Văn hóa 'camp truyện' của giới trẻ

Khi thương mại điện tử nở rộ, độc giả đã có thể săn truyện phiên bản đặc biệt chỉ với vài thiết bị điện tử. Tuy nhiên, hình thức này cũng có những rủi ro nhất định.

 Lý Gia Bảo (19 tuổi) cosplay nhân vật Satoru Gojo trong một lần đi "săn" bản đặc biệt Chú thuật hồi chiến. Ảnh: Chí Hùng.

Lý Gia Bảo (19 tuổi) cosplay nhân vật Satoru Gojo trong một lần đi "săn" bản đặc biệt Chú thuật hồi chiến. Ảnh: Chí Hùng.

Đối với độc giả đam mê truyện tranh, việc săn sách truyện phiên bản giới hạn là những kỷ niệm đáng nhớ. Từ việc trải chiếu ngồi canh lúc tờ mờ sáng, cho tới khi cầm được quyển truyện trên tay, dòng cảm xúc chảy qua giống như chất dopamine lan tỏa trong cơ thể.

"Camp truyện" là từ quen thuộc của giới mê truyện tranh, chỉ việc đi đến hiệu sách nhận chỗ chờ mua bản đặc biệt, bản phát hành sớm. Dẫu vậy, thời đại thương mại điện tử dường như đã ít nhiều thay đổi điều này.

Những buổi săn truyện đáng nhớ

Nguyễn Ánh Dương (22 tuổi ở Hà Nội) kể lại kỷ niệm đáng nhớ khi đi săn tập mới của bộ truyện Chú thuật hồi chiến vào năm 2022. Dương và bạn mình đã đến nhà sách lớn từ lúc 7 giờ sáng, trong khi thời gian phát hành chính thức là 8 giờ.

“Hàng người dài kinh khủng và bọn mình đứng chờ cả tiếng”, Dương kể lại. Số lượng truyện có hạn khiến Dương lo lắng sẽ không kịp mua được. May mắn, cô chính là người cuối cùng nhận được cuốn truyện.

“Lúc cầm cuốn truyện trên tay mình sung sướng lắm, kiểu cảm thấy công sức mình bỏ ra đều xứng đáng”, Dương chia sẻ. Kinh nghiệm được Dương rút ra từ lần đi săn này là nên đến sớm từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng, mang theo nước và ô hoặc quạt, nhất là khi phải đứng chờ ngoài trời.

 Vào năm 2022, Bạn đọc xếp hàng trước gian hàng Nhà xuất bản Kim Đồng tại đường sách TP.HCM để mua tập mới truyện Chú thuật hồi chiến. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng.

Vào năm 2022, Bạn đọc xếp hàng trước gian hàng Nhà xuất bản Kim Đồng tại đường sách TP.HCM để mua tập mới truyện Chú thuật hồi chiến. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng.

Mai Ly (sinh viên 20 tuổi tại Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi đi săn truyện. Cô kể lại một lần đi từ hai giờ sáng ra nhà sách, mang theo thảm picnic để nằm chờ cùng nhóm bạn, chơi bài và game để giết thời gian.

“Có hôm trời mưa rất to, cả nhóm ngồi co ro một góc cho đỡ ướt người”, Mai Ly nhớ lại. Kinh nghiệm của Mai Ly là phải đi sớm, nếu ai có sức khỏe sẽ ngủ cả ngày để đêm đó thức trắng đợi nhà sách mở cửa. “Nên tự chuẩn bị số thứ tự để đỡ bị chen hàng với mấy người vô ý thức tới trễ,” độc giả Mai Ly chia sẻ thêm. Đi săn truyện là một trải nghiệm mệt mỏi, nhưng Ly vẫn thấy vui vì được chia sẻ đam mê với bạn bè.

Minh Anh (21 tuổi) cũng chia sẻ về sự vất vả trong lần đi săn bản đặc biệt của bộ truyện Naruto. Độc giả này cho biết mình và các bạn đã phải đứng chờ từ một giờ sáng đến sáu giờ sáng trong thời tiết nóng hầm hập của mùa hè. “Đi cùng hội bạn để bày trò cho đỡ chán chứ đi một mình khá buồn,” Minh Anh cho biết. Cô cũng nhấn mạnh rằng những người đi săn sách giới hạn nên mang theo nước và quạt nếu đi vào mùa hè, và thảm mềm để ngồi cho tiện.

Săn sách online cũng vất vả không kém

Trong thời đại số hóa, việc săn tìm các phiên bản truyện tranh đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử đã trở thành một trải nghiệm không thể thiếu đối với nhiều bạn trẻ. Những câu chuyện đầy hồi hộp và căng thẳng về việc săn truyện online được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng yêu sách.

Nguyễn Anh Thụy (23 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) kể lại kỷ niệm săn cuốn truyện Chú thuật hồi chiến bản đầu tiên. Dù không phải là phiên bản giới hạn, nhưng với tấm bìa đẹp mắt, cuốn truyện đã trở thành ấn phẩm đặc biệt trong mắt độc giả trẻ này.

Trước khi cuốn truyện được mở bán, bạn đọc Anh Thụy chia sẻ rằng mình và bạn cùng phòng phải đặt chuông báo thức để vào ứng dụng Shopee và Tiki ngay khi đơn vị bán mở nhận đơn.

Tuy nhiên, việc săn truyện không hề dễ dàng khi các trang web bị quá tải và nghẽn. “Cứ phải bấm mua đi mua lại, liên tục hiện thông báo sản phẩm này không tồn tại”, Anh Thụy nhớ lại. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực tận dụng tới 3-4 thiết bị truy cập, độc giả trẻ này và bạn cùng phòng đã may mắn mua được một cuốn truyện.

 Muôn kiểu lỗi trên sàn thương mại điện tử mà độc giả săn sách online có thể gặp phải.

Muôn kiểu lỗi trên sàn thương mại điện tử mà độc giả săn sách online có thể gặp phải.

“Ở nhà và săn online đỡ hơn nhiều so với việc phải xếp hàng từ sáng sớm nhưng cũng rủi ro hơn nhiều so với người đến mua trực tiếp. Vì vậy, các đơn vị kinh doanh có thể thêm các chính sách ưu đãi cho khách VIP giống các công ty trò chơi trực tuyến”, độc giả Anh Thụy chia sẻ.

Nguyễn Hồng Anh (24 tuổi, ngụ tại Hà Nội) cũng từng trải qua những khó khăn khi săn các phiên bản đặc biệt của Spy X FamilyHeartstopper. Bạn trẻ này cho rằng chỉ có 10-30 bản đặc biệt được ra mắt, nhưng số người tