Vận hành tối đa công suất để lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân

Qua kiểm tra công tác lấy nước đợt 1 phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025 tại Nam Định và Hà Nam ngày 14/1, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, tổng nước để đổ ải cho vụ Đông Xuân này chắc chắn sẽ tăng so với mọi năm.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra việc lấy nước tại trạm bơm Như Trác, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra việc lấy nước tại trạm bơm Như Trác, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Các địa phương cần tập trung nguồn lực, vận hành tối đa công suất các công trình thủy lợi để lấy nước, đảm bảo cho thời vụ sản xuất.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, khác so với mọi năm gần đây là thời tiết năm nay rất hanh khô. Cả tháng qua khu vực Bắc Bộ không có mưa, do đó việc lấy nước của các địa phương sẽ khó khăn hơn và lượng nước sẽ tiêu tốn hơn so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, việc biến đổi lòng dẫn cũng như mực nước trên sông Hồng thấp hơn mọi năm, trước khi các nhà máy thủy điện điều tiết.

Đến ngày hôm nay (ngày 14/1 - ngày thứ 3 lấy nước), Cục Thủy lợi nhận thấy, các công trình thủy lợi đang thực hiện tốt, đúng theo kế hoạch lấy nước. Tuy nhiên, một số vùng còn khó khăn trong việc lấy nước như khu vực Hà Nam do mực nước thấp, khu vực Hải Dương và Hải Phòng do mặn…

“Việc lấy nước ở các địa phương ven biển cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn để chọn thời gian lấy nước phù hợp”, ông Nguyễn Hồng Khanh nhấn mạnh.

Nông dân chuẩn bị làm đất để gieo cấy lúa vụ Đông Xuân ở cánh đồng thôn Bối Hạ, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Nông dân chuẩn bị làm đất để gieo cấy lúa vụ Đông Xuân ở cánh đồng thôn Bối Hạ, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tỉnh Nam Định có 73.400 ha gieo cấy lúa. Trên cánh đồng Vang xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, Nam Định, bà Nguyễn Thị Kim Dung đang làm cỏ đầu bờ để cho máy lồng chạy. Bà Dung chia sẻ, gia đình bà có hơn 3.600 m2 sản xuất lúa. Năm nay, nước về sớm so với Tết Nguyên đán nên bà cũng như nhiều hộ dân khác có thời gian ra đồng làm cỏ đầu bờ, thuê máy móc làm đất sớm và gia cố bờ bao để giữ nước. Với nguồn nước được đổ ải, thời gian làm đất kỹ, bà cũng như các nông dân khác khá yên tâm để chờ lịch thời vụ gieo cấy.

Ông Trần Đức Việt, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cho biết, ngay trước khi lấy nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định đã chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi, thủy lợi cơ sở làm tốt việc nạo vét kênh mương để dẫn nước vào đồng ruộng. Đầu tháng 1/2015, các việc này đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo thông suốt việc dẫn nước từ công trình đầu mối đến đồng ruộng.

Địa phương cũng đã chỉ đạo nhập nước vào các kênh chìm khi có triều cường cuối tháng 12/2024, đầu tháng 1/2025. Nhờ vậy, đến nay địa phương đã có diện tích lấy đủ nước đạt khá cao với khoảng 46%, ông Trần Đức Việt chia sẻ.

Cùng Đoàn công tác kiểm tra, ông Nguyễn Văn Vương, Cục Trồng trọt cũng cho rằng, thời tiết hanh khô tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm đất ải. Tuy nhiên, việc lấy nước cho gieo cấy lại có những khó khăn nhất định vì lượng nước cho đổ ải sẽ tăng lên. Các địa phương đã rất chủ động vận động bà con tích cực ra đồng ruộng củng cố bờ bao bờ thửa để hạn chế việc thất thoát nước. Giữa 2 đợt lấy nước tương đối dài, các địa phương cần quan tâm đến việc trữ nước và giữ nước.

Trong tình hình nguồn nước khó khăn, ngay từ đầu vụ, Cục Trồng trọt đã khuyến cáo các địa phương rà soát diện tích gieo cấy, đặc biệt tại những vùng cao có nguy cơ không đảm bảo được nước có thể chuyển đổi sang cây trồng khác như rau màu, cây trồng cạn để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng trọt.

Vụ Đông Xuân năm nay dự kiến sẽ có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất. Nông dân cần tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bám sát lịch gieo cấy và cần tập trung cho trà Xuân muộn để tránh rét đậm, rét hại cũng như thời tiết bất lợi vào cuối vụ, ông Nguyễn Văn Vương khuyến cáo.

Trạm bơm Như Trác phục vụ nước tưới cho hơn 6.480 ha đất nông nghiệp của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trạm bơm Như Trác phục vụ nước tưới cho hơn 6.480 ha đất nông nghiệp của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cục Thủy lợi cho biết, đến 16h ngày 14/1, tổng diện tích có nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 119.178 ha, đạt 24,4% (tăng 5,9% so với ngày 13/1).

Cụ thể: Phú Thọ đạt 71,7% diện tích gieo cấy, Nam Định 46,6%, Ninh Bình 32,4%, Vĩnh Phúc 25,3%, Hà Nam 21,4%, Hà Nội 14,4%, Thái Bình 14,8%, Hưng Yên 9,8%, Hải Dương 9,6%, Hải Phòng 8,9%, Bắc Ninh 6,6%.

Mực nước thực đo trung bình ngày 14/1 (tính đến 15 giờ) tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt 1,53 m, cao nhất lúc 11 giờ đạt 1,95 m.

Với dòng chảy được bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, các công trình thủy lợi đã được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đủ điều kiện để vận hành lấy nước. Xâm nhập mặn thực đo ngày 14/1 tại một số vị trí cống lấy nước cách cửa sông khoảng 28 - 30 km trên các sông Thái Bình và Văn Úc lớn nhất đạt từ 0,7 - 4,1 phần nghìn; độ mặn trên 1 phần nghìn duy trì từ 3 - 4 giờ trong thời gian đỉnh triều nên một số công trình thủy lợi chưa đủ điều kiện vận hành.

Xâm nhập mặn đang ảnh hưởng đến khả năng lấy nước ngược của Hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, các cống Cầu Xe, An Thổ chưa thể vận hành do độ mặn tăng cao. Các địa phương vùng ven biển đã lợi dụng lúc thủy triều cao vận hành lấy nước khi điều kiện độ mặn cho phép.

Bích Hồng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/van-hanh-toi-da-cong-suat-de-lay-nuoc-do-ai-vu-dong-xuan-20250114173423841.htm