Vấn đề xây dựng văn hóa không tham nhũng hiện nay
Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó, nhấn mạnh đến việc 'kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân'.
Sở dĩ cần phải “kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực” là bởi truyền thống văn hóa Việt Nam được hình thành và phát triển trên nền tảng “văn minh lúa nước”, bên cạnh những mặt tốt đẹp thì vẫn còn nhiều phong tục, tập quán dễ bị lợi dụng để biện minh, ủng hộ cho hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chẳng hạn như: tâm lý duy tình, chuộng sự yên hàn, nhàn nhã, trong ấm ngoài êm, thái độ “dĩ hòa vi quý”, dẫn đến đối xử với nhau nặng chữ tình mà coi nhẹ pháp luật; tập quán “miếng trầu là đầu câu chuyện”, đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, dẫn tới việc quà cáp, biếu xén đối với người có ân huệ với mình là chuyện bình thường; hoặc tâm lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã trở thành điều bình thường, được dễ dàng chấp nhận, là mảnh đất thuận lợi cho tệ tham nhũng vặt tồn tại; v.v và v.v. Với đặc trưng văn hóa này cộng thêm tâm lý tư lợi cá nhân tiểu nông, nên nhiều người nhắm mắt làm ngơ trước tham nhũng, không tố giác, không đấu tranh. Và cũng chính tư lợi kiểu tiểu nông dẫn tới những hành vi tham nhũng vặt phổ biến trong xã hội, hễ có cơ hội là tham nhũng dù số tiền không lớn. Tâm lý tư lợi cá nhân tiểu nông không chỉ tồn tại trong người nông dân, mà cả trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, kể cả những người có chức, có quyền, nên họ đã lợi dụng địa vị, quyền hạn để kiếm lợi bất chính; họ cũng làm ngơ, không tố giác, không đấu tranh, dù biết mười mươi các hành vi tham nhũng của đồng nghiệp, của cấp trên. Điều nguy hiểm hơn khi những kẻ tham nhũng trở nên giàu có, kẻ đón người đưa, còn những người liêm chính thì bần hàn, thậm chí bị chê khinh, dẫn đến tham nhũng được coi là “chuẩn mực văn hóa”, người ta chấp nhận sống chung với nó, cho đó là chuyện bình thường. Từ đó, công tác phòng, chống tham nhũng càng phải đối diện với những thách thức khó vượt qua. Vì vậy, để có thể xóa bỏ triệt để, tận gốc hành vi tham nhũng, bên cạnh các giải pháp về huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện thể chế, kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không muốn, không dám và không thể tham nhũng"..., thì những giải pháp phòng, chống tham nhũng từ góc độ văn hóa mới là điều căn cơ và gốc rễ.
Thực tế cách đây 76 năm, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội (24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu lên tư tưởng “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, mà Người còn nhấn mạnh “văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”. Những lời căn dặn của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tinh thần thời đại sâu sắc.
Làm theo tư tưởng của Người, trước hết, cần đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa liêm chính dựa trên cơ sở tăng cường và nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng văn hóa Đảng; tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao hơn nữa việc nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan chính quyền, đoàn thể ở mọi lúc, mọi nơi; gắn việc xây dựng và thực hành đạo đức trong Đảng với đột phá về công tác tổ chức, cán bộ; tăng cường giáo dục lương tâm, danh dự, liêm sỉ trong Đảng, nhất là đối với các đảng viên có chức vụ để họ thấm nhuần lời dạy của Hồ Chí Minh: “phải biết rằng tham lam là một điều rất đáng xấu hổ”; tham ô, tham nhũng là một tội ác với dân, với nước. Từ đó góp phần phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nguồn gốc đẻ ra tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực phải trên cơ sở giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức nhất là những người có chức, có quyền - chủ thể của hành vi tham nhũng. Bởi khi cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức cách mạng thì họ sẽ đề cao chủ nghĩa tập thể, chống lại chủ nghĩa cá nhân, sống mình vì mọi người, làm việc vì lý tưởng cao đẹp, vì nước, vì dân, không có hành vi tham nhũng, vụ lợi cá nhân. Khi người cán bộ, công chức thấm nhuần đạo đức công vụ thì họ sẽ đề cao pháp luật, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, phục vụ nhân dân với trách nhiệm và bổn phận cao nhất, thụ hưởng những gì mà họ được hưởng, không tư lợi, tham nhũng, tiêu cực. Điều này yêu cầu ngoài việc coi trọng tuyên truyền, giáo dục, còn phải xây dựng các quy tắc, chuẩn mực cụ thể trong thực hiện công việc của từng cán bộ, công chức và phải có sự giám sát chặt chẽ từ tổ chức, xã hội, người đứng đầu với cơ chế khen thưởng và kỷ luật rõ ràng, để họ phải nghiêm túc thực hiện.
