Vân Hồ tập trung khắc phục hậu quả sau ảnh hưởng bão số 3

Từ ngày 7-10/9, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Vân Hồ xảy ra mưa lớn gây sạt lở nhiều tuyến đường, gần 130 hộ dân bị thiệt hại về nhà ở cùng nhiều công trình điện lưới, viễn thông, giáo dục… Huyện Vân Hồ đang tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Bản Nà Sàng, xã Chiềng Xuân, là một trong những địa bàn bị thiệt hại nặng nhất của huyện Vân Hồ trong đợt mưa lũ lần này. Rạng sáng 8/9, mưa lớn kéo dài khiến nước từ suối Vã dâng cao thành lũ, tràn xuống khu vực giữa bản, kèm theo sạt lở khiến nhà ở của 12 hộ dân bị vùi trong đất đá, cuốn trôi hơn 10 ha hoa màu.

Khu vực trung tâm bản Nà Sàng, xã Chiềng Xuân, sau lũ quét.

Khu vực trung tâm bản Nà Sàng, xã Chiềng Xuân, sau lũ quét.

Kinh doanh tạp hóa gần bờ suối, cửa hàng của ông Vì Văn Tuân bị lũ làm hư hỏng toàn bộ căn nhà và cuốn trôi nhiều tài sản, rất may không có thiệt hại về người. Ông Tuân nhớ lại: Đêm 7/9, thấy trời mưa to nên tôi đưa cả gia đình lên nhà trên ngủ, đến khoảng 5 giờ sáng ngày hôm sau thì nghe tiếng nước đổ ầm ầm, nhiều người la hét, chạy ra xem thì thấy nước lũ chảy cuồn cuộn giữa bản, đất đá từ các mỏm đồi sạt lở tràn vào gầm sàn của nhiều nhà dân. May mắn là không có nhà nào bị đổ sập, nếu không hậu quả rất khó lường.

Nhân dân bản Nà Sàng giúp sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình bị ảnh hưởng do lũ.

Nhân dân bản Nà Sàng giúp sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình bị ảnh hưởng do lũ.

Trong đợt mưa lũ từ ngày 7-10/9, trên địa bàn xã Chiềng Xuân có 17 hộ dân tại 2 bản Nậm Dên và Nà Sàng bị thiệt hại về nhà ở, cùng với hơn 15 ha hoa màu, ao cá bị vùi lấp; khoảng 20 vị trí trên tỉnh lộ 102 cùng nhiều công trình nước sinh hoạt, thủy lợi, cột điện bị hư hỏng. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, công tác ứng cứu, hỗ trợ nhân dân và khắc phục thiệt hại đã được xã Chiềng Xuân khẩn trương triển khai theo tinh thần “bốn tại chỗ”.

Nhân dân bản Nà Sàng hỗ trợ dọn dẹp đất đá cho hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Nhân dân bản Nà Sàng hỗ trợ dọn dẹp đất đá cho hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Ông Mùi Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Xuân, thông tin: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ triển khai công tác hỗ trợ di dời các hộ gia đình, đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn; huy động các lực lượng công an, Quân sự và các đoàn thể dọn dẹp, xử lý đất đá tại các khu vực bị ảnh hưởng; chốt chặn các điểm nguy cơ sạt lở cao. Đến nay, công tác khắc phục vẫn đang được thực hiện, các hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ cơ bản ổn định cuộc sống. Ngoài ra, các điểm sạt lở trên tỉnh lộ 102 cũng đã được đơn vị quản lý triển khai phương tiện máy móc thi công, khắc phục, đảm bảo lưu thông an toàn.

Điểm trường tiểu học và nhiều hộ dân bản Co Tang, xã Lóng Luông ngập sâu trong nước.

Điểm trường tiểu học và nhiều hộ dân bản Co Tang, xã Lóng Luông ngập sâu trong nước.

Tại xã Lóng Luông, mưa lớn trong hai ngày 7 và 8/9 đã khiến khu vực đầu bản Co Tang bị ngập sâu trong nước, trong đó có một điểm trường tiểu học, 4 hộ dân và hơn 5.000 m2 hoa màu, tuyến đường giao thông từ bản ra quốc lộ 6 bị cắt đứt. Hiện nay đã hết mưa, tuy nhiên mực nước ngập tại khu vực này vẫn còn khá sâu, từ 1.5-2 m.

