Vấn đề quan trọng nhất trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là bảo vệ con người
Ngoài CSGT còn có nhiều lực lượng khác phối hợp bảo đảm ANTT trên đường như Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát Môi trường...
Phát biểu về dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, vấn đề quan trọng nhất trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đó là bảo vệ con người.
“Xem lại lý luận và thực tiễn cho thấy, nước ta nhiều năm nay loay hoay với các vấn đề đảm bảo ATGT, khắc phục tai nạn giao thông, thành lập Ủy ban ATGT quốc gia… Tuy nhiên việc kéo giảm TNGT cũng chưa phải hiệu quả. Trước đây có ngày 40 người tử vong vì TNGT, hiện nay mặc dù đã nỗ lực để kéo giảm TNGT nhưng số người tử vong vẫn cao, trung bình một năm khoảng 10.000 người, chia trung bình tháng có 833 người, một ngày 27 người, có ngày số người tử vong vì tai nạn giao thông thấp nhất cũng 20 người” – Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết và nhấn mạnh việc TNGT nhiều phải xem lại các yếu tố liên quan đến ATGT thế nào.
“Qua nghiên cứu thấy có 5 yếu tố liên quan đến ATGT. Thứ nhất, con người tham gia giao thông, có chủ phương tiện, người đi bộ; lực lượng tham gia điều hành giao thông, trong đó có CSGT và Thanh tra giao thông. Thứ hai là phương tiện tham gia giao thông. Hiện nay cũng rất đa chủng loại, xe ô tô lớn, ô tô nhỏ, xe chuyên dụng, đặc biệt mấy năm phát triển có xe siêu trường, siêu trọng, xe khách có giường nằm… Thứ ba, hạ tầng giao thông. Thứ tư, tổ chức giao thông, đây là vấn đề quan trọng nhất. Thứ năm, liên quan đến Luật giao thông, Luật này hiện nay có nhiều vấn đề cần sửa đổi.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, đọc lại Luật Giao thông đường bộ hiện nay thấy có rất nhiều hình thức tổ chức khác nhau, có những điều chưa ăn nhập giữa Bộ ngày Bộ kia. Ví dụ việc xây dựng đường, đặt hệ thống biển báo, điểm vượt, điểm rẽ, hạn chế tốc độ là bên ngành Giao thông đặt, còn bên đi kiểm tra để xử lý lại là CSGT.
“Tôi đã chứng kiến ở Hà Nội, tại một ngã ba có lối rẽ được đặt 3 biển khác nhau, 1 biển chỉ dẫn cho ô tô, 1 biển chỉ dẫn cho xe máy và 1 biển chỉ dẫn cho xe đạp và người đi bộ. Người CSGT đứng ở cuối đường, người nào đi xe máy nhầm vào luồng đường của xe đạp hoặc ngược lại thì bị phạt. Tôi nói vui thế này không khác gì việc làm lỗ chui cho chó và cho mèo. Sau đó phía bên ngành Giao thông tiếp thu và bỏ kiểu biển kiểu này và CSGT không phải đứng tại đó để xử phạt, tránh việc dân kêu ca” – Thứ trưởng Lê Quý Vương chia sẻ.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng cho biết, hiện nay trên mặt đường lực lượng thường xuyên xuất hiện là CSGT, bên cạnh đó còn các lực lượng khác của Công an, như Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát phòng chống ma túy đều có việc phối hợp. Vì giao thông là vận tải, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma túy bắt trên các xe ô tô, buôn lậu vận chuyển hàng hóa cũng trên xe ô tô, tổ chức đánh bạc trên xe khách cũng là xe tô… và khẳng định việc tổ chức giao thông hiện nay vẫn chưa được khoa học.
Liên quan đến Luật Giao thông đường bộ hiện nay, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, Luật này hiện nay có nhiều vấn đề cần sửa đổi. Về vấn đề sát hạch lái xe giao cho lực lượng Công an không phải là việc mới, trước đây lực lượng Công an tham gia sát hạch. “Cách đây khoảng 30-40 năm, khi CSGT làm nhiệm vụ trên đường bộ thấy nghi vấn một chiếc xe khách đang lưu thông có kỹ thuật kém, thì CSGT có quyền dừng xe, mời bà con đi xe khách đó xuống để kiểm tra bằng cách đi thử, nếu thấy kỹ thuật không đảm bảo, phanh không an toàn, CSGT có quyền đình chỉ xe khách đó chạy. Việc kiểm soát lái xe trước đây chúng ta đã làm chặt chẽ, thời trước nếu nói đến xe khách của nhà nước thì tài xế phải từ 25 tuổi trở lên, còn yêu cầu là đảng viên, ưu tiên bộ đội đã trải qua lái xe ở chiến trường” – Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết và đề xuất phải tính lại cả chuyện phân công thế nào. “Không phải vấn đề quyền ông này, quyền ông kia, ôm cái này mệt lắm, làm không tốt là bị dân ca than, bị các đại biểu Quốc hội phê bình” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Về việc chuyển đào tạo, sát hạch GPLX sang Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, các trung tâm đào tạo lái xe vẫn hoạt động bình thường, còn Bộ trưởng Bộ Công an quy chuẩn và chỉ kiểm soát việc sát hạch chứ không phải đào tạo.