Vẩn đục dịch kính - khi nào cần đến bác sĩ?
Vẩn đục dịch kính là bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi, nữ nhiều hơn nam. Vẩn đục dịch kính thường chỉ gây vướng bận cho việc nhìn, nhưng cũng có khi gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực.
Dấu hiệu bệnh
Người bệnh thường có miêu tả phong phú về triệu chứng của vẩn đục dịch kính (VĐDK). Đó là trong trường nhìn có những đốm, dải, dây, đám mạng nhện...bay lên bay xuống. Có người mô tả cầu kỳ hơn, vật thể giống như quả tạ, giống như thả diều, xơ mướp thường có màu sẫm, cá biệt có màu óng ánh (cholesterol hay acid uric). Bệnh nhân sẽ quan sát rõ hơn nếu có ánh sáng trực tiếp chiếu vào mắt và đồng tử co nhỏ lại, ví dụ như vào buổi sáng khi nhìn qua cửa sổ hay khi ngắm bình minh lên. Có người sẽ thấy xuất hiện kèm cảm giác chớp sáng trong mắt hay thấy có liên quan rõ giữa 2 hiện tượng này. Bác sĩ mắt cũng luôn hỏi người bệnh về bộ đôi triệu chứng: ruồi bay-chớp sáng trong mắt. Một vài ảo giác cũng đem lại cảm giác như bị bệnh VĐDK trong khi thực tế lại không. Đó là gỉ mắt hay bụi bẩn của phim nước mắt, đục thể thủy tinh dạng chấm... Khai thác kỹ sẽ thấy khi chớp mắt nhiều hay rửa mắt bụi và gỉ sẽ tan biến, còn với đục thể thủy tinh thì chấm đen lại nằm cố định - liếc đi đâu chấm đen chạy theo đó. Các bác sĩ có thể nhỏ giãn đồng tử thăm khám kỹ đáy mắt hoặc cho thêm xét nghiệm siêu âm để xác thực bạn có bị VĐDK hay không?
Khi nào cần đi khám?
Vẩn đục dịch kính thường chỉ gây vướng bận cho việc nhìn, không kèm theo rối loạn thị giác hay đau nhức. Có 3 trạng thái tự nhiên của VĐDK:
Nhỏ đi và biến mất.
Giữ nguyên hình hài, số lượng và vị trí: quen quá nên nhiều người không lưu tâm nữa, sẽ có cảm giác giải phóng được nó ra khỏi tầm nhìn.
Nặng lên và thêm các vấn đề khác: số lượng đốm chấm tăng, nhiều đám vẩn đục hơn, cảm giác chớp sáng dày hơn, thấy có màng chắn màu xám chạy dần vào giữa che lấp trường nhìn. Khi bạn có hiện tượng này nên đi khám chuyên khoa mắt ngay bởi đã có biến chứng đe dọa thị lực.
Biến chứng của vẩn đục dịch kính
Trong khám chữa bệnh hàng ngày, chúng tôi phát hiện được nhiều nhất VĐDK do bong dịch kính sau, căn bệnh khá phổ biến ở người trên 40 tuổi. Đằng sau VĐDK còn là rất nhiều bệnh lý khác ảnh hưởng tới dịch kính - hắc mạc - võng mạc như tắc nhánh hay tắc toàn bộ tĩnh mạch trung tâm võng mạc, viêm hắc võng mạc do virus cự bào, bệnh võng mạc tăng huyết áp và đái tháo đường, u lympho nội nhãn, rách và bong võng mạc, viêm màng bồ đào sau, bệnh võng mạc trên bệnh nhân HIV, bệnh hắc võng mạc cận thị... Khi phát hiện được các bệnh lý nền này trên bệnh nhân có biểu hiện VĐDK thì vấn đề điều trị sẽ phải nghiêm túc và quyết liệt hơn, bằng nhiều biện pháp hơn cũng như theo dõi và tầm soát bệnh toàn thân.
Cách ứng phó với vẩn đục dịch kính
Do có những diễn biến trên đây nên ít người phải cất công điều trị VĐDK, chỉ khi có biến chứng hay gây ảnh hưởng lớn đến thị lực, thị trường điều trị mới được đặt ra. Ứng phó đơn giản có khi chỉ là chủ động uống nhiều nước, tránh những động tác mạnh hay xoắn vặn vùng đầu cổ (tập thể dục thái quá, một vài động tác khó của yoga), kiêng nhịn thở hay chơi thể thao mạnh gắng sức cũng làm VĐDK biến mất dần. Một vài thuốc tra nhỏ mắt có thể cải thiện tình hình VĐDK do tác dụng chống viêm, giảm kết dính tế bào, làm lắng đọng đám vẩn đục. Với bệnh nhân cận thị số cao nên dùng thêm vitamin uống A-C-E, kẽm, selene... để chống thoái hóa hắc võng mạc, nguồn gốc gây VĐDK trên nhóm bệnh nhân này. Laser Yag tuy vẫn còn tranh cãi nhưng bắt đầu được dùng để điều trị VĐDK nặng trước khi tính đến phẫu thuật cắt dịch kính. Cuối cùng, cũng có thể coi là hạ sách nếu phải dùng phẫu thuật cắt dịch kính để điều trị VĐDK.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/van-duc-dich-kinh-khi-nao-can-den-bac-si-n185383.html