Vấn đề di cư: Italy kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo
Ngày 1/2, Italy đã đưa ra đề xuất về các hành lang di cư do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, ngay trước Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của EU về di cư sẽ diễn ra trong ngày 9-10/2 tới.
Theo dự thảo đề xuất trên, Italy đề nghị phát triển các hành lang nhân đạo châu Âu, do Ủy ban châu Âu điều phối và tài trợ. Phương án này sẽ đảm bảo quyền tiếp cận an toàn và hợp pháp tới châu Âu cho những người dễ bị tổn thương, đồng thời chống lại nạn buôn người.
Nước này cũng cho biết: “Chúng tôi tin rằng các kế hoạch quốc gia cụ thể về cấp giấy phép lao động hoặc thị thực học tập được giám sát tốt có thể cực kỳ hiệu quả trong việc khuyến khích hợp tác của các nước thứ ba”.
Trước đó, ngày 30/1, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã có cuộc hội đàm tại Rome (Italy), với trọng tâm là vấn đề di cư. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về những điểm bất đồng giữa hai bên và khả năng những vấn đề này sẽ được đưa ra tại Hội nghị đặc biệt của Hội đồng châu Âu (EC) tuần tới.
Sau cuộc họp kín với Chủ tịch Michel, Thủ tướng Italy đã có buổi họp báo, trong đó khẳng định những quy định hiện hành về vấn đề di cư đang đặt trách nhiệm nặng nề lên những quốc gia mà người di cư đặt chân đến đầu tiên tại châu Âu, bao gồm Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Hơn nữa, bà cũng cho rằng việc tranh cãi về vấn đề di cư sẽ không đem lại lợi ích cho các nước, đồng thời tạo điều kiện cho các đối tượng buôn người hoạt động mạnh mẽ hơn. Theo Thủ tướng Meloni, Italy không thể tự giải quyết vấn đề này và cần sự can thiệp từ phía EU, bắt đầu từ việc bảo vệ các đường biên giới bên ngoài.
Cuộc gặp mặt vừa qua giữa bà Meloni và ông Michel là một phần trong việc chuẩn bị cho Hội nghị đặc biệt của EC, dự kiến diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 9-10/2 tới.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã nhận định rằng, hội nghị diễn ra vào thời điểm then chốt. Ông cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc đảm bảo nguồn cung năng lượng trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn, vấn đề an ninh lương thực dài hạn, khả năng cạnh tranh của châu Âu khi Mỹ đang triển khai gói trợ cấp lớn nhằm kích thích nền kinh tế.
Cũng trong thời gian thăm Italy, Chủ tịch Michel đã gặp các lãnh đạo và quan chức cấp cao của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế để bàn về tình hình an ninh lương thực.