Vận hành chung hệ thống thông tin sau sáp nhập Thành phố Hồ Chí Minh

Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cùng hai Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương và Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh vừa ký Kế hoạch liên tịch phối hợp tổ chức vận hành các hệ thống thông tin của ba địa phương sau khi sáp nhập. Theo kế hoạch, các hệ thống sẽ được thử nghiệm trước và chính thức vận hành từ ngày 1/9.

Đại diện lãnh đạo Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghi thức ra mắt "Ứng dụng công dân số".

Đại diện lãnh đạo Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghi thức ra mắt "Ứng dụng công dân số".

Mục tiêu của kế hoạch là nhằm bảo đảm công tác vận hành các hệ thống thông tin của ba tỉnh, thành phố sau khi hợp nhất được thông suốt, không ảnh hưởng đến việc xử lý công việc của cán bộ, công chức. Đồng thời, bảo đảm người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan có thể truy cập, khai thác các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trên một giao diện thống nhất, đồng bộ, dễ sử dụng và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo mật dữ liệu.

Ưu tiên các hệ thống thông tin thiết yếu

Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết: Việc hợp nhất hệ thống thông tin của ba địa phương sau khi sáp nhập có lợi thế là sớm nhận được sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; từ đó, Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo sớm triển khai. Đây là sự chủ động của thành phố trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 57-NQ/TW. Lợi thế của thành phố là có hệ thống hạ tầng được đầu tư bài bản, toàn diện trong nhiều năm qua, gồm: Hạ tầng viễn thông, nền tảng số, dữ liệu… nhờ đó kết nối được thuận tiện. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thông tin của thành phố có trình độ chuyên môn tốt cho nên phối hợp với nhau rất nhịp nhàng.

Theo kế hoạch, công tác triển khai tổ chức vận hành các hệ thống thông tin của ba địa phương được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, ưu tiên các hệ thống thông tin thiết yếu như: Hội nghị truyền hình trực tuyến, quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, thư điện tử công vụ, hệ thống 1022, chữ ký số, mã định danh điện tử và cổng thông tin điện tử. Về nhiệm vụ, Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chủ trì khảo sát hiện trạng hệ thống hội nghị trực tuyến tại ba địa phương trước ngày 15/5 và đề xuất giải pháp kết nối để hình thành hệ thống chung vận hành thông suốt.

Tương tự, hệ thống quản lý văn bản điều hành sẽ được khảo sát và triển khai thử nghiệm tại các sở, ban, ngành, các phường, xã mới tại ba địa bàn trước ngày 15/6. Đến ngày 1/9, các hệ thống này sẽ được vận hành chính thức sau khi hoàn tất tập huấn, truyền thông.

Đối với hạ tầng công nghệ thông tin ba đơn vị, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ cung cấp dữ liệu hiện trạng mạng truyền số liệu chuyên dùng và trung tâm dữ liệu trước ngày 20/5. Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp và đề xuất phương án kết nối, lưu trữ dữ liệu phù hợp, hoàn thành vào tháng 8/2025. Các cổng thông tin điện tử và hệ thống đăng nhập một lần (SSO) cũng được đồng bộ hóa trước ngày 30/5, bảo đảm người dân, doanh nghiệp truy cập dễ dàng trên một nền tảng thống nhất.

Trong giai đoạn 2, các đơn vị sẽ tập trung xây dựng phương án quản trị và vận hành hệ thống thông tin trên nền tảng số sau khi hợp nhất. Nội dung bao gồm: Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, xây dựng phương án triển khai hệ thống từ cấp sở xuống phường, xã và đặc khu, bảo đảm tuân thủ theo Chiến lược quản trị dữ liệu thành phố, với mục tiêu hoàn thành trước tháng 12/2025.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Kế hoạch liên tịch về phối hợp tổ chức vận hành các hệ thống thông tin của ba địa phương được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống hành chính hiện đại, thống nhất và hiệu quả sau hợp nhất, giúp ứng dụng tối đa công nghệ trong hoạt động điều hành, giảm tình trạng quá tải công việc và tăng hiệu quả làm việc từ xa.

Để kế hoạch được triển khai hiệu quả, các đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ cụ thể, cùng với sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các giải pháp về khảo sát, thử nghiệm và truyền thông. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò đầu mối, chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, tổ chức họp định kỳ hằng tháng để tháo gỡ khó khăn và tham mưu các chính sách liên quan đến mã định danh và chữ ký số. Đơn vị cũng phối hợp cùng Ban Cơ yếu Chính phủ để tiếp nhận quy trình cung cấp dịch vụ chữ ký số, bảo đảm hoàn thành trong tháng 5/2025.

Sở Khoa học và Công nghệ hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiệm vụ cung cấp dữ liệu hiện trạng hạ tầng, danh sách cán bộ, công chức và các đơn vị hành chính mới ngay sau khi được hội đồng nhân dân thông qua; thực hiện các nhiệm vụ được phân công và báo cáo khó khăn về Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý kịp thời.

Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ trì kỹ thuật, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nhóm nội dung, từ khảo sát hạ tầng đến triển khai các hệ thống thông tin. Cùng lúc, tài khoản thư điện tử công vụ, cấu hình hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, triển khai hệ thống 1022 và tổ chức tập huấn sử dụng. Đặc biệt, trung tâm bảo đảm các hệ thống vận hành chính thức từ ngày 1/9, sau khi hoàn tất thử nghiệm tại 15 phường, xã của ba địa phương. Về giải pháp kỹ thuật, kế hoạch nhấn mạnh việc khảo sát hiện trạng hạ tầng để đề xuất phương án kết nối tối ưu, bảo đảm tính liên thông giữa các hệ thống. Đồng thời, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn, nhằm bảo đảm người dân và cán bộ làm quen với các hệ thống mới.

Theo đồng chí Lâm Đình Thắng, để kế hoạch liên tịch về phối hợp tổ chức vận hành các hệ thống thông tin được triển khai và vận hành đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần có hỗ trợ trong việc điều phối, phối hợp nhanh các nền tảng số chuyên ngành, nhất là sự chia sẻ các dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành. Việc hợp nhất hệ thống thông tin của ba địa phương không chỉ là giải pháp về kỹ thuật mà còn là bước đi mang tính chiến lược trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Hệ thống thông tin hợp nhất này sẽ giúp tăng cường khả năng chia sẻ dữ liệu, giảm chồng chéo trong quản lý; đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.

NGUYÊN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/van-hanh-chung-he-thong-thong-tin-sau-sap-nhap-thanh-pho-ho-chi-minh-post878386.html