Vân Hồ phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ
Thời gian qua, huyện Vân Hồ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ để tạo sản phẩm nông sản sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, tăng giá trị và sức cạnh tranh, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Huyện Vân Hồ hiện có 1.361 ha rau, củ quả các loại; 1.310 ha chè cung cấp cho các nhà máy chế biến. Trong đó, trên 300 ha rau và 30 ha chè sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Những diện tích này tập trung tại các bản Suối Lìn, Hang Trùng 1, Hang Trùng 2, Bó Nhàng, Chiềng Đi 1 và Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ.
Ông Nguyễn Quang Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích nông nghiệp, đảm bảo môi trường, huyện đang hướng người dân, các hợp tác xã, công ty sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch; quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tập huấn kỹ thuật cho nông dân; tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, vi sinh trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ, để tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, phát triển các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi bền vững, để nông sản hữu cơ trở thành thế mạnh và thương hiệu của địa phương.
Đến bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, thăm quan khu nhà lưới rộng 600 m² của gia đình chị Bàn Thị Thu, chị chia sẻ: Do mùa đông ở đây nhiệt độ xuống thấp và hay có sương muối, nên gia đình tôi quyết định làm nhà vườn có khung sắt kiên cố, xung quanh che kín lưới, trên lợp mái nhựa dẻo để sản xuất các loại cây rau vụ đông. Đây là dự án đầu tư trang trại trồng rau sạch chất lượng cao do UBND huyện Vân Hồ hỗ trợ, tổng chi phí làm nhà lưới là 280 triệu đồng, gia đình chỉ bỏ ra 140 triệu đồng. Trồng rau trong nhà lưới hiệu quả hơn nhiều so với trồng rau ở ngoài trời, hiện tôi đang trồng rau cải, cải xoăn Nhật Bản, bí ngồi, dưa chuột. Do trồng trong nhà lưới nên có thể điều chỉnh được nhiệt độ, chủ động trước diễn biến phức tạp của thời tiết, kiểm soát được các loại sâu bệnh gây hại. Sau một năm trồng rau trong nhà lưới, tôi đã thu hoạch được hơn 10 lứa, trừ chi phí thu được 120-150 triệu đồng, thu nhập ổn định nên cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá.
Tại Công ty cổ phần chè Chiềng Đi, sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch được thực hiện trong quy trình khép kín, từ chăm sóc, thu hái, chế biến để tạo ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Anh Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty đang liên kết sản xuất với 95 hộ trồng chè, có diện tích trên 30 ha. Công ty bảo đảm việc cung cấp vật tư, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch. Điều đặc biệt của loại chè này là trước khi thu hoạch, những cây chè phải được phủ kín lưới đen để tránh mưa hay nắng quá nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng. Nếu là chè trồng tự nhiên thì khi thu hoạch có giá khoảng 4.000-5.000 đồng/kg chè búp tươi, nhưng nếu được chăm sóc theo tiêu chuẩn, thì có giá thu mua cao gấp 4-5 lần. Hiện sản phẩm chè của Công ty gồm: Matcha, Sencha, chè xanh hữu cơ... được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; trung bình mỗi năm Công ty xuất khẩu khoảng 300 tấn chè, doanh thu đạt 25-30 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.
Để từng bước đưa huyện Vân Hồ trở thành một trong những huyện đi đầu về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và phát triển công nghiệp chế biến, thời gian tới, huyện tiếp tục vận động nhân dân đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nhất là cây ăn quả, rau an toàn để cung cấp nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, công ty trên địa bàn; tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.