Vấn đề Brexit: Pháp phản đối Anh áp dụng quy định mới về đánh bắt cá
Ngày 3/5, Chính phủ Pháp ra tuyên bố chỉ trích việc Anh ban hành quy định mới về cấp phép hoạt động đánh bắt cá tại Quần đảo eo biển (Channel Islands).
Theo Bộ Ngư nghiệp Pháp, Anh đã công bố một số quy định mới cấp phép hoạt động đánh bắt cá tại khu vực này mà không thông báo với Liên minh châu Âu (EU) theo các điều khoản trong thỏa thuận Brexit. Bộ nêu rõ quy định mới một khi không được thông báo đến Ủy ban châu Âu (EC) đều không có hiệu lực.
Cơ quan chức năng Pháp cũng khẳng định nước này vẫn tuân thủ nghiêm ngặt những điều khoản về đánh bắt cá trong thỏa thuận Brexit có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Anh cần phải thông báo với EC nếu nước này muốn đưa ra các biện pháp mới. Điều này là cần thiết để các nước thành viên EU có thể cập nhật các thông tin và trao đổi, bàn thảo về các biện pháp này.
Trong những tuần gần đây, căng thẳng giữa Pháp và Anh liên quan đến vấn đề đánh bắt cá gia tăng. Theo Bộ Ngư nghiệp Pháp, mới đây nhất, ngày 30/4, Anh đã cấp phép cho 41 tàu có trang bị Hệ thống giám sát tàu (VMS) được đánh bắt cá ngoài khơi đảo Jersey thuộc Quần đảo eo biển. Cùng với đó, Anh còn đưa ra quy định về phân chia vùng biển các tàu được phép và không được phép đi vào. Paris đã phản đối các biện pháp mới này của London và bày tỏ quan điểm này với EC.
Theo người phát ngôn EC Vivian Loonela, giới chức châu Âu đã làm việc nghiêm túc với Chính phủ Anh để giải quyết vấn đề này. Bà nhấn mạnh mọi thay đổi cần phải được thông báo kịp thời để các bên liên quan có đủ thời gian để đánh giá hoặc thích nghi. Ngoài ra, mọi thay đổi không được phép phân biệt đối xử với ngư dân các nước thành viên EU.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đánh bắt cá khu vực Normandy ở miền Bắc nước Pháp, ông Dimitri Rogoff cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nếu ngư dân Pháp tiếp tục bị ngăn cản tiếp cận vùng đánh bắt cá ở đảo Jersey. Tháng trước, ngư dân Pháp đã có các hành động phản đối như ngăn chặn các đoàn xe tải chở cá từ Anh sang Pháp, khiếu nại tàu đánh bắt cá của họ không được phép hoạt động tại vùng biển của Anh.
Trước đó, quyền đánh bắt cá là một trong những vấn đề gây trở ngại lớn trong tiến trình đạt được thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU để London chính thức rời khỏi khối này từ ngày 1/1/2021. Thỏa thuận này bao gồm những quy định về quan hệ song phương trên quy mô rộng, trong đó bảo đảm tự do thương mại với hàng hóa sản xuất tại Anh xuất sang EU và ngược lại, thiết lập các quy định về hợp tác trong một số lĩnh vực, bao gồm đánh bắt cá, hàng không và vận tải hàng hóa cùng một số dịch vụ khác.