Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, chính quyền Ukraine đã ra lệnh chặn kênh đào Bắc Crimea bằng cách xây dựng một con đập, khiến nguồn cung cấp nước ngọt trở nên cực kỳ khan hiếm.
Đã có rất nhiều hệ lụy xảy ra từ việc thiếu nước ngọt, bao gồm cả môi trường trở nên ô nhiễm trầm trọng cũng như mức sống của người dân địa phương xuống thấp đến mức báo động, rất cần chính quyền Nga ra tay giải quyết.
Sau nhiều nỗ lực bền bỉ, Moskva mới đây tuyên bố họ đã chuẩn bị kế hoạch cung cấp đầy đủ nước ngọt cho người dân Crimea và công bố khung thời gian giải quyết triệt để vấn đề.
Phó Chủ tịch Ủy ban Hội đồng chính sách kinh tế Nga - ông Valery Vasiliev trong một cuộc hội thảo tiết lộ, nhà chức trách đã vạch ra nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt của bán đảo và khẳng định tình trạng này sẽ được giải quyết vào năm 2024.
Ông Vasiliev nhấn mạnh, để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nước ngọt sinh hoạt cho người dân tại bán đảo Crimea cũng như quân cảng Sevastopol, cần phải sản xuất hơn 300 nghìn m3 nước mỗi ngày.
Nhằm đạt được con số trên, giới chức Nga đã chuẩn bị một bản kế hoạch hành động, hướng tới đảo ngược tình thế bị phong tỏa và chấm dứt mãi mãi vấn đề thiếu nước ngọt trên bán đảo Crimea.
"Chính quyền liên bang dự kiến sẽ phân bổ tổng cộng 48 tỷ Ruble để thực hiện 14 hoạt động nằm trong kế hoạch thuộc giai đoạn từ nay cho đến năm 2024 nhằm cung cấp nước ngọt cho Crimea", ông Vasiliev lưu ý.
Theo bản đề xuất đã được thông qua, bán đảo sẽ được cung cấp khoảng 310.000 m3 nước ngọt mỗi ngày - khối lượng trên theo đánh giá là khá đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân Crimea.
Tuy nhiên thông tin trên chưa được đón nhận một cách hồ hởi, bởi trong gần 7 năm qua, bất chấp nhiều nỗ lực cả về chính trị, quân sự lẫn khoa học kỹ thuật được Nga đưa ra, bán đảo Crimea chưa thể thoát khỏi tình trạng thiếu hụt nguồn nước.
Những giải pháp kỹ thuật bao gồm khử muối trong nước biển, làm mưa nhân tạo hay đào kênh dẫn nước ngọt từ xa tới đều tỏ ra kém khả thi vì tốn kém cũng như lượng nước được tạo ra theo cách này chưa đủ giải tỏa hoàn toàn "cơn khát".
Thậm chí còn có đề xuất rằng chỉ có việc xây dựng một con đập ở đầu nguồn sông Dnepr thì Nga mới có khả năng gây ảnh hưởng đến chính quyền Ukraine, buộc Kiev dỡ bỏ phong tỏa kênh đào Bắc Crimea - nơi cung cấp nước cho bán đảo trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên phải lưu ý đến thực tế là sông Dnepr chảy qua lãnh thổ Liên bang Nga, Belarus và Ukraine. Do đó Moskva trong mọi trường hợp buộc sẽ phải tính đến lợi ích của Minsk. Sự phản đối của Belarus là chắc chắn, cho nên kế hoạch này không thể triển khai.
Không chỉ có vậy, mới đây Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin còn cho biết, sắp tới sẽ bắt đầu tiến hành khoan thăm dò đáy Biển Azov ở độ sâu mà các mỏ nước ngọt lớn đã được phát hiện, tuy nhiên trữ lượng thực tế nhiều khả năng chưa thể đáp ứng nhu cầu.
Nhìn vào quá khứ, người dân Crimea chắc chắn chưa thể sớm "ăn mừng" trước lời phát biểu còn mang nặng tính lý thuyết và chưa có bước đi cụ thể nào của ông Vasiliev.
Bạch Dương