Vấn đề thoát nước, xử lý chất thải làm 'nóng' nghị trường HĐND thành phố Hà Nội

Các đại biểu tập chung chất vấn các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về các dự án thoát nước, xử lý rác thải chậm triển khai, chưa hoàn thành tiến độ trên địa bàn thành phố.

Toàn cảnh kỳ họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Toàn cảnh kỳ họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 7/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 14, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI dành thời gian một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Nội dung tái chất vấn việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của Hội đồng Nhân dân thành phố đã đến thời hạn giải quyết nhưng còn chậm, chưa hiệu quả, trong đó vấn đề thoát nước, xử lý chất thải, cũng như việc đẩy nhanh các dự án chậm triển khai được đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố và cử tri quan tâm.

Vấn đề thoát nước, xử lý chất thải làm "nóng" nghị trường

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết qua báo cáo của các Ban Hội đồng Nhân dân thành phố, ý kiến của đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố và tổng hợp kiến nghị của cử tri, một số nội dung, vấn đề đã được Hội đồng Nhân dân thành phố quyết nghị, kết luận tại các phiên chất vấn đã đến thời hạn giải quyết nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả, cần được tái chất vấn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình và có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để sớm giải quyết dứt điểm.

Điển hình như vấn đề các dự án thoát nước, xử lý rác thải chậm triển khai, chưa hoàn thành tiến độ được các đại biểu tập chung chất vấn các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Minh Tuân (Tổ đại biểu Phú Xuyên) thẳng thắn nêu ý kiến: Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có cam kết phê duyệt 8 dự án thoát nước và thu gom xử lý nước thải; nhưng tới nay mới trình được 4 dự án. Đại biểu Nguyễn Minh Tuân đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm chưa hoàn thành tiến độ các dự án?

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết Sở đã lập đề xuất chủ trương đầu tư của 8 dự án thoát nước, thu gom xử lý nước thải với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó đã trình Hội đồng Nhân dân được 4 dự án.

Các dự án còn lại, do chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa triển khai lập chủ trương đầu tư với dự án cải thiện môi trường thoát nước của quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

 Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá - một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá - một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Đối với dự án trạm bơm Gia Thượng (quận Long Biên), hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh, có tổng mức đầu tư khoảng 894 tỷ đồng. Tháng 10/2023, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ phân khu N10, làm cơ sở để Sở Xây dựng hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư của dự án.

Đối với hệ thống thu gom của lưu vực S1 về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Sở Xây dựng cũng đã hoàn thành việc lập đề xuất chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng.

Về dự án thu gom và xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cũng nêu khó khăn khi lưu vực của dự án liên quan đến toàn bộ diện tích 3.006ha, tổng mức đầu tư là 2.900 tỷ đồng; phải xác định vị trí đấu nối với khu vực làng xóm hiện hữu chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, hệ thống cống và nhiều tuyến đường chưa được đầu tư theo quy hoạch.

Băn khoăn về tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong, Đại biểu Trịnh Xuân Quang (Tổ đại biểu quận Thanh Xuân) đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết các kết quả thực hiện cam kết này thế nào để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn thành phố?

Trả lời về nội dung này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong đã được duyệt quy mô 450 tấn/ngày. Doanh nghiệp đang triển khai để làm hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công dự án vào cuối năm 2023.

Nhiều dự án chậm triển khai

Song song với các dự án thoát nước, xử lý chất thải chậm triển khai trên địa bàn thành phố, các đại biểu cũng bày tỏ ý kiến về các dự án hạ tầng nhà ở, công viên, vườn hoa đang chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực cho phát triển.

Cụ thể, đại biểu Lê Vĩnh Sơn (Tổ đại biểu huyện Mỹ Đức) đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố nêu rõ tiến độ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết của dự án ở 148 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) và có hoàn thành được trong năm 2023 như cam kết?

Trả lời nội dung nêu trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết ngày 10/11/2023, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500 dự án ở 148 Giảng Võ.

 Đại biểu dự kỳ họp. (Ảnh: Vũ Thanh/TTXVN)

Đại biểu dự kỳ họp. (Ảnh: Vũ Thanh/TTXVN)

Hiện nay, đồ án điều chỉnh đang lấy ý kiến cộng đồng, xử lý các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc có liên quan và nội dung cải tạo khu tập thể Giảng Võ liền kề, đảm bảo các hạ tầng kỹ thuật, xã hội…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, việc điều chỉnh quy hoạch này rất quan trọng, Ủy ban Nhân dân thành phố đã xin ý kiến Bộ Xây dựng, đã cơ bản thống nhất, báo cáo Chính phủ.

Quy hoạch trước là 10 tòa nhà ở cao 50 tầng, giờ điều chỉnh loại bỏ chức năng nhà ở và đưa về các chức năng phù hợp với khu vực, đảm bảo các quy chuẩn. Dự kiến cuối năm 2023, đồ án sẽ được phê duyệt, chậm nhất vào tháng 1/2024 sẽ hoàn thành.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến tiến độ triển khai đầu tư các dự án công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Tổ đại biểu huyện Ứng Hòa) nêu ý kiến rằng Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã nhiều lần cam kết về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Đống Đa, vậy cho đến nay tình hình, kết quả nội dung cam kết được thực hiện như thế nào?

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh thẳng thắng thừa nhận việc thực hiện dự án đã kéo dài khá lâu.

Theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, cần xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Sở là đơn vị tham mưu và trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt; Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa là đơn vị chủ đầu tư, tổ chức lập quy hoạch...

Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội đã 4 lần gửi văn bản đôn đốc quận Đống Đa về công tác này, tuy nhiên quận cũng đang gặp khó khăn trong việc lập quy hoạch dự án Công viên Đống Đa.

Làm rõ thêm thông tin, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết do chưa có hướng dẫn bố trí nguồn kinh phí lập quy hoạch nên quận Đồng Đa dùng nguồn kinh phí từ ngân sách để thực hiện, tuy nhiên chỉ khi có hướng dẫn quận mới có thể thực hiện được.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết thêm sau khi có hướng dẫn cụ thể đến tháng 4/2024, sẽ trình điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án Công viên Đống Đa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/van-de-thoat-nuoc-xu-ly-chat-thai-lam-nong-nghi-truong-hdnd-thanh-pho-ha-noi-post912227.vnp