Vận dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam
ĐẶNG THỊ BÍCH NGỌC (Học viện Ngân hàng)
TÓM TẮT:
Doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ đã, đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, với quy mô siêu nhỏ đi kèm với năng lực tài chính yếu, DN siêu nhỏ luôn phải đối diện với không ít thách thức để tồn tại và phát triển. Để DN siêu nhỏ phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, cần có sự thay đổi nhận thức về vai trò của kế toán quản trị (KTQT) trong điều hành doanh nghiệp. Việc vận dụng KTQT tại các DN này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như: Quy mô doanh nghiệp, mức độ cạnh tranh của thị trường, trình độ nhân viên kế toán, chiến lược kinh doanh, nhận thức về KTQT của người quản lý doanh nghiệp... Bài viết phân tích một số thách thức đối với việc vận dụng KTQT tại các DN siêu nhỏ tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số khuyến nghị đối với hoạt động này tại Việt Nam.
Từ khóa: kế toán quản trị, doanh nghiệp siêu nhỏ.
1. Quy định pháp lý về doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam và công tác kế toán nói chung tại các doanh nghiệp này
Theo quy định hiện hành Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, có hiệu lực từ ngày 11/3/2018, tiêu chí để xác định DN siêu nhỏ được dựa trên số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tổng vốn hoặc tổng doanh thu năm trước liên kề. Bên cạnh đó, đối với từng ngành nghề nhất định sẽ có những yêu cầu riêng biệt. Cụ thể, DN siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. Trong khi đó, DN siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng, hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Trong công tác kế toán, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ, qua đó giúp DN dễ dàng triển khai, góp phần thực hiện quy định của pháp luật và phục vụ cung cấp thông tin cho các quyết định điều hành của mình.
2. Vai trò của kế toán quản trị đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp siêu nhỏ nói riêng
Ở Việt Nam, KTQT đã xuất hiện và phát triển gắn liền với các chính sách, chế độ kế toán áp dụng tại các DN. Tuy nhiên, KTQT chỉ mới được đề cập một cách có hệ thống vào đầu những năm 1990 và trở thành cấp bách trong việc xây dựng hệ thống thông tin kế toán vào đầu những năm 2000, khi các DN cần nâng cao chất lượng quản lý để tăng năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Về mặt pháp lý, KTQT đã được công nhận chính thức trong Luật Kế toán Việt Nam (ban hành ngày 17/6/2003) và Luật Kế toán sửa đổi năm 2015. Theo đó, KTQT được coi là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán.
Thực tiễn cho thấy, KTQT có vai trò chủ đạo và chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh của DN. Dựa trên các thông tin mà KTQT cung cấp, các nhà quản trị đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của DN trong nền kinh tế thị trường.
KTQT có 4 mục tiêu chủ yếu gồm: (i) Cung cấp thông tin cho nhà quản lý để lập kế hoạch và ra quyết định; (ii) Trợ giúp nhà quản lý trong việc điều hành và kiểm soát hoạt động của tổ chức; (iii) Thúc đẩy các nhà quản lý đạt được các mục tiêu của tổ chức; (iv) Đo lường hiệu quả hoạt động của các nhà quản lý và các bộ phận, đơn vị trực thuộc trong tổ chức.
Một số nghiên cứu cho rằng, xét theo nội dung các thông tin mà KTQT DN cung cấp, có thể khái quát KTQT bao gồm:
- KTQT các yếu tố sản xuất kinh doanh, gồm: Mua sắm, sử dụng các đối tượng lao động - hàng tồn kho, tư liệu lao động - tài sản cố định, tuyển dụng và sử dụng lao động - lao động và tiền lương…).
- KTQT về chi phí và giá thành sản phẩm: Lập dự toán chi phí, tập hợp, tính toán, phân bổ chi phí, giá thành, lập báo cáo phân tích chi phí theo bộ phận, theo các tình huống quyết định...).
- KTQT về doanh thu và kết quả kinh doanh: Phân loại doanh thu, xác định giá bán, lập dự toán doanh thu, tính toán, hạch toán chi tiết doanh thu, phân bổ chi phí chung...).
- KTQT các khoản nợ.
- KTQT các hoạt động đầu tư tài chính.
