Vấn đề pháp lý xoay quanh vụ Tiktoker tố bị quán phở đuổi vì ngồi xe lăn
Theo Ts.Ls Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin một người khuyết tật tố bị quán phở đuổi vì ngồi xe lăn là hết sức cần thiết để có căn cứ xử lý triệt để vụ việc.
Những ngày qua, vụ một Tiktoker nổi tiếng trên mạng xã hội tố bị 2 quán phở ở Hà Nội đuổi vì ngồi xe lăn thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phía dư luận. Bài viết của Tiktoker này sau đó được lan truyền một cách chóng mặt, gây ra nhiều ý kiến.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Ts. Ls. Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Với những thông tin một người khuyết tật bị kỳ thị ở hai quán phở tại Hà Nội thì việc cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin là hết sức cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan theo quy định pháp luật.
Kết quả xác minh của cơ quan chức năng sẽ có người đúng, kẻ sai và sẽ áp dụng chế tài đối với một trong các bên có liên quan. Nếu có hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị với người khuyết tật thì người phân biệt đối xử sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (khoản 1, Điều 11, Nghị định 130/2021/NĐ-CP).
Còn trường hợp thông tin từ tài khoản Tiktoker đó là không đúng sự thật thì người này sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (nếu tổ chức đưa thông tin sai sự thật thì sẽ bị phạt 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng) theo Điều 101 (Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Trong một số trường hợp, hành vi vu khống, bịa đặt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân thì người thực hiện hành vi vu khống còn có thể bị xử lý hình sự.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì "người khuyết tật" là người yếu thế trong xã hội, cần có sự bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước, của cộng đồng xã hội.
Trước đó, trên trang cá nhân, Tiktoker V.M.L. cho biết, anh cùng bạn gái đến một quán phở ở Hà Nội. Do bị liệt bẩm sinh, anh L. phải ngồi xe lăn.
Khi nhờ nhân viên nâng xe qua bậc tam cấp, họ đã bị từ chối với câu trả lời "quán em không có nhân viên để khiêng người như anh". Đến quán phở thứ hai, L. cho hay đây là quán quen, hai người vào ăn bình thường. Chỗ ngồi nhỏ hẹp, L. hơi chen vào chỗ bà chủ quán. "Bà đứng phắt dậy, mắng nhân viên: Ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?", Tiktoker kể.
Sau khi nhận được câu trả lời từ nhân viên rằng bình thường anh L. vẫn ngồi đây, bà chủ tiếp lời: "Không bán được, đã thế thì tôi đứng…".
Anh V.M.L. cho biết: "Bữa ăn nghẹn ứ ở cổ, thật khó nuốt". Anh cho biết bản thân đã quen với cảm giác này rồi, nhưng bạn gái "nước mắt bắt đầu rơi".
Trước những tranh cãi trên mạng xã hội, một trong hai quán phở đã trích xuất camera ghi lại sự việc.
Theo camera tại quán phở gà trên phố Nam Ngư (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Tiktoker V.M.L. và bạn gái đến quán, do đường đi quá hẹp nên chủ quán cùng nhân viên đã cùng nhau dọn đồ đạc và rổ phở bán hàng sang vị trí khác. Anh V.M.L. ngồi ngay phía sau chủ quán. Sau đó, khi họ ổn định vị trí, việc dùng bữa được diễn ra. Họ dùng 2 bát phở và một đĩa quẩy. Sau khi nam thanh niên cùng bạn gái dùng bữa xong, nhân viên quán tiếp tục hỗ trợ đẩy xe lăn của anh này ra ngoài.
Chủ quán khẳng định không bao giờ dùng lời lẽ thô tục để đuổi khách, đặc biệt với người khuyết tật.
Liên quan vụ việc trên, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đang phối hợp các đơn vị để tiếp tục xác minh, làm sáng tỏ.