Vân Hồ chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, huyện Vân Hồ đã tập trung triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Huyện Vân Hồ có 119 bản thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 90 bản đặc biệt khó khăn. Thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, huyện triển khai kịp thời, hiệu quả Chương trình 135 và các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ nghèo và người có uy tín. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Hồ, cho biết: Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế của từng vùng và nhu cầu của người dân, huyện đã triển khai các chương trình, chính sách, dự án đến người dân được hưởng lợi, đảm bảo đúng đối tượng, đủ số lượng, công khai, minh bạch. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, phân bổ chi tiết vốn thực hiện các chương trình, chính sách về hỗ trợ trực tiếp cho người dân nghèo vùng khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Vân Hồ hỗ trợ đầu tư xây dựng 15 công trình giao thông, giáo dục, nhà văn hóa, nước sinh hoạt; hỗ trợ hơn 5,1 tỷ đồng sửa chữa 3 công trình giao thông tới khu sản xuất cho các bản đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Xuân, Tân Xuân, Song Khủa; hỗ trợ hơn 58.273 cây giống ăn quả cho 419 hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các xã vùng 3, xã biên giới, xã vùng 2 có bản đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng xây dựng 5 nhà văn hóa bản tại các xã Quang Minh, Suối Bàng, Mường Tè, Chiềng Yên; hỗ trợ tập huấn, học tập kinh nghiệm, phục dựng lễ hội truyền thống; cấp bồn chứa nước sinh hoạt cho 90 hộ DTTS nghèo tại các xã Mường Tè, Chiềng Yên với tổng kinh phí 140 triệu đồng.
Xuân Nha là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Vân Hồ, có 8 bản hầu hết là đồng bào DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42,35%. Từ năm 2020 đến nay, hơn 250 hộ nghèo DTTS được hỗ trợ sinh kế phát triển sản xuất, với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Bà Đinh Thị Thu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhiều hộ DTTS đã cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao; đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Chương trình 135 hỗ trợ gần 600 cây xoài Đài Loan cho 46 hộ nghèo, cận nghèo tại bản Thín, Pù Lầu, Chiềng Hin; Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh đã tạo điều kiện cho 5 hội viên vay 500 triệu đồng với lãi suất thấp, để triển khai 5 mô hình nuôi bò nhốt chuồng tại bản Nà An, với 30 con bò giống và xây dựng hệ thống tưới ẩm trên diện tích trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, và đóng góp của người dân, đến nay có 9,3 km đường nội bản, liên bản được bê tông, 4 nhà văn hóa bản được tu sửa, xây dựng mới; hoàn thành 2 công trình thủy lợi kiên cố tại bản Pù Lầu, Chiềng Nưa.
Anh Mùi Văn Xuân, bản Thín, xã Xuân Nha, chia sẻ: Sau khi được nhà nước hỗ trợ cho đi tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế, gia đình đã vay hơn 100 triệu đồng từ ngân hàng và người thân để sản xuất hơn 5 ha cây ăn quả, trung bình mỗi năm thu hoạch hơn 30 tấn quả các loại, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, tôi còn vận động nhiều hộ trong bản cùng cải tạo vườn xoài, nhãn giống cũ đã thoái hóa, ghép giống mới năng suất, chất lượng cao hơn.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và gương sản xuất, kinh doanh giỏi xuất hiện như chăn nuôi bò sinh sản tại các xã Tân Xuân, Quang Minh, Chiềng Yên; canh tác các loại cây có múi ở Chiềng Khoa, Mường Men; dọc quốc lộ 6 đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả, rau hoa chất lượng cao; huyện có 3/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 26%.
Cùng với tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Vân Hồ tập trung huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng KT-XH, tạo bước chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.