý theo quy định.
Việc lơ là, chủ quan trước tình hình dịch bệnh còn xuất hiện ở các chợ dân sinh trên địa bàn phường Đại Kim, Hoàng Văn Thụ. Tại đây, nhiều hộ kinh doanh chưa có tấm chắn, để khách tự do chen lấn mua hàng, dừng đỗ phương tiện bừa bãi dưới lòng đường.
Việc lơ là, chủ quan trước tình hình dịch bệnh còn xuất hiện ở các chợ dân sinh trên địa bàn phường Đại Kim, Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai).
Duy trì kiểm tra thường xuyên và đột xuất
Khảo sát trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cho thấy, còn nhiều người dân chưa chấp hành nghiêm quy định “5K”. Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Quang Anh cho biết, lực lượng chức năng thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở người dân cũng như các hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, lực lượng chức năng phường sẽ xử lý nghiêm.
Trước phản ánh thực tế về tình trạng chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết, UBND quận luôn duy trì việc kiểm tra thường xuyên và đột xuất để nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định của Trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, quận duy trì công tác phòng, chống dịch tại 34 cơ quan, đơn vị, bệnh viện, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Từ đầu năm đến nay, quận đã xử phạt hơn 6,6 tỷ đồng với 5.384 trường hợp vi phạm phòng, chống dịch.
“Lực lượng chức năng quận sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn người dân triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng 18 phường xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm”, ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh.
Tính từ ngày 29-10 đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức ghi nhận 168 ca mắc mới tại 17/20 xã, trong đó có 89 ca mắc tại cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận khẳng định, trước diễn biến phức tạp này, toàn huyện tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn, lực lượng chức năng không được chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả đạt được.
Đồng thời, huyện Hoài Đức tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả nhằm xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, yêu cầu đóng cửa khi không bảo đảm các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Lực lượng chức năng xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) nhắc nhở tiểu thương kinh doanh tại chợ chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Xác định chợ sẽ là nơi tập trung đông người, có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh trong cộng đồng nên UBND huyện Thanh Trì chỉ đạo ban quản lý các chợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền nhắc nhở tiểu thương và người dân đến mua hàng bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Tại xã Tứ Hiệp, ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh trong chợ, kiểm tra nhắc nhở tiểu thương và người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Ngay từ cổng vào, chợ đã bố trí các cụm panô nhắc nhở người dân vào chợ phải đeo khẩu trang, khai báo y tế và bố trí nước sát khuẩn, đặt nhiều điểm quét mã QR.
“Xã đã phân công đoàn viên, thanh niên hằng ngày có mặt tại chợ để hỗ trợ cho tiểu thương và người dân vào chợ trong việc cài đặt và cách quét mã QR. Ngoài ra, ban quản lý chợ phun tiêu độc khử trùng vào cuối buổi chợ”, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Nguyễn Trung Kiên cho biết.
Quan sát tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chợ dân sinh thuộc địa bàn các xã, thị trấn: Đại Nghĩa, An Mỹ, Tuy Lai, Bột Xuyên, Phúc Lâm... của huyện Mỹ Đức, phóng viên nhận thấy khá thưa vắng khách. Song tại các chợ dân sinh như: Thượng (xã Tuy Lai), Bóp (xã Bột Xuyên), Ba Thá (Phúc Lâm)..., nhiều tiểu thương chưa tạo vách ngăn giọt bắn. Người mua và bán hàng chưa nghiêm túc chấp hành quy định về khoảng cách trong quá trình mua bán. “Do chỉ phục vụ nội bộ người dân trong thôn nên một số người chủ quan trong giữ khoảng cách...”, chị Nguyễn Thị Lài, người dân thôn Lai Tảo (xã Bột Xuyên) cho biết.
Nhận được phản ánh của phóng viên, Chủ tịch UBND xã Bột Xuyên Trần Xuân Hải đã chỉ đạo lực lượng công an xã lập tức kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, giao tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên tuyên truyền, giám sát người dân nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch, nhất là thực hiện quy định “5K”.
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.