Vẫn còn tình trạng khen thưởng nể nang, phân định 'cấp trên với cấp dưới'
Theo ĐB Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ), Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này cần khắc phục bất cập tình trạng bình xét khen thưởng hình thức, nể nang, phân định cấp trên với cấp dưới.
Ngày 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Góp ý về nội dung liên quan đến thủ tục bình xét công tác thi đua, khen thưởng định kỳ và đột xuất thuộc dự thảo Luật, ĐB Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng dự thảo Luật này cần quan tâm khắc phục sự bất cập của luật hiện hành về việc quy định xét thi đua tính theo tỷ lệ.
ĐB thẳng thắn nêu thực tế, do không có sự phân cấp, phân ngành, lĩnh vực rõ ràng trong tổ chức, đăng ký tham gia và bình xét thi đua, khen thưởng, nên việc tổ chức đánh giá, bình xét còn nể nang, còn phân định cấp trên với cấp dưới.
"Điều này dẫn đến hiệu quả tích cực trong phát động phong trào thi đua đôi lúc vẫn còn mang tính hình thức"- ĐB Nghĩa cho biết.
Đối với quy định cần có thời gian liên tục trong công tác bình xét thi đua, ĐB Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét thay thế bằng quy định có đủ số năm đạt thành tích trong khoảng thời gian xét khen thưởng phù hợp, tránh việc nể nang, nhường thành tích, kết quả cho nhau để đảm bảo có thời gian liên tục.
Bên cạnh đó, ĐB Đào Chí Nghĩa cho rằng, luật sửa đổi lần này cần quan tâm, khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là đối với trường hợp xét khen thưởng đột xuất.
"Cần quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục chủ yếu do cơ quan, đơn vị phụ trách công tác thi đua, khen thưởng hoặc tổ chức phát hiện các nhân tố tích cực cần khen thưởng nhằm đảm bảo ý nghĩa thật sự trong công tác khen thưởng đột xuất để kịp thời biểu dương, lan tỏa phong trào, tránh gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và cá nhân được đề nghị" – ĐB Nghĩa nói.
Liên quan đến hình thức, cách thức, nội dung tổ chức thi đua, khen thưởng, ĐB Đào Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo cần chú ý xây dựng các quy định về hình thức, cách thức, nội dung tổ chức thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực nhà nước phù hợp và tương đồng với công tác thi đua, khen thưởng trong cơ quan Đảng nhằm thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác bình xét thi đua, khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân.
Về danh hiệu xã tiêu biểu, phường thị trấn tiêu biểu, danh hiệu thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu, ĐB Nghĩa đề nghị cần quy định giới hạn tỷ lệ số lượng xã, phường, thị trấn, thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố trong cùng một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được xét tặng danh hiệu tiêu biểu nhằm bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng, tránh mỗi địa phương thực hiện theo cách thức khác nhau.
"Có nơi sẽ xét nhiều, có nơi sẽ ít. Mặt khác, việc quy định tỷ lệ sẽ xác lập mục tiêu phấn đấu, cạnh tranh lành mạnh trong cùng một đơn vị hành chính" – ĐB cho biết.
Vị đại biểu này cũng đề nghị bỏ tiêu chí gia đình hạnh phúc vì tiêu chí này còn chung chung, rất khó để xác định dẫn đến thiếu tính khả thi trong quá trình thực hiện.