Văn Hậu thất bại ở Heerenveen: Thêm một bài học cho bóng đá Việt Nam
Văn Hậu có nhiều tố chất để thành công ở châu Âu, nhưng cuối cùng vẫn thất bại và bóng đá Việt Nam nhận thêm bài học nữa trong việc xuất khẩu cầu thủ.
Chuyến “du học” thất bại của Văn Hậu
Văn Hậu đầu quân cho SC Heerenveen ở kỳ chuyển nhượng mùa hè 2019 theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 1 năm. Hậu được BLV Quang Huy và giới chuyên môn nhận định, hội tụ nhiều yếu tố từ thể hình, thể lực, kỹ chiến thuật để thành công ở trời Âu.
Mặc dù không ngừng học hỏi và chăm chỉ tập luyện, nhưng sau một mùa giải khoác áo SC Heerenveen, Hậu được ra sân vỏn vẹn 4 phút ở Cúp Quốc gia Hà Lan. Do dịch Covid-19 nên giải VĐQG Hà Lan phải kết thúc sớm nên cầu thủ quê Thái Bình không được ra sân thi đấu phút nào.
Đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân cướp đi cơ hội được hít thở bầu không khí ở sân chơi cao nhất Hà Lan của Văn Hậu. Đây là điều rất đáng tiếc cho Văn Hậu nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trình độ của Văn Hậu vẫn còn kém xa những cầu thủ trong đội hình của SC Heerenveen chứ chưa nói gì đến mặt bằng chung của giải VĐQG Hà Lan, nơi có nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới thi đấu. Bản thân Hậu dù rất nỗ lực tập luyện, nhưng vẫn không mang đến sự yên tâm và tin tưởng cho BHL.
Một trong những lý do Văn Hậu không được trọng dụng là tuyển thủ Việt Nam gia nhập SC Heerenveen vào những ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng mùa hè 2019. Bởi vậy, anh không có thời gian để du đấu cùng đồng đội trước thềm mùa giải nên huấn luyện viên không muốn mạo hiểm.
Thứ nữa là về ngôn ngữ, Hậu không thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, tiếng Hà Lan với đồng đội và huấn luyện viên nên anh gặp vấn đề trong việc tiếp thu bài học, ý đồ chiến thuật của đội nhà.
Không đóng góp được nhiều về mặt chuyên môn, nhưng lại hưởng lương cao ở đội bóng, cộng với việc Hà Nội FC cùng với SC Heerenveen không tìm được tiếng nói chung nên Văn Hậu phải về Việt Nam sau một năm du học trên đất Hà Lan.
Thêm một bài học cho bóng đá Việt Nam
Sau Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường thì đến lượt Văn Hậu thất bại trong việc chứng minh năng lực ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Vậy điểm chung trong thất bại của HAGL và Hà Nội FC trong việc xuất khẩu cầu thủ là gì?.
Thứ nhất, đó là bài toán định hướng. Những cầu thủ kể trên được xuất ngoại đều theo hợp đồng cho mượn, ý nghĩa của nó là giúp cầu thủ trau dồi kinh nghiệm và thứ hai là chào hàng, nếu thi đấu tốt, hợp môi trường sẽ được bán đứt. Đây là cách kiếm tiền mà những đội bóng lớn trên thế giới, điển hình như Real Madrid hay làm.
Real Madrid luôn biết tìm những câu lạc bộ phù hợp để cho các cầu thủ của mình rèn nghề. Hakimi không thể cạnh tranh suất đá chính ở Bernabeu nên được Real Madrid cho sang Dortmund mượn 2 năm. Ở môi trường phù hợp, cầu thủ người Ma-Rốc lớn nhanh như thổi, liên tục tỏa sáng để trở thành trụ cột của Dortmund.
Sau 2 năm du học, Hakimi về Real Madrid và ngay lập tức đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha nhận được lời đề nghị hấp dẫn từ Inter Milan. Los Blancos đã bán hậu vệ của mình để thu về số tiền 40 triệu euro.
