Văn hóa ẩm thực tại các lễ hội truyền thống
Giới thiệu ẩm thực địa phương tại Lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Ảnh: THIÊN LÝ
Phú Yên có cả vùng núi, đồng bằng và vùng biển. Vì vậy, đời sống ẩm thực cũng rất đa dạng, phong phú, thể hiện nét văn hóa riêng biệt.
Bánh ít lá gai và những món ăn dân dã
Bên cạnh những món ăn mang hồn dân tộc như bánh chưng, bánh tét..., các lễ hội truyền thống ở Phú Yên còn có nhiều món ăn đặc trưng, trong đó có món bánh ít - một thứ bánh không thể thiếu khi tổ chức lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh công trạng to lớn của các nhân vật lịch sử như: Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương...
Từ hỗn hợp bột nếp, lá gai, dầu phụng, đường và dừa..., những người phụ nữ với bàn tay khéo léo đã tạo nên chiếc bánh ít mang hương vị hấp dẫn. Chị Đặng Thị Hà, một người dân ở xã An Hiệp, huyện Tuy An, chia sẻ: “Để làm bánh ít được ngon đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn. Lá chuối để gói bánh thường là lá chuối chát, vì nó có độ bền, dai và không bị rách như các loại lá chuối khác. Còn lá gai phải chọn lá mướt, không bị sâu, đem rửa sạch, luộc chín, để ráo nước rồi giã cho thật nhuyễn, mịn như bột...”.
Bột nếp trộn với bột lá gai, sau khi nấu chín có màu xanh thẫm, giống như bánh gai của miền Bắc. Nhưng người Phú Yên không cho một miếng mỡ vào nhân bánh như bánh gai. Nhân bánh ít được là bằng nhân dừa, đậu phụng hoặc được làm bằng đậu xanh. Không chỉ có vị dẻo thơm của nếp và lá gai, mà còn có vị béo của dừa, vị bùi của đậu xanh, đôi khi lại có mùi cay nồng của gừng tạo nên một cảm giác khoái khẩu không thể quên được. Theo chị Hà, hầu như người dân Phú Yên ai cũng biết bánh ít. Bánh này còn tượng trưng cho nét đẹp tâm hồn và sự khéo léo của người phụ nữ địa phương.
Cũng là món ăn truyền thống, những món ăn được đồng bào Ê Đê, Chăm hay Ba Na ở các huyện miền núi Phú Yên giới thiệu tại những ngày hội văn hóa lại khá dân dã, gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân. Những món ăn truyền thống này chủ yếu được chế biến từ các sản vật sẵn có của buôn làng. Trong cách chế biến, ở hầu hết các món ăn luôn có kèm các loại rau đặc trưng của núi rừng Phú Yên như: canh bồi, cá rô kho kiến vàng, canh lá sắn, lá sắn xào thịt bò...
Anh Bùi Văn Hiệp ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, cho biết: “Nhiều món ăn dân dã của người dân tộc thiểu số đã trở thành những món đặc sản, đậm đà hương vị núi rừng, được du khách ưa thích. Vào các ngày lễ hội văn hóa của buôn làng, những món ăn này hầu như lúc nào cũng có”.
Đưa ẩm thực trở thành nội dung chính của lễ hội
Bên cạnh các trò chơi dân gian, ẩm thực cũng là một trong những nét văn hóa đặc trưng tại các lễ hội truyền thống. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy nội dung ẩm thực tại lễ hội còn nhỏ, chủ yếu phục vụ lễ, chưa có sự tham gia của cộng đồng. Nhiều lễ hội còn chưa có nội dung ẩm thực; mà chủ yếu người dân tự phát để phục vụ du khách, đa phần là các gian hàng nhỏ, bày bán các món ăn vặt, nhất là phục vụ giới trẻ.
Các món ẩm thực truyền thống, đặc sản của địa phương nói riêng và Phú Yên nói chung chưa được quan tâm và phát huy. Nhiều lễ hội, việc bày bán giải khát, ăn vặt, bánh trái, nấu nướng chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến mỹ quan, văn hóa ngày hội và làm mất sự trang nghiêm của lễ hội.
Ông Lương Công Trình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Hòa, cho biết: “Đưa ẩm thực trở thành một trong những nội dung chính của các lễ hội truyền thống cũng là dịp để các đơn vị, cá nhân tiếp cận, học hỏi, nâng cao khả năng chế biến, làm phong phú thêm ẩm thực địa phương và mở ra cơ hội để làm nghề, kinh doanh ẩm thực nâng cao đời sống cho người dân và thu hút du khách. Vì vậy, hướng dẫn, giúp người dân đăng ký tham gia, tổ chức thử nghiệm gian hàng ẩm thực các món bánh quê cũng là một trong những giải pháp tạo sự hấp dẫn cho ẩm thực lễ hội truyền thống”.
Theo ông Lê Ngọc Minh, Phó Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL), để ẩm thực phục vụ tại lễ hội truyền thống thêm phần hấp dẫn, ban tổ chức các lễ hội cần có sơ đồ, vị trí dành cho người tham gia bày bán ẩm thực tại không gian lễ hội; có nội quy, mẫu đăng ký bày bán món ăn, cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, văn hóa văn minh, hạn chế sự trùng lặp.
Bên cạnh đó, ban tổ chức có thể xây dựng mô hình gian hàng ẩm thực bằng chất liệu thân thiện, đơn giản mà thiết kế đẹp như: tre, gỗ, nứa... để người dân đăng ký tham gia nhằm phục vụ và hấp dẫn du khách, xây dựng nét đẹp ẩm thực tại lễ hội.
“Đối với du khách trong và ngoài địa phương, ban tổ chức cần có thông báo về nội dung ẩm thực để du khách biết và tham gia, như vậy lễ hội sẽ thu hút du khách ngày càng đông hơn. Có mẫu bình chọn dành cho các gian hàng ẩm thực để du khách, ban tổ chức bình chọn và kịp thời tuyên dương, động viên nhắc nhở khi bế mạc lễ hội”, ông Lê Ngọc Minh nói.
Bên cạnh các trò chơi dân gian, ẩm thực cũng là một trong những nét văn hóa đặc trưng tại các lễ hội truyền thống của địa phương được tổ chức hàng năm. Ẩm thực phản ánh sinh động đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng về văn hóa vùng miền ở Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đưa nội dung ẩm thực trở thành một trong những nội dung chính của các lễ hội truyền thống cũng là dịp để các đơn vị, cá nhân tiếp cận, học hỏi, nâng cao khả năng chế biến, làm phong phú thêm ẩm thực địa phương và mở ra cơ hội để làm nghề, kinh doanh ẩm thực nâng cao đời sống cho người dân và thu hút du khách...
Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Hòa Lương Công Trình