Vận dụng tư tưởng của Người trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, suốt chặng đường lịch sử 63 năm xây dựng và phát triển, 57 năm kể từ ngày Bác đến thăm, các thế hệ lãnh đạo, giảng viên Trường Chính trị tỉnh luôn nỗ lực, cố gắng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; đặc biệt là học tập và vận dụng tư tưởng của Người về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm trong khuôn viên Nhà trường. Ảnh: Mạnh Hùng.

Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm trong khuôn viên Nhà trường. Ảnh: Mạnh Hùng.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hơn ai hết Người hiểu sâu sắc: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì vậy, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng công tác cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, trong đó nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chính là góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên tiền thân là Trường Đảng tỉnh, vinh dự và tự hào là Trường duy nhất trong hệ thống Trường Đảng cấp tỉnh của cả nước được Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Tối 31/12/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường. Tại đây Người căn dặn cán bộ, giảng viên, học viên: “Phải dạy tốt, học tốt, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi Đảng cần, tổ chức giao”. Thực hiện lời dạy của Người, các thế hệ lãnh đạo, giảng viên Trường Chính trị tỉnh luôn phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; nhất là học tập và vận dụng tư tưởng của Người về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhiều lớp cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được học tập, đào tạo, bồi dưỡng tại Trường đã phát huy tốt những kiến thức về lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo quản lý, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trên các cương vị công tác của mình.

Với chức năng, nhiệm vụ do Ban Bí thư Trung ương quy định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trường Chính trị tỉnh đặc biệt quan tâm và có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trong những năm qua, Nhà trường đã có nhiều đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ các giải pháp trong đào tạo, bồi dưỡng, như: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị trong công tác tuyển sinh, quản lý và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên; đánh giá khảo sát sau đào tạo, bồi dưỡng…

Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng và tương đương khóa 1 năm 2020 tại Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: Mạnh Hùng.

Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng và tương đương khóa 1 năm 2020 tại Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: Mạnh Hùng.

Hiện nay, Nhà trường có 33 giảng viên trên tổng số 44 công chức, viên chức, trong đó có 24 đồng chí trình độ thạc sĩ; 5 đồng chí đang học cao học; 2 đồng chí đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; 10 giảng viên chính, 24 đồng chí có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân, 9 đồng chí có trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Hằng năm, Nhà trường đều hoàn thành tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao.

Chỉ tính riêng 5 năm gần đây (2015-2019), Nhà trường đã mở 211 lớp với 14.350 lượt học viên, bao gồm nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Nhà trường đã hoàn thành 26 đề tài khoa học, trong đó có 1 đề tài khoa học cấp tỉnh, 25 đề tài khoa học cấp cơ sở và tổ chức hàng chục hội thảo khoa học cấp Trường; tham gia nhiều hội thảo khoa học cấp tỉnh và Trung ương; dự thi giảng viên giỏi toàn quốc đạt kết quả cao.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng của Người về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; không ngừng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thời gian tới Trường Chính trị tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Giải pháp quan trọng nhất là tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng của cán bộ, giảng viên. Bởi, đây là nhân tố quyết định đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài việc cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Nội vụ tổ chức, Nhà trường tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thao giảng, dự giờ, thi giảng viên giỏi cấp trường, toàn quốc; luân chuyển bài giảng; nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế…

Tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các đảng bộ, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để chủ động trong xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, đảm bảo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn. Đồng thời, từ thực tiễn để đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo từng loại hình, đối tượng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu người học.

Tăng cường công tác quản lý, đánh giá học viên, để học viên xác định đúng đắn động cơ, thái độ, ý thức trong học tập và rèn luyện. Học không phải chỉ để có bằng cấp, chứng chỉ mà học để làm việc, làm người, làm cán bộ.

Chú trọng xây dựng môi trường làm việc và học tập cho cán bộ, giảng viên, học viên. Nhà trường phải là một ngôi nhà chung đoàn kết, gắn bó, trong không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, để tất cả mọi người đều dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Giảng viên vừa là người thầy, vừa là đồng chí của học viên. Học viên có được môi trường học tập tốt, sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong học tập và rèn luyện.

Tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ khoa, phòng cũng như chi bộ học viên sinh hoạt tại Trường. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, để quy tụ, phát huy sức mạnh tập thể, vì mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có phẩm chất, năng lực, uy tín, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Th.s Nguyễn Thu Huyền Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/van-dung-tu-tuong-cua-nguoi-trong-dao-tao-boi-duong-can-bo-271292-97.html