'Vận đen' đeo bám một doanh nghiệp lớn ngành gạo
Sau khi CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) cùng lãnh đạo bị xử phạt hành chính hơn 0,5 tỷ đồng do vi phạm nhiều lỗi, cổ phiếu TAR tiếp tục bị chuyển sang diện bị kiểm soát trong khi thị giá không ngừng lao dốc.
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố về việc chuyển cổ phiếu TAR sang diện bị kiểm soát từ ngày 12/10.
Nguyên nhân là bởi Trung An chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Trước đó, cổ phiếu TAR cũng bị HNX đưa vào diện cảnh báo từ ngày 25/9 do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 15 ngày so với thời hạn.
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có quyết định phạt hành chính Trung An với tổng số tiền là 487,5 triệu đồng do vi phạm nhiều lỗi.
Cùng với đó, UBCKNN cũng ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với ông Phạm Thái Bình, người mới được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT cuối tháng 8/2023, số tiền phạt là 92,5 triệu đồng.
Lý do vì ông Bình đã thực hiện hợp đồng, giao dịch khi chưa được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT chấp thuận. Theo đó, Trung An đã có các giao dịch với các bên liên quan là Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Kiên Giang và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại An Thơ (BCTC kiểm toán 2020, 2022, Báo cáo tình hình quản trị công ty 2020. 2021, 2022). Song, các giao dịch trên đều chưa được HĐQT chấp thuận.
Trên thị trường, cổ phiếu TAR từng ghi nhận nhịp tăng hơn 30% vào cuối tháng 7, thời điểm Ấn Độ thông báo ngưng xuất khẩu gạo, và nhanh chóng lập đỉnh từ đầu năm tại 22.700 đồng/cp.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 8 đến nay, cổ phiếu TAR quay đầu giảm mạnh, nếu như không muốn nói là lao dốc. Chốt phiên ngày 6/10, cổ phiếu này đang dừng ở mức 14.000 đồng/cp. Như vậy, từ thời điểm lập đỉnh, cổ phiếu TAR đã giảm gần 40% chỉ trong 2 tháng.
Trung An là một trong những "ông lớn" của ngành gạo Việt Nam, đã xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường khó tính, nổi bật có thị trường châu Âu. Từ đầu năm đến nay, dù thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi, giá gạo thế giới tăng cao nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại diễn biến hoàn toàn trái ngược.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2023 do Trung An tự lập, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng lãi ròng chỉ đạt 600 triệu đồng, giảm 99% so với nửa đầu năm 2022.
Trong đó, tính riêng quý II/2023, Trung An báo lỗ 8 tỷ đồng so với mức lãi 23 tỷ đồng của quý II/2022. Đây cũng là quý đầu tiên, doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán hồi đầu năm 2019. Việc ghi nhận khoản lỗ lớn trong quý II/2023 đã kéo tụt kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của doanh nghiệp này.
So với mục tiêu trong năm 2023, Trung An đã hoàn thành 66% mục tiêu doanh thu nhưng chỉ mới thực hiện được 1% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.