- KTQT các hoạt động khác của doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần chú ý rằng, thông tin của KTQT mà DN cung cấp không chỉ là thông tin quá khứ (thông tin thực hiện) mà còn bao gồm các thông tin về tương lai (kế hoạch, dự toán, dự tính...), các thông tin về giá trị còn bao gồm các thông tin khác (hiện vật, thời gian lao động…). Hệ thống thông tin KTQT trong tổ chức có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho các nhà quản lý để thực hiện các hoạt động quản lý…
3. Thách thức khi vận dụng kế toán quản trị đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam
Mặc dù trong công tác kế toán, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ, tuy nhiên, đối với KTQT tại DN nói chung và DN siêu nhỏ nói riêng, cơ sở pháp lý duy nhất vẫn là Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/06/2006 về việc hướng dẫn áp dụng KTQT trong doanh nghiệp. Trên thực tế, cơ quan quản lý luôn khuyến khích DN thực hiện KTQT để đưa ra các quyết định điều hành đúng đắn, không có ý định quy định thông qua các văn bản pháp lý vì KTQT chủ yếu phục vụ nội bộ doanh nghiệp.
Trên thực tế, hiện nay, không ít DN siêu nhỏ phát triển lên từ hộ kinh doanh, có nguồn lực tài chính kém, năng lực tài chính yếu,... Từ thực tế hoạt động của DN siêu nhỏ hiện nay, có thể nhận thấy một số thách thức trong việc triển khai KTQT, đó là:
- Các nhà quản trị DN chưa thực sự quan tâm đến công tác KTQT. Hiện nay, nhiều DN vẫn cho rằng vì quy mô siêu nhỏ nên việc ứng dụng KTQT là không cần thiết. Mặt khác, các DN siêu nhỏ thường khó khăn về vốn, nên gần như chỉ quan tâm đến làm sao có thể tồn tại, phát triển và thu được lợi nhuận. Bắt nguồn từ nhận thức sai lầm này, nên KTQT gần như chưa được quan tâm.
- Hiện nay, các DN nhỏ và vừa nói chung và DN siêu nhỏ nói riêng chỉ quan tâm tổ chức bộ máy kế toán tài chính, còn bộ máy KTQT chưa được quan tâm và đầu tư. Với quy mô siêu nhỏ, năng lực tài chính yếu, việc phải bỏ thêm một khoản chi phí không nhỏ để xây dựng bộ máy KTQT thường khiến các chủ DN do dự.
- Các DN siêu nhỏ thường thuê các kế toán viên bên ngoài để tiết kiệm chi phí. Thông thường những nhân viên này không có kiến thức, chưa được đào tạo bài bản về KTQT, hoặc chỉ được làm báo cáo thuế, báo cáo tài chính nên việc thực hiện các báo cáo KTQT phục vụ cho nhà quản trị DN thường rất khó.
4. Giải pháp đẩy mạnh vận dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam
KTQT được hình thành song song với kế toán tài chính, nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ cho nhà quản trị. Hiện nay, DN nhỏ và vừa nói chung và DN siêu nhỏ nói riêng vẫn chưa quan tâm nhiều, tuy nhiên, trong tương lai gần, để sử dụng hiệu quả công cụ này, DN siêu nhỏ cần chú ý một số vấn đề sau:
4.1. Phía cơ quan quản lý
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý có liên quan đến việc áp dụng KTQT trong DN; cần tạo hành lang pháp lý để thể hiện rõ ràng hơn quan điểm của Nhà nước về KTQT, nhằm hỗ trợ, định hướng phát triển KTQT thông qua việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn nhằm giúp các DN xây dựng KTQT phù hợp, hữu ích cho hoạt động của DN.
- Định hướng, xây dựng phát triển các chương trình đào tạo cụ thể về KTQT phù hợp với từng ngành kinh doanh, từng mô hình kinh doanh và hiệu quả khi áp dụng KTQT vào DN, để giúp các DN nhận thức rõ hơn về việc áp dụng KTQT.
4.2. Hiệp hội ngành nghề
- Tổ chức nhiều buổi đối thoại, tổ chức các hội thảo chuyên ngành với DN, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhà quản trị DN đối với việc áp dụng công tác KTQT.
- Tăng cường sự hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về KTQT; nghiên cứu thành lập các dự án phát triển hệ thống KTQT tại Việt Nam; hình thành các sản phẩm hướng dẫn cụ thể hơn cho DN áp dụng, hỗ trợ tài chính cho các DN tiếp cận, học hỏi, nhận chuyển giao thành tựu KTQT ở các quốc gia có KTQT phát triển như Mỹ, Pháp,...
4.3. Các nhà quản lý doanh nghiệp
Trên thực tế, thông tin KTQT có ý nghĩa chủ yếu đối với các nhà quản trị hơn là các đối tượng liên quan khác như cơ quan thuế, kiểm toán, đối tác,... Do vậy, việc vận dụng hiệu quả KTQT trong DN siêu nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của nhà quản trị. Trong thời gian tới, để làm tốt việc này, các DN cần chú trọng một số vấn đề như:
- Thay đổi nhận thức của các chủ DN về việc sử dụng KTQT trong hoạt động của DN. Các nhà quản trị trong DN cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của KTQT. Nhà quản trị DN phải là người đi đầu nhận thức về vai trò, nội dung của KTQT, là người dẫn dắt các bộ phận trong DN áp dụng mô hình KTQT.
