Vẫn 'điệp khúc' nhiều việc phải làm
Một đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt tại TP Tuy Hòa. Ảnh: NHƯ THANH
Thời gian qua, tuy các vụ tai nạn giao thông đường sắt đã giảm nhưng vẫn tồn tại nhiều sự cố liên quan đến an toàn đường sắt. Để đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu cũng như người dân qua lại dọc tuyến đường sắt, các ngành có liên quan đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.
Nhiều sự cố
Tuyến đường sắt thống nhất qua địa bàn tỉnh có chiều dài 95,2km đi qua TX Đông Hòa, TP Tuy Hòa, huyện Tuy An và huyện Đồng Xuân. Theo Tiểu ban An ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt khu vực Phú Yên, phần lớn tuyến đường sắt chạy song song với tuyến đường bộ, đi qua các khu dân cư, đô thị nên phát sinh nhiều điểm giao cắt (cả hợp pháp và không hợp pháp) giữa đường bộ và đường sắt.
Toàn tuyến có 120 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; trong đó, 44 đường ngang hợp pháp và 76 lối đi tự mở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông đường sắt đều xảy ra tại những vị trí giao nhau này.
Điển hình như vụ tai nạn xảy ra vào đầu năm 2020 tại khu gian Đông Tác - Tuy Hòa. Đoàn tàu KHH62/009 khi đi đến đoạn đường sắt giao nhau với đường ngang tự mở ở khu vực này đã va phải một thanh niên đi xe máy băng qua đường sắt. Hậu quả làm thanh niên này tử vong.
Bên cạnh đó, các sự cố về đường sắt như vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đường sắt, ném đất đá lên tàu... vẫn còn xảy ra làm hư hỏng cũng như gây chậm trễ các đoàn tàu. Theo đánh giá của ngành Đường sắt, tình trạng chăn thả gia súc dọc theo tuyến đường sắt của người dân hai bên đường đã gây rất nhiều nguy hiểm cho an toàn các đoàn tàu.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hàng loạt vụ việc tàu lửa tông phải bò được người dân thả rông trên đường sắt. Như trong tháng 10 năm ngoái, đoàn tàu SE8/913 khi đi đến khu gian Hảo Sơn - Phú Hiệp tông phải đàn bò đang được thả trên đường sắt. Hậu quả làm gãy ống gió chủ quản đầu máy cấp gió cho đoàn xe khiến lái tàu phải khắc phục kéo tàu về đến ga Phú Hiệp và xin cứu viện, điều độ lấy máy 961 của đoàn tàu khác để tiếp tục hành trình.
Đồng loạt triển khai các giải pháp
Để đảm bảo an toàn, an ninh đường sắt, lực lượng công an trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các địa phương có tuyến đường sắt đi qua tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm Luật Đường sắt; không họp chợ, chăn dắt gia súc trên đường ray.
Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng cũng thường xuyên phối hợp với ngành Đường sắt, các địa phương tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 8 trường hợp mô tô vi phạm đỗ xe trong phạm vi an toàn giao thông đường sắt, xử phạt tổng số tiền 2 triệu đồng.
Theo Sở GT-VT, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và thực hiện đề án Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 147 về thực hiện đề án Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Theo đó, trong năm 2020, UBND các huyện, thị xã, thành phố có tuyến đường sắt đi qua thực hiện các biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở; phấn đấu đến hết năm 2025 đầu tư xây dựng hoàn thành đường gom, hàng rào hai bên đường sắt, xóa bỏ lối đi tự mở băng qua đường sắt. Kết quả, đến nay, các địa phương đã thu hẹp được 57/76 lối đi tự mở, các lối đi còn lại rộng khoảng 1,5m.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GT-VT, vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có quyết định bổ sung dự toán ngân sách năm 2021 cho các địa phương với số tiền 720 triệu đồng để thực hiện Kế hoạch 147 của UBND tỉnh. Các địa phương được phân bổ gồm TP Tuy Hòa (343 triệu đồng), TX Đông Hòa (142 triệu đồng) và huyện Tuy An (235 triệu đồng). Địa phương cân đối nguồn vốn để tổ chức thực hiện giảm số lượng, xóa bỏ các lối đi tự mở.
Các hình thức có thể triển khai như: xây dựng đường gom kết hợp hàng rào bảo vệ để kết nối giao thông vào các đường ngang, vị trí giao nhau khác mức nhằm giảm số lượng lối đi tự mở qua đường sắt; phối hợp cải tạo, nâng cấp các lối đi này thành các vị trí đường sắt giao nhau với đường bộ phù hợp với quy hoạch liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là một trong những lộ trình cần thiết để có thể từng bước xỏa bỏ đường ngang bất hợp pháp giao nhau với đường sắt trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 3 người, thiệt hại tài sản 2 triệu đồng. Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn hành lang đường sắt; tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đường ngang để điều chỉnh, sửa chữa cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/356/254401/van--diep-khuc--nhieu-viec-phai-lam.html