Người dân bản Co Tang sử dụng bè để di chuyển tạm thời .

Người dân bản Co Tang sử dụng bè để di chuyển tạm thời .

Ông Sồng A Của, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Co Tang chia sẻ: Ngay trong đêm 7/9, khi nước bắt đầu dâng, Ban quản lý bản đã huy động các lực lượng tại chỗ triển khai ứng cứu, hỗ trợ điểm trường và các hộ dân di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn; các em học sinh được bố trí học tạm tại điểm trường mầm non của bản, đảm bảo an toàn và tiến độ năm học; bản cũng đã làm một chiếc bè tạm để hỗ trợ người dân và các thầy cô giáo đi lại.

Các đơn vị thi công khắc phục điểm sạt lở tại Km 15+600, tỉnh lộ 101.

Các đơn vị thi công khắc phục điểm sạt lở tại Km 15+600, tỉnh lộ 101.

Ảnh hưởng do bão số 3 cũng khiến tuyến tỉnh lộ 101, từ xã Chiềng Khoa đến các xã Tô Múa, Mường Tè, Quang Minh bị sạt lở 13 điểm với khoảng 70.500m3 đất đá, gây hư hỏng mặt đường và nhiều công trình như tà luy dương, rãnh thoát nước, biển báo giao thông... Tại các điểm sạt lở, đơn vị quản lý và bảo trì đường bộ đã huy động thiết bị, máy móc khẩn trương đến hiện trường khắc phục, xử lý.

Ông Phạm Thanh Hải, Trưởng Ban điều hành Sơn La, Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại số 909, thông tin: Trong các điểm sạt lở thì vị trí Km 15+600 thuộc địa phận bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa bị thiệt hại nặng nhất với khoảng 30.000 m3 đất đá, vùi lấp gần 100 m mặt đường khiến giao thông ách tắc. Đơn vị đã huy động 4 máy xúc lớn làm việc nhiều tiếng liên tục, đến thời điểm hiện tại đã thông tuyến.

Hầu hết các điểm sạt lở trên các tuyến giao thông trên địa bàn huyện Vân Hồ đã cơ bản được khắc phục.

Hầu hết các điểm sạt lở trên các tuyến giao thông trên địa bàn huyện Vân Hồ đã cơ bản được khắc phục.

Tính đến hết ngày 12/9, mưa lũ trên địa bàn huyện Vân Hồ đã ảnh hưởng 13/14 xã, khiến 1 người chết; 128 nhà ở bị thiệt hại; 188 ha lúa và hoa màu bị ngập úng; vùi lấp; 7 trường học bị ảnh hưởng,... tổng thiệt hại gần 9,8 tỷ đồng. Ông Bùi Quang Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ cho biết: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã huy động nguồn lực hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại; đến nay, có 113/128 nhà đã được khắc phục, sửa chữa và ổn định đời sống, 15 nhà tại xã Mường Tè và Tân Xuân được bố trí ở tạm xen ghép. Đối với diện tích sản xuất bị ngập úng, sau khi nước rút, các xã đã chỉ đạo nhân dân khôi phục được 80%. Các trường học bị ảnh hưởng huy động giáo viên, nhân dân và phụ huynh dọn rửa vệ sinh, khơi thông cống rãnh, nạo vét bùn đất, sửa chữa các công trình, nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường.

Cán bộ, giáo viên và phụ huynh dọn dẹp vệ sinh điểm trường Pa Kha, trường Tiểu học Lóng Luông, sau lũ.

Cán bộ, giáo viên và phụ huynh dọn dẹp vệ sinh điểm trường Pa Kha, trường Tiểu học Lóng Luông, sau lũ.

Công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ vẫn đang được các địa phương và lực lượng huyện Vân Hồ tích cực thực hiện, đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất cho người dân trong thời gian sớm nhất. Dự báo trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, huyện Vân Hồ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã theo dõi sát tình hình thời tiết, nâng cao cảnh giác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chủ động các phương án phòng chống lũ bão, đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân.

Hoàng Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/van-ho-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-sau-anh-huong-bao-so-3-lH8SvE6Sg.html