Vấn đề mở cửa biên giới giữa các quốc gia ASEAN thu hút truyền thông Malaysia
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, chiều 28/10, Bộ Ngoại giao Malaysia tổ chức họp báo thông báo kết quả hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 26 - 28/10.
Tại cuộc họp báo, vấn đề mở cửa biên giới giữa các quốc gia thành viên ASEAN và vấn đề Myanmar được các phóng viên quan tâm và trao đổi nhiều nhất.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddim Andullah cho biết Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã dẫn đầu đoàn đại biểu Malaysia tham dự các hội nghị cấp cao lần này. Bảy vấn đề nổi bật tại hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan đã được Bộ trưởng đề cập tại cuộc họp báo gồm vấn đề ngoại giao liên quan đến đại dịch COVID-19 và y tế; Đại diện của Myanmar tại ASEAN; tình hình tại Myanmar liên quan đến vấn đề người Rohingya; thỏa thuận an ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS); vấn đề Biển Đông, kinh tế số và an ninh mạng.
Trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên về hộ chiếu vaccine và vấn đề mở cửa biên giới giữa các nước thành viên ASEAN, Bộ trưởng Andullah cho rằng vấn đề này sẽ sớm được cho phép khi thỏa thuận khung về hành lang du lịch ASEAN (ATCAF) được triển khai theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, ông cho biết ATCAF sẽ phải xem xét các Quy trình vận hành tiêu chuẩn nghiêm ngặt (SOP) để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ông khẳng định hầu hết các quốc gia ASEAN đều nhận thấy sự cần thiết phải mở cửa biên giới giữa các nước thành viên, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới.
Đề cập đến vấn đề Myanmar, ông cho biết Malaysia coi trọng Myanmar như một thành viên của gia đình của ASEAN và mong muốn Thỏa thuận 5 điểm được thực hiện đầy đủ càng sớm càng tốt. Ông nhấn mạnh: "Đối với Malaysia, chúng tôi đánh giá cao sự tham gia của Myanmar với tư cách là một thành viên tích cực và đầy đủ của ASEAN. Ưu tiên của chúng tôi là bảo vệ người dân Myanmar, đó là điều đầu tiên và quan trọng nhất trong suy nghĩ của chúng tôi. Chúng ta nên hiểu rằng tất cả các quyết định của ASEAN về Myanmar trước hết là về người dân Myanmar”.
Đề cập đến vấn đề ngoại giao liên quan đến đại dịch COVID-19 và y tế, Bộ trưởng Saifuddin cho biết tại hội nghị cấp cao, Malaysia liên tục đưa ra các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19, cũng như nêu rõ tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác hơn nữa với các đối tác bên ngoài về ngoại giao y tế bao gồm cả việc mở rộng năng lực hợp tác và cộng tác về lĩnh vực y tế công. Malaysia đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác đối thoại của ASEAN và sự hỗ trợ đối với các quốc gia thành viên ASEAN trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Malaysia nhấn mạnh rằng sự phục hồi toàn diện sau dịch COVID-19 đòi hỏi sự hợp tác trong các lĩnh vực đa ngành của y tế và các lĩnh vực kinh tế xã hội liên quan, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các nỗ lực phục hồi sau COVID-19 bao gồm Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN mà giai đoạn đầu là vận hành Khuôn khổ sắp xếp hành lang du lịch ASEAN.
Trao đổi về AUKUS, Bộ trưởng Saifuddin cho biết Malaysia bày tỏ quan ngại về sự cạnh tranh địa chính trị có khả năng phá vỡ hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc duy trì khu vực Đông Nam Á như một khu vực không có vũ khí hạt nhân, phù hợp với Tuyên bố về Khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN) và Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Đề cập đến vấn đề Biển Đông, Malaysia một lần nữa khẳng định rằng sự ổn định của khu vực là điều có ý nghĩa quan trọng, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia hợp tác để đảm bảo Biển Đông vẫn là một vùng biển hòa bình, ổn định.
Đề cập đến vấn đề kinh tế số, Bộ trưởng Saifuddin cho biết với mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội và thịnh vượng trong khu vực, Malaysia nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong khu vực. Malaysia cũng kêu gọi xây dựng Chiến lược thống nhất về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ASEAN và Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN sẽ nhanh chóng được chuyển thành các sản phẩm cụ thể.
Vấn đề an ninh mạng cũng được Malaysia rất quan tâm tại hội nghị cấp cao lần này. Malaysia công nhận rằng an ninh mạng đã trở nên quan trọng và cấp thiết hơn khi thế giới thích ứng với số hóa trong hầu hết các khía cạnh của cuộc sống.