Vận dụng phương châm 'dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện' để truyền thông cho Dự án 8
'Trong hoạt động truyền thông, các mô hình sử dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng theo phương châm 'dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện' để người dân nắm bắt được các nội dung', bà Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, cho biết.
Thái Nguyên là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước đã ban hành cơ chế chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành và thành lập Ban Điều hành thực hiện Dự án 8 cấp tỉnh "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Bà Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, đã chia sẻ cùng PNVN một số kết quả nổi bật và kinh nghiệm triển khai Dự án 8 tại địa phương.
+ Xin bà chia sẻ một vài dấu ấn nổi bật trong các hoạt động triển khai, thực hiện Dự án 8 tại tỉnh Thái Nguyên:
Với sự nỗ lực tham mưu của Hội LHPN các cấp, sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và sự phối hợp từ các ban, ngành; các nhiệm vụ của Dự án 8 trong thời gian qua được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Tại mỗi cấp Hội phụ nữ trong tỉnh, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng.
Nổi bật như: 6/6 huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo giai đoạn, hàng năm và bước đầu thành lập, vận hành các mô hình cốt lõi của dự án; có 05/9 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch giai đoạn I; xây dựng được 195 "Tổ truyền thông cộng đồng"; nâng cấp, củng cố và thành lập mới 192 mô hình "Địa chỉ tin cậy"; 27 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"; tổ chức 36 cuộc đối thoại chính sách ở cấp xã và cụm thôn, bản.
Hội LHPN các cấp đã mở 193 lớp tập huấn nâng cao năng lực triển khai một số mô hình, hoạt động của dự án; tập huấn về chương trình phát triển năng lực lồng ghép giới cho 2.160 đại biểu tham gia; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng...
Theo đó, các mô hình, câu lạc bộ, hoạt động của Dự án 8 ngày càng thu hút nhiều hội viên, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số tham gia, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho từng địa phương được hưởng lợi và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
+ Để đạt được kết quả trên, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã có những nỗ lực và kinh nghiệm triển khai, thực hiện cụ thể ra sao, thưa bà?
Đạt được những kết quả trên, chúng tôi nhận thấy trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp Hội đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Sự vào cuộc, phối hợp hết sức chặt chẽ của các sở, ngành liên quan cùng cấp đã hỗ trợ về chuyên môn cho Hội triển khai các mô hình, hoạt động Dự án 8 như: Phối hợp triển khai mô hình Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi trong các trường Trung học cơ sở và phối hợp thực hiện lồng ghép giới trong các chương trình bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên các bậc học giáo dục phổ thông; Hỗ trợ kỹ thuật triển khai các hoạt động nâng cao năng lực, truyền thông thực hiện bình đẳng giới và vận động lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình phát triển kinh tế xã hội; Hỗ trợ triển khai mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng và các hoạt động hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trên kênh truyền thông; Hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kết nối thị trường…
Với vai trò là cơ quan chủ trì Dự án, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã tích cực chủ động tham mưu thành lập Ban Điều hành thực hiện Dự án 8 cấp tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh là Phó Trưởng Ban Thường trực, đại diện các ngành liên quan và UBND các huyện.
Hàng năm, Ban Điều hành Dự án 8 cấp tỉnh đã xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn, kế hoạch triển khai định hướng hoạt động Dự án tới các địa phương; kịp thời ban hành các văn bản hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, đồng thời, đề xuất với Trung ương, các ngành chức năng sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Dự án 8 trong văn bản quy định chung của Chương trình và sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 04/HD-ĐCT để phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ Hội tích cực đi cơ sở để khảo sát, nắm chắc tình hình, địa bàn triển khai từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện sát với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng hội viên, phụ nữ. Trong quá trình xây dựng và nhân rộng các mô hình, các cấp Hội lựa chọn những người có uy tín, hội viên nòng cốt, người có khả năng tuyên truyền vận động tham gia mô hình.
Trong hoạt động truyền thông, các mô hình sử dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng theo phương châm "dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện" để người dân nắm bắt được các nội dung tuyên truyền.
+ Vậy Hội LHPN tỉnh còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc của trong triển khai, thực hiện Dự án 8, xin bà cho biết?
Chúng tôi còn gặp phải một số vướng mắc như: còn một số nội dung hướng dẫn thực hiện hoạt động từ Trung ương còn chưa cụ thể, khó khăn cho việc triển khai thực hiện Dự án tại cơ sở.
Một số quy định các mục chi, định mức chi trong Thông tư số 55/2023/TT-BTC chưa cụ thể, rõ ràng, còn lúng túng trong cách hiểu; một số định mức chi tiêu còn thấp so với yêu cầu triển khai và duy trì các mô hình của Dự án.
Việc phân bổ nguồn vốn Dự án 8 hàng năm theo nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, dẫn đến một số đơn vị được phân bổ nguồn vốn lớn hơn so với nhu cầu thực tế.
+ Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên có đề xuất, kiến nghị để thực hiện có hiệu quả Dự án 8 trong thời gian tới?
Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên có 3 đề xuất như sau:
Một là, Hội LHPN Việt Nam sớm ban hành văn bản hướng dẫn nội dung, hình thức, quy trình triển khai thực hiện mô hình "Hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người"; quy định thẩm quyền phê duyệt mô hình "Hỗ trợ ứng dụng Khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số" đối với nguồn kinh phí cấp tỉnh; hướng dẫn chi tiết biểu báo cáo số liệu kết quả thực hiện Dự án 8 theo Phụ lục số 02 - Biểu 2.8 (Thông tư số 01/2022/TT-UBDT, ngày 26/5/2022 của Ủy ban dân tộc) để thuận lợi cho Hội LHPN các cấp tổng hợp số liệu báo cáo Trung ương Hội.
Hai là mở rộng đối tượng và địa bàn thành lập "CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi" trên địa bàn các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia các hoạt động của mô hình. Hiện nay, theo hướng dẫn của Trung ương Hội đối tượng và địa bàn thành lập mô hình chỉ thực hiện ở những xã ĐBKK, thôn/xóm đặc biệt khó khăn.
Ba là, đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã ATK đã được thụ hưởng Dự án 8 ở năm đầu giai đoạn (năm 2022), trong trường hợp các xã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào các năm liền kề, chúng tôi đề nghị tiếp tục được thụ hưởng các hoạt động của Dự án 8 đến hết giai đoạn I (năm 2025).