Vận dụng lời dạy của Bác trong công tác hòa giải cơ sở
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Dân vận khéo việc gì cũng thành công', hơn 10 năm qua bà Nguyễn Thị Thịnh - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, Chi hội phó Chi hội phụ nữ, Tổ phó Tổ hòa giải tổ dân phố 31, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã vận dụng lời dạy của Bác trong công tác hòa giải cơ sở, nhiều vụ việc lớn nhỏ đã được bà hòa giải thành công.

Bà Nguyễn Thị Thịnh không chỉ làm tốt công tác hòa giải, còn là một Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xuất sắc. Ảnh: T.L
Tổ dân phố số 31, phường Trung Hòa có vị trí dọc theo phố Trung Kính, với hơn 500 hộ dân, số hộ thuê trọ nhiều nên tình hình an ninh, trật tự phức tạp nhưng bà đã cùng các thành viên trong tổ, cùng với sự vào cuộc của các chi hội đoàn thể tổ dân phố hòa giải thành công nhiều vụ việc, nhờ đó mà cuộc sống của người dân nơi đây được bình yên.
Trong nhiều năm làm công tác hòa giải cơ sở, bà Thịnh gặp không ít khó khăn, có vụ việc hòa giải không thành, có vụ việc mâu thuẫn kéo dài. Nhưng ghi nhớ lời dạy của Bác “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, bản thân bà Thịnh đã vận dụng phương châm này để làm tốt công tác hòa giải. Bà Thịnh quan niệm, để hòa giải thành công, người cán bộ phải nỗ lực mỗi ngày rèn luyện kỹ năng “dân vận khéo”, làm sao cả lời nói và hành động phải có uy tín thì người dân mới tin và nghe theo; nắm bắt thông tin kịp thời, nhiều chiều, biết chọn lọc và đưa ra lý lẽ thuyết phục, tạo được niềm tin đối với đối tượng hòa giải.
Khi xảy ra vụ việc liên quan hoặc có đơn đề nghị, không quản ngại bất cứ thời gian nào, bà Thịnh đã kịp thời cùng với Tổ trưởng Tổ hòa giải tiến hành họp các thành viên trong tổ hòa giải, phân tích tình hình, tìm ra lý do nguyên nhân của từng vụ việc, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên cụ thể. Từ đó, đích thân bà cùng với Tổ hòa giải và các chi hội đoàn thể có liên quan đã đến từng nhà làm công tác tư tưởng, giải thích vận động, cùng vào cuộc để vận động, hòa giải.
Cùng với đó, bà Thịnh luôn học hỏi, tìm tòi để có cách làm hiệu quả, để không chỉ hóa giải mâu thuẫn trong khu dân cư mà còn giúp người dân tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Từ đó, dần hình thành ý thức "thượng tôn pháp luật" trong mỗi người dân.
Được đánh giá là người có uy tín, có tinh thần trách nhiệm cao, có hiểu biết về chính sách pháp luật, giàu lòng nhân ái, kiên trì gần gũi và thấu hiểu cuộc sống của từng hộ dân trong tổ. Bà Thịnh đến với công việc hòa giải bằng cái tâm, bà luôn mong muốn trong mỗi gia đình và bà con lối xóm có cuộc sống bình yên, tối lửa tắt đèn có nhau, bà con hàng xóm luôn đoàn kết góp phần xây dựng "tổ dân phố văn hóa". Không chỉ làm tốt vai trò là cán bộ hòa giải, bà Nguyễn Thị Thịnh còn là một Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xuất sắc. Năm 2024, bà được Hội Người cao tuổi phường Trung Hòa tặng Giấy khen, Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố 31 được Hội Người cao tuổi quận Cầu Giấy khen thưởng.
Xác định công tác hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, là giải pháp quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, hàng năm, UBND phường Trung Hòa đều chủ động ban hành Kế hoạch về công tác hòa giải ở cơ sở, triển khai ở tất cả các tổ dân phố trên toàn phường. UBND phường luôn quan tâm bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho hòa giải viên, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Hải.