Vấn đề quản hay cấm thuốc lá thế hệ mới lại được mổ xẻ

Tại buổi tọa đàm 'Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá' tổ chức tại Bộ Tư pháp ngày 1/8, vấn đề cấm hay quản thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng một lần nữa được đặt ra.

Quản hay cấm?

Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội - cho rằng Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá mới vì sức khỏe con người, nhưng Quốc hội quyết định cấm hay không cấm, phải có đề xuất của Chính phủ với đầy đủ cơ sở pháp lý, khoa học, đánh giá tác động.... Các bộ liên quan phải nghiên cứu về khoa học, thực tiễn, lúc đó mới trình lên Chính phủ.

 Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội

Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội

Ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội Văn phòng Quốc hội - cũng nêu ý kiến: Thuốc lá loại nào cũng có hại cho sức khỏe cộng đồng, nhưng luật cũng khuyến khích xây dựng môi trường không khói thuốc, tránh cho người hút lẫn người hút thuốc bị động.

Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

“Giải pháp quản lý ở đây theo tôi hiểu là cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và việc lựa chọn giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng phải dựa trên căn cứ pháp lý, kết quả nghiên cứu khoa học trong nước, nước ngoài đáng tin cậy, những tiêu chuẩn quốc gia về thuốc lá làm nóng và thực tiễn đang diễn ra để quản lý phù hợp, hiệu quả”- ông Ngọc bày tỏ.

 Ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội Văn phòng Quốc hội

Ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội Văn phòng Quốc hội

Cũng theo ông Ngọc: “Bộ Y tế cần đánh giá toàn diện thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng dưới góc độ khoa học, xem xét, đánh giá đầy đủ tác hại của sản phẩm so với thuốc lá điếu; cần có cơ sở khoa học để có căn cứ quy định cấm hoặc quản lý như thuốc lá điếu. Nhiều nước có trình độ khoa học công nghệ cao đang thực hiện các nghiên cứu độc lập để kiểm chứng những công bố về thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử để đưa ra hướng quản lý phù hợp, hiệu quả”.

Ông Ngọc cho rằng Bộ KH&CN cần có đề tài cấp nhà nước nghiên cứu sở khoa học về tác hại của thuốc lá mới. Việc quản lý thuốc lá mới hiện còn hạn chế do chưa có quan điểm thống nhất do các cơ quan nhà nước chưa được tiếp cận các căn cứ khoa học đáng tin cậy, là có trách nhiệm của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Y tế.

Về quản lý, theo ông Tạ Văn Hạ, nếu không cấm thì phải đưa vào quản lý. Nhưng để quản lý được thì cũng phải do chỉ đạo của Chính phủ và dựa trên cơ sở chứng minh khoa học từ các cơ quan có thẩm quyền.

Bộ Y tế đề nghị cấm, bác sĩ đề xuất quản lý

Tại buổi tọa đàm này không có đại diện của Bộ Y tế nhưng có 2 bác sĩ thuộc Bệnh viện K và Trường Đại học Y Hà Nội tham luận.

TS. Phạm Tuấn Anh - Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu Bệnh viện K - cho biết: Hút thuốc lá được xác định là nguyên nhân gây ra nhiều các bệnh lý trong đó là đặc biệt là các bệnh lý ung thư, bệnh lý tim mạch và bệnh lý hô hấp, làm giảm năng suất lao động, tăng bệnh ung thư và là gánh nặng kinh tế lớn.

“Lý tưởng nhất là cai thuốc lá hoàn toàn, nhưng có những người không cai được thì cần xem xét cho họ giảm tác hại bằng những giải pháp thay thế nicotine bất kể đó là các loại kẹo ngậm, miếng dán hay các sản phẩm thuốc lá không đốt cháy” - BS. Tuấn Anh thông tin.

 TS. Phạm Tuấn Anh - Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu Bệnh viện K

TS. Phạm Tuấn Anh - Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu Bệnh viện K

Trao đổi về thuốc lá nung nóng, TS. Tuấn Anh cho rằng: “Nicotine là chất gây nghiện nên có nhiều ý kiến về tính nguy hại, nhưng đồng thời cũng là thành phần chính ứng dụng trong điều trị một số bệnh lý về thần kinh và các liệu pháp cai thuốc lá. Cụ thể, nếu tạo ra nicotine bằng phương pháp làm nóng nguyên liệu thuốc lá, thay vì đốt cháy, thì hàm lượng các chất gây hại sẽ giảm đáng kể. Các sản phẩm thuốc lá mới đã được tạo ra từ nguyên lý này.”

BS. Tuấn Anh nêu quan điểm “cần có quy định cho sản phẩm, đưa sản phẩm vào kiểm soát dưới sự giám sát của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan”.

 PGS.TS.BS. Trần Khánh Toàn - giảng viên cao cấp bộ môn Y học Gia đình Trường Đại học Y Hà Nội

PGS.TS.BS. Trần Khánh Toàn - giảng viên cao cấp bộ môn Y học Gia đình Trường Đại học Y Hà Nội

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS.BS. Trần Khánh Toàn - giảng viên cao cấp bộ môn Y học Gia đình Trường Đại học Y Hà Nội - khẳng định: Thuốc lá nung nóng vẫn là một loại thuốc lá và không có loại thuốc lá nào an toàn, vô hại đối với sức khỏe. WHO và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đều nhấn mạnh rằng cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với thuốc lá nung nóng. WHO cũng khuyến cáo cần có tiếp cận thận trọng trong việc quản lý thuốc lá nung nóng.

Mặc dù vậy, ông Toàn vẫn cho rằng, trong thời gian chờ đợi các nghiên cứu và xây dựng luật, có thể thực hiện các giải pháp, chế tài quản lý thuốc lá nung nóng theo Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá như với các mặt hàng thuốc lá khác.

Cũng theo ông Toàn, việc chưa cho phép kinh doanh, mua bán và sử dụng thuốc lá nung nóng như hiện nay không chỉ vướng mắc về luật, khó khăn trong việc quản lý mà cũng không loại trừ được việc mua bán và sử dụng.

Ông Toàn nêu quan điểm: “Chúng ta hoàn toàn có thể cân nhắc việc thử nghiệm thuốc lá nung nóng thay thế cho thuốc lá truyền thống ở những người trưởng thành không muốn, hoặc không thể bỏ thuốc, từ đó đánh giá hiệu quả giảm hại của sản phẩm này trên thực tế”.

Trước hội thảo này, VietTimes có nhiều bài viết liên quan chủ đề này. Theo đó, Bộ Y tế đã chính thức đề nghị Quốc hội cấm việc lưu hành, mua bán loại thuốc lá nung nóng.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/van-de-quan-hay-cam-thuoc-la-the-he-moi-lai-duoc-mo-xe-post176972.html