Thứ ba, từng bước thay đổi, tiến tới xóa bỏ những mặt hạn chế của văn hóa truyền thống như tâm lý tiểu nông mang tính duy tình, xem nhẹ cái lý, xem nhẹ pháp luật; tập quán quà cáp, biếu xén đối với người có ân huệ với mình; tư tưởng “dĩ hòa vi quý” làm thủ tiêu đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực,... được xem là mảnh đất màu mỡ dung túng, nuôi dưỡng cho hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đây là một công việc khó khăn, lâu dài đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ thực hiện. Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục để Nhân dân thấy rõ sự cần thiết xóa bỏ những mặt hạn chế của văn hóa truyền thống - gốc rễ nảy sinh tham nhũng, thì Nhà nước phải có những chế tài thưởng phạt nghiêm minh trong tổ chức thực hiện; khen thưởng những người dám đấu tranh phát hiện tham nhũng, đồng thời, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm. Riêng đối với giới doanh nhân, doanh nghiệp - đối tượng liên quan đến những vụ tham nhũng lớn, cần được tuyên truyền về tác hại của tham nhũng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tinh thần tôn trọng pháp luật, cạnh tranh bình đẳng, chú ý quan tâm đến xây dựng uy tín thương hiệu doanh nghiệp... Từ đó, dần hình thành văn hóa kinh doanh minh bạch, liêm chính gắn liền với xây dựng uy tín, thương hiệu; không còn chạy theo ngắn hạn, muốn tìm kiếm cơ hội, nâng cao lợi nhuận bằng cách đưa hối lộ, đi cửa sau để được ưu ái, cạnh tranh không lành mạnh,....
Thứ tư, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực bằng cách chú trọng tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ: (i) Những quy định về quyền, trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, cũng như của các cá nhân, tổ chức trong cung ứng các dịch vụ công, tránh lẫn lộn giữa trách nhiệm với sự ban ơn, giúp đỡ để được trả công. (ii) Thấy rõ tác hại của tham nhũng đối với sự phát triển chung của đất nước, trách nhiệm của công dân trong việc góp phần tham gia vào phòng, chống tham nhũng, kiên quyết không hối lộ và từ chối những gợi ý hối lộ. (iii) Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, đề cao pháp luật và trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng, đất nước, tôn trọng lợi ích của người khác, thực hiện lợi ích cá nhân chính đáng theo quy định của pháp luật; thay đổi thói quen dựa vào các “mối quan hệ” để giải quyết công việc, có như thế mới có thể xóa bỏ dần tâm lý duy tình, cơ sở nảy sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Tình trạng tham nhũng thời gian qua được Đảng ta đánh giá là nghiêm trọng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân thuộc về văn hóa truyền thống của Việt Nam - mảnh đất thuận lợi cho tham nhũng được dung dưỡng, củng cố. Vì vậy, nhận diện tham nhũng và đề xuất các giải pháp phòng, chống từ góc nhìn văn hóa là cần thiết, căn cơ và gốc rễ, nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội. Và khi các cơ quan Đảng, Nhà nước và trong xã hội có được môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch, dân chủ, văn minh; tất cả mọi người đều có tinh thần thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, tôn trọng lợi ích của người khác, thực hiện lợi ích cá nhân chính đáng theo quy định của pháp luật thì sẽ không còn cơ sở văn hóa cho hành vi tham nhũng.