Vân Đồn chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực
Chuyển đổi số toàn diện đang được huyện Vân Đồn nỗ lực triển khai trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó từng bước góp phần đưa Vân Đồn trở thành một trong những địa phương trong tỉnh bứt phá về các chỉ số cải cách hành chính và thu hút đầu tư.
Huyện xác định chuyển đổi số mang lại hiệu quả trong lĩnh vực giải quyết TTHC, khâu đầu tiên phải đào tạo công dân điện tử. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua huyện đẩy mạnh hướng dẫn cho người dân về các thao tác nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến. Đến nay nhiều người dân trên địa bàn huyện đã tự nộp TTHC qua hình thức trực tuyến.
“Tôi được cán bộ của xã lập tài khoản và hướng dẫn nộp hồ sơ qua mạng. Giờ đây khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tôi chỉ cần máy tính hoặc điện thoại thông minh là làm được. Điều này giúp tôi không phải đi tàu biển mất gần 1 giờ đến Trung tâm Hành chính công huyện để làm thủ tục này, giảm thời gian, công sức đi lại" - Chị Lê Thị Thủy (xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn) chia sẻ.
9 tháng năm 2023, kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC trên môi trường mạng đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND huyện là 5.157 hồ sơ (đạt 99,2%). Đây là con số khá cao, phản ánh hiệu quả nền hành chính ngày càng tiên tiến của địa phương, tạo thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC, tiếp cận được chữ ký số một cách thuận tiện, dễ dàng, từ tháng 5/2023, Trung tâm Hành chính công huyện đã phối hợp với VNPT và Viettel bố trí nhân viên cấp chữ ký số cho công dân. Qua hơn 9 tháng triển khai, đã cấp được hơn 300 chữ ký số cho người dân.
9 tháng năm 2023, giao dịch thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt qua hình thức máy POS, thanh toán trực tuyến, chuyển khoản tại Trung tâm Hành chính công huyện đạt trên 267 triệu đồng, đạt 98,48%; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đạt trên 47 triệu đồng, đạt 39,30%.
Để các sản phẩm nông nghiệp vươn ra thị trường lớn, huyện đã đưa 45 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn, Lazada, Shopee, Sendo… Qua đó các doanh nghiệp đã quảng bá rộng rãi được sản phẩm và tăng lượng tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm.
Bà Cao Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV NEWSTAR, chia sẻ: Công ty được cán bộ của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện hướng dẫn cách đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Từ đó các sản phẩm của công ty được nhiều người biết đến, doanh thu ngày một tăng.
Nhằm giúp người dân, du khách dễ dàng hơn trong tiếp cận, tìm hiểu các điểm di tích lịch sử, Đoàn Thanh niên huyện tích cực thực hiện số hóa các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Đến nay các cấp đoàn đã gắn bảng quét mã QR tại 5 di tích lịch sử, điểm du lịch trên địa bàn để quảng bá tuyên truyền về văn hóa du lịch của địa phương.
Để người dân được tiếp cận công nghệ số theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực, thời gian qua 72 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 541 thành viên đã đẩy mạnh tuyên truyền. Qua đó giúp cho người dân hiểu, từng bước làm quen với chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, biết sử dụng các tiện ích thông qua điện thoại thông minh trong cuộc sống thường ngày.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số như đề ra, thời gian tới huyện tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho tổ công nghệ số cộng đồng, CBCCVC, người lao động trong cơ quan nhà nước về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số và người dân có kỹ năng số cơ bản. Đồng thời tiếp tục rà soát đưa các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử tỉnh; triển khai mô hình Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt...
Theo Ngọc Trâm (Báo Quảng Ninh)