Vị thế của HAGL và Hà Nội FC tất nhiên không thể so sánh với Real Madrid, nhưng họ có quyền để chọn những câu lạc bộ phù hợp cho “gà nòi” của mình. Tiếc rằng, hai đội bóng này lại không làm được.
Công Phượng được đến Nhật Bản, sang Hàn Quốc rồi tới tận Bỉ, nhưng các đội bóng mà Phượng đầu quân đều là những CLB thuộc dạng trung bình yếu ở những giải đấu của họ. Các đội bóng này cũng không có nền tài chính dư dả. Họ ký hợp đồng với Công Phượng với mục đích thương mại là chính.
Xuân Trường hay Văn Hậu cũng vậy, đều là những “món hàng” để các câu lạc bộ như Incheon United, Gangwon FC và SC Heerenveen kiếm tiền, thu hút tài trợ từ các đối tác ở Việt Nam.
Bóng đá là môn thể thao tập thể, không có công thức nào để giúp các đội bóng chắc chắn thành công. Không phải cứ có 11 vị trí giỏi, không phải cứ đá giỏi ở cấp câu lạc bộ thì lên tuyển sẽ chơi tốt và ngược lại.
Về cơ bản, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Hậu đều là những sản phẩm tốt của bóng đá Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, do bị coi là hợp đồng… thương mại, không được tạo điều kiện nên những chuyến du học của những cầu thủ này đều thất bại.
Nhìn sang Thái Lan, các câu lạc bộ của họ nhắm đến thị trường Nhật Bản. Do đó, những cầu thủ của xứ sở chùa vàng đều hòa nhập và chơi rất tốt ở J-League. Chanathip Songkrasin hay Theerathon Bunmathan là minh chứng rõ nhất.
Hàn Quốc, Nhật Bản cũng vậy, dù là nền bóng đá phát triển ở châu lục, nhưng khi xuất khẩu cầu thủ, họ cũng để sản phẩm của mình chào hàng ở Áo, Nga, Bỉ…. để tìm chỗ đứng ở châu Âu rồi sau đó mới đến các thị trường lớn hơn như Hà Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh.
Trở lại với những trường hợp ở Việt Nam, bên cạnh việc thiếu định hướng từ CLB thì các cầu thủ của chúng ta cũng chưa thể định hướng cho bản thân mình. Khi được xuất ngoại là “nhắm mắt đưa chân” mà không cân nhắc xem đội bóng đó như thế nào, có phù hợp với lối chơi của mình hay không.
Ví dụ như Erling Haaland cầu thủ được Real Madrid, Man Utd, Man City theo đuổi ở kỳ chuyển nhượng tháng 1/2020, nhưng đã thẳng thừng từ chối để gia nhập Dortmund. Khi được hỏi về lý do gia nhập Dortmund, Erling Haaland nói: “Tôi thích toàn bộ đội bóng, lịch sử, con người trong CLB và cách họ điều hành nó. Tôi quyết định Dortmund là lựa chọn tốt nhất cho bản thân mình”.
Sự lựa chọn của Erling Haaland là hoàn tình chính xác, anh được trọng dụng ở Dortmund và ngay lập tức tỏa sáng. Cầu thủ này ghi 16 bàn thắng, 6 kiến tạo sau 14 trận ra sân ở Bundesliga, thiết lập nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu ở sân chơi này.
Nói như vậy để thấy rằng, việc thành công hay thất bại khi chơi bóng ở nước ngoài phụ thuộc rất nhiều vào bản thân của các cầu thủ. Ngoài tài năng thì việc tự định hướng cho tương lai cũng rất quan trọng. Nếu không có yếu tố này thì dù được tạo điều kiện như thế nào đi chăng nữa cũng khó thành công.
Hy vọng rằng, những thất bại của HAGL, Hà Nội FC trong việc xuất khẩu cầu thủ, những nỗi đau từ các chuyến du học của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường và Văn Hậu sẽ là bài học bổ ích cho bóng đá Việt Nam, để trong thời gian tới, chúng ta có định hướng rõ ràng hơn nữa trong việc đào tạo, phát triển cầu thủ để phục vụ cho xuất khẩu, đồng thời nâng tầm bóng đá Việt Nam./.