- Xây dựng bộ máy kế toán phù hợp với cơ cấu quản lý của DN trên cơ sở kết hợp cả kế toán tài chính và KTQT. Với những hạn chế về quy mô và tài chính, có thể không đòi hỏi quá cao về nhân viên KTQT, tuy nhiên, vẫn phải đủ các tiêu chí cơ bản. Xây dựng các mô hình KTQT cũng như tìm kiếm những nhân viên kế toán có trình độ phù hợp với quy mô phát triển của DN... Cụ thể, theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội KTQT Toàn cầu về nhu cầu của DN với các phẩm chất và kỹ năng cần có của KTQT ít nhất gồm: Kỹ năng chuyên môn (trình độ chuyên môn), Kỹ năng Kinh doanh (năng lực phân tích đánh giá môi trường kinh doanh...); Kỹ năng con người (năng lực giao tiếp, đàm phán...); Kỹ năng lãnh đạo (năng lực lãnh đạo và thực hiện vai trò lãnh đạo của mình trong nhóm làm việc và tổ chức).
- Xây dựng hệ thống KTQT: Hệ thống chứng từ, hệ thống tài khoản, hệ thống sổ sách kế toán và hệ thống báo cáo KTQT cho phù hợp với công tác quản lý và đặc điểm sản xuất kinh doanh riêng của DN, dựa trên các mô hình KTQT đã được áp dụng của các DN trong và ngoài nước. Xây dựng hệ thống KTQT có thể mô tả như sau: (i) Xác định mục tiêu của hệ thống kế toán; (ii) Xác định các trung tâm trách nhiệm tài chính; (iii) Xây dựng hệ thống phân loại; (iv) Xây dựng hệ thống báo cáo quản trị; (v) Lựa chọn phương án KTQT; (vi) Thiết kế hệ thống chứng từ, tài khoản cho KTQT; (vii) Xây dựng hệ thống dự toán; (viii) Ban hành quy định về thực hiện KTQT trong DN; (ix) Thực hiện thay đổi cơ cấu tổ chức.
- Xây dựng hệ thống báo cáo quản trị trong DN: Nhìn chung, hệ thống KTQT không có một quy chuẩn pháp lý chung nào về hình thức lẫn nội dung báo cáo. Do đó, DN nên tự xây dựng một hệ thống chỉ tiêu KTQT cụ thể theo mục tiêu quản trị đặt ra. Các DN có thể tham khảo các mô hình báo cáo, hệ thống chỉ tiêu của các DN siêu nhỏ khác để áp dụng phù hợp với thực tế của mình. Về cơ bản, việc lập báo cáo nên đơn giản, sử dụng các hiệu ứng công nghệ để tạo điểm nhấn, tạo được sự sinh động đối với nhà quản trị. Để có cái nhìn toàn diện hơn về các yếu tố đang tác động đến hoạt động của DN, báo cáo của KTQT được sử dụng kết hợp với các báo cáo khác của DN như báo cáo về thị trường, đối thủ cạnh tranh, công nghệ sản xuất,...
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14.
Chính phủ (2018), Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/06/2006 về việc hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp.
Ngô Thị Thu (2019), Vận dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 10/2019.
Nguyễn Thu Hiền (2018), Một số vấn đề về kế toán quản trị trong các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Công Thương, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mot-so-van-de-ve-ke-toan-quan-tri-trong-cac-doanh-nghiep-khoi-nghiep-o-viet-nam-54318.htm. cập nhật ngày 06/07/2018.
Implementing the management accounting at
micro-enterprises in Vietnam
Ph.D Dang Thi Bich Ngoc
Banking Academy
ABSTRACT:
Micro-enterprises have played an increasingly important role in the country’seconomic development, creating jobs, increasing people’s income and mobilizing social resources for invesment and poverty reduction. However, micro-enterprises usually face financial challenges due to their business capacity. In order to improve the competitiveness, it is necessary for micro- enterprises to change their awareness of the management accounting. The implementation of management accounting at micro-enterprises is affected by many factors, such as enterprise size, market competitiveness, competence of accountants, business strategies and managers’ awareness of management accounting. This paper analyzes some challenges for the application of management accounting in Vietnamese micro-enterprises and proposes some recommendations concerning this issue.
Keywords: management accounting, micro-enterprises.