Vẫn còn tình trạng quảng cáo tràn lan, sai sự thật về sản phẩm thay thế sữa mẹ ở Việt Nam

Cứ 10 trẻ ở Việt Nam chỉ có gần 5 trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng quảng cáo tràn lan, sai sự thật và thiếu căn cứ khoa học các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Việt Nam tiếp tục đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng trẻ em. (Ảnh: World Vision)

Việt Nam tiếp tục đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng trẻ em. (Ảnh: World Vision)

Đó là các thông tin được đưa ra tại lễ khởi động Sáng kiến Dinh dưỡng đủ đầy, do tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam (World Vision International) cùng Viện Dinh dưỡng quốc gia phát động ngày 5/8.

Phát biểu tại lễ buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trong nhiều năm qua, từ 29,3% năm 2010 xuống còn 19,6% năm 2020.

Tuy nhiên, ông cho biết Việt Nam vẫn phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng trẻ em, đó là tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nhóm trẻ khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao, lần lượt là 29,8% và 27,1% ở khu vực Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc; gia tăng thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi thuộc khu vực đô thị và nông thôn, thiếu hụt vi chất ở trẻ em trên nhiều địa bàn.

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng cho biết, hiện tại cứ 10 trẻ ở Việt Nam chỉ có gần 5 trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và chỉ 2 trẻ được bú mẹ đến 24 tháng tuổi.

Ông cho biết, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. “Một thực hành tưởng là tự nhiên, nhưng hiện nay lại không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh quảng cáo tràn lan, sai sự thật và thiếu căn cứ khoa học của các sản phẩm thay thế sữa mẹ”, ông nói.

TS Trần Thanh Dương cho biết, hằng năm ở Việt Nam có 30.000 trẻ sinh non, nhẹ cân không được bú mẹ trực tiếp. Ông bày tỏ tâm đắc với hoạt động của 7 ngân hàng sữa mẹ, mang lại nguồn sữa mẹ hiến tặng thanh trùng an toàn cho nhóm trẻ này.

Ông cho rằng những can thiệp như vậy sẽ mang lại tác động không chỉ về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe, mà còn là lợi ích kinh tế và môi trường.

Nuôi con bằng sữa mẹ đóng góp 4.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu hằng năm, dựa trên quy đổi thời gian làm việc không lương của người phụ nữ khi cho con bú, và giá trị dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe của bà mẹ và trẻ em từ sữa mẹ.

Mặt khác, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ góp phần giảm phát thải khí thải carbon và mang lại tác động tích cực cho môi trường. Mỗi kilogram sữa công thức tạo ra khoảng 11-14kg khí thải nhà kính và sử dụng hơn 5.000 lít nước trong suốt vòng đời sản phẩm.

Lễ phát động Sáng kiến Dinh dưỡng đủ đầy diễn ra ngày 5/8 tại Hà Nội. (Ảnh: Thu Loan)

Lễ phát động Sáng kiến Dinh dưỡng đủ đầy diễn ra ngày 5/8 tại Hà Nội. (Ảnh: Thu Loan)

Sáng kiến Dinh dưỡng đủ đầy được khởi xướng nhằm hưởng ứng Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, do Liên minh Thế giới Hành động vì nuôi con bằng sữa mẹ (WABA) triển khai từ năm 1991. Sáng kiến Dinh dưỡng đủ đầy sẽ đẩy mạnh hơn những can thiệp về dinh dưỡng, huy động sự tham gia của cộng đồng, các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, nhà tài trợ và các bên liên quan để chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dễ bị tổn thương.

Tại lễ phát động, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam đã kí kết Kế hoạch phối hợp triển khai sáng kiến trong năm tài chính 2024. Đây là cột mốc đánh dấu sự đồng hành của hai đơn vị trong nỗ lực cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em tại Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Thu Loan

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/van-con-tinh-trang-quang-cao-tran-lan-sai-su-that-ve-san-pham-thay-the-sua-me-o-viet-nam-post1660999.tpo