Vận hành an toàn đập, hồ thủy điện
Trước dự báo mùa mưa lũ năm nay diễn biến phức tạp, khó lường, chủ đầu tư các đập, hồ thủy điện đã chủ động phương án, chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống bão lũ và tăng cường kiểm tra các hồ đập, kịp thời xử lý trước các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du.
Nhà máy Thủy điện Mường Hum có công suất thiết kế 32MW, nằm trên lưu vực Ngòi Phát, nơi có 5 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động, do vậy việc đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa luôn được chú trọng. Ông Lê Xuân Hợp, phụ trách kỹ thuật Nhà máy Thủy điện Mường Hum cho biết: Trong mùa mưa lũ, nhà máy luôn bố trí lực lượng bảo vệ 24/24 giờ, kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến an toàn hồ đập để xử lý và thông tin cho các nhà máy thủy điện phía hạ lưu theo quy chế phối hợp, đảm bảo an toàn cho liên hồ chứa.
Tại Nhà máy Thủy điện Vĩnh Hà, phương án ứng phó với thiên tai được xây dựng và cơ quan chức năng phê duyệt. Đây là nhà máy lớn thứ 2 trên lưu vực sông Chảy tại Lào Cai đã đi vào hoạt động. Mặc dù sử dụng công nghệ cột nước thấp, diện tích lòng hồ không lớn nhưng do các nhà máy thủy điện ở các bậc thang thượng nguồn đang trong giai đoạn xây dựng nên lưu lượng nước vào mùa lũ rất khó lường.
Ông Nguyễn Hữu Hát, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Vĩnh Hà cho biết: Bên cạnh việc chủ động các phương án đối phó với các tình huống có thể xảy ra, đơn vị thường xuyên bảo dưỡng các thiết bị, máy móc để vận hành an toàn liên tục trong mùa mưa lũ. Đồng thời, duy trì trao đổi thông tin với chính quyền địa phương khu vực hạ du để đảm bảo an toàn về người và tài sản khi tiến hành xả lũ.
Toàn tỉnh hiện có 58 nhà máy hoàn thành phát điện hòa lưới quốc gia với tổng công suất lắp máy 941,75 MW. Sản lượng điện phát đạt 1.217 triệu kWh. Trước diễn biến phức tạp của mùa mưa năm nay, Sở Công thương đã có văn bản chỉ đạo chủ đầu tư các dự án thủy điện tăng cường công tác quản lý, vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy điện và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với thiên tai.
Theo đó, Sở Công thương yêu cầu chủ đầu tư các dự án thủy điện bố trí cán bộ trực 24/24h để theo dõi, ghi chép bản tin dự báo thời tiết, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin tình hình mưa lũ với chính quyền địa phương các cấp, chủ đập hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi trên cùng lưu vực.
Đối với các dự án đang triển khai thi công, rà soát nơi ở và nơi làm việc của các ban quản lý và nhà thầu thi công, nếu có lán trại hay nhà gần bờ sông, suối, vách đất, đá có nguy cơ sạt lở phải di chuyển ngay đến nơi ở mới đảm bảo an toàn. Tổ chức triển khai theo phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công xây dựng đã được phê duyệt.
Đối với các dự án thủy điện đã hoàn thành, phải vận hành đập, hồ chứa nước theo đúng quy trình vận hành hồ chứa nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là công tác cảnh báo, thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương, người dân vùng hạ du khi lũ tràn qua hoặc vận hành cửa van xả lũ. Tính toán tháo nước đệm, hạ bớt mực nước hồ. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị vận hành đập, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho vùng hạ du đập. Cập nhật đầy đủ thông tin thủy văn, vận hành hồ chứa thủy điện.
Ông Phan Văn Cương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhằm nâng cao trách nhiệm của các nhà máy thủy điện, sở cùng với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn hồ đập và phối hợp vận hành. Qua kiểm tra, đa số nhà máy thủy điện đã chấp hành đúng quy định trong đầu tư xây dựng và quản lý công trình. Các chủ đầu tư chấp hành đúng quy trình vận hành hồ chứa, đăng ký an toàn hồ đập, kiểm định an toàn đập. Các đơn vị đã tổ chức quan trắc, thu thập thông tin, theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo lượng nước đến hồ, mực nước hồ, tính toán các phương án vận hành hồ chứa…