Ván cược 88 tỷ USD của Mỹ ở Afghanistan

Mỹ đã chi hơn 88 tỷ USD để huấn luyện và trang bị cho quân đội và cảnh sát Afghanistan, chiếm gần 2/3 tổng viện trợ nước ngoài mà nước này nhận được kể từ năm 2002. Vậy tại sao lực lượng này nhanh chóng thất thế khi đối mặt với chiến dịch tấn công thần tốc của Taliban?

Chiếc trực thăng Chinook bay trên nóc Đại sứ quán Mỹ ở Kabul ngày 15/8. Ảnh: AP

Thất bại trong việc xây dựng một lực lượng độc lập và gắn kết cho Afghanistan có thể là hậu quả của nhiều năm đánh giá quá lạc quan của các quan chức Mỹ, mà trong một số trường hợp là cố tình che giấu bằng chứng về tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, tinh thần rệu rã và thậm chí cả những “cảnh sát và binh lính ma” chỉ tồn tại trên giấy tờ của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Afghanistan, Politico dẫn lời các quan chức và cựu quan chức tham gia hoạt động huấn luyện cho biết.

Ngay cả những đơn vị Afghanistan đã chiến đấu quyết liệt với khủng bố cũng không thể tham chiến độc lập nếu thiếu sự hỗ trợ của công nghệ trên không và mặt đất hiện đại của Mỹ và đồng minh, các quan chức và cựu quan chức cho biết. “Làm sao chúng ta có thể khiến người Afghanistan chiến đấu vì chính họ? Điều đó có thể không bao giờ xảy ra”, thượng nghị sĩ Joni Ernst, một trung tá quân đội nghỉ hưu hiện là thành viên Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, nói. Là người từng theo dõi nhiều khóa đào tạo ở Afghanistan, bà Ernst nói rằng các chiến dịch đặc biệt được triển khai rất tốt, nhưng điều đó chỉ diễn ra khi họ có người Mỹ cố vấn và hỗ trợ.

Hai thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Afghanistan là Ghazni và Herat đều đã vào tay Taliban. Ngày 13/6, Lashkar Gah - thủ phủ tỉnh Helmand, cũng đã bị Taliban giành lại.

Lầu Năm Góc khẳng định chưa hết hy vọng, cho dù 3.000 lính Mỹ đang được điều đến Kabul để sơ tán các nhà ngoại giao Mỹ, sau khi hướng dẫn họ tiêu hủy hết tài liệu nhạy cảm của chính phủ rồi mới rời đi. “Chúng tôi muốn thấy ý chí và vai trò lãnh đạo chính trị, vai trò dẫn dắt quân đội, đó là những điều cần có trên chiến trường. Nhưng điều đó có thể xảy ra hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định của phía Afghanistan”, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói với báo chí hôm 13/8. Ông Kirby nói thêm rằng lực lượng Afghanistan cũng có “những ưu thế” về số lượng và thực tế là Taliban thiếu sức mạnh không quân. Tuy nhiên, những con số vẫn có thể nói dối.

Những con số nói dối

Lực lượng an ninh Afghanistan mở rộng đáng kể trong 2 thập kỷ qua, từ 6.000 binh lính vào năm 2003 lên hơn 182.000 binh lính và 118.600 cảnh sát tính đến tháng 4 vừa qua, theo số liệu mới nhất của Lầu Năm Góc. Một thập kỷ trước, một chỉ huy của Mỹ khoe rằng quân đội Afghanistan “chiến đấu bằng kỹ năng và lòng dũng cảm”. Người kế nhiệm ông vào năm 2015 nói rằng lực lượng này “đã chứng tỏ rằng họ ngày càng có năng lực”. Mới tháng trước, phát ngôn viên Lầu Năm góc khẳng định lực lượng Afghanistan “biết cách bảo vệ đất nước”.

Tuy nhiên, có những bằng chứng cho thấy quân chính phủ Afghanistan không được chuẩn bị tốt để tham gia bất kỳ cuộc xung đột kéo dài nào, nhưng điều này không được công bố tại các buổi điều trần công khai hoặc được giữ bí mật.

Từ năm 2015, Lầu Năm Góc bắt đầu ẩn đi một số dữ liệu về binh lính và cảnh sát Afghanistan. Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanista gọi việc này là “chưa từng có”. Cơ quan giám sát độc lập này kết luận rằng họ “không thể báo cáo về hầu hết những nỗ lực dùng tiền của người nộp thế Mỹ để xây dựng, đào tạo, trang bị và duy trì” các lực lượng quân đội và an ninh Afghanistan vì thiếu số liệu. Từ năm 2017, Lầu Năm Góc nới lỏng hạn chế tiếp cận dữ liệu, nhưng đa số thông tin sẵn có trước đây về quy mô, sức mạnh và tỷ lệ thương vong của các đơn vị Afghanistan vẫn bị ẩn đi.

Trong báo cáo gửi Quốc hội Mỹ ngày 30/7, Tổng thanh tra nói rằng Lầu Năm Góc “tiếp tục bảo mật các thông tin về binh lính và cảnh sát Afghanistan, và nhiều thông tin đã bị xóa đi, bao gồm thông tin về hiệu quả chiến đấu của các lực lượng Afghanistan, việc duy trì lực lượng và tác động của đại dịch COVID-19 đến việc tuyển bộ và tiêu hao quân số”.

Cơ quan giám sát của chính phủ Mỹ cũng nói trong báo cáo hồi tháng 7 về tình trạng tham nhũng làm xói mòn hàng ngũ quân đội Afghanistan, bày tỏ hoài nghi về tính chính xác của số liệu về sức mạnh của lực lượng, cũng như việc không thể đánh giá những yếu tố vô hình như “ý chí chiến đấu”.

Một số người tin rằng những sự kiện dồn dập trong những ngày gần đây chủ yếu do Mỹ rút đột ngột. “Họ đã chiến đấu cùng chúng ta trong nhiều năm và chịu thương vong cao gấp nhiều lần lực lượng Mỹ. Việc Mỹ và các đồng minh bỏ mặc họ đã tạo nên thay đổi đột ngột để Taliban đẩy mạnh chiến dịch giành lãnh thổ và làm tan vỡ niềm tin của các lực lượng Afghanistan”, Kimberly Kagan, chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến tranh, đánh giá.

Afghanistan thất thủ, tổng thống chạy khỏi đất nước

Các quan chức Afghanistan tối qua nói rằng Tổng thống Ashraf Ghani đã chạy khỏi nước này, khi Taliban tiến sâu hơn vào thủ đô Kabul. Hai quan chức giấu tên nói với AP rằng ông Ghani đã rời đất nước. Abdullah Abdullah, chủ tịch Hội đồng hòa giải quốc gia Afghanistan, xác nhận trên một video rằng ông Ghani đã rời đi. “Ông ấy rời khỏi Afghanistan vào thời điểm khó khăn. Thánh sẽ buộc ông ấy phải chịu trách nhiệm”, ông Abdullah nói. Chưa rõ ông Ghani đang ở đâu và ông sẽ đến đâu.

Chiều qua, Taliban tiến vào Kabul sau khi giành chiến thắng liên tiếp ở các tỉnh thành khác. Taliban nói rằng họ muốn một sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình, nhưng thông điệp này được hiểu là một sự đầu hàng vô điều kiện từ chính quyền.

THU LOAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/van-cuoc-88-ty-usd-cua-my-o-afghanistan-post1366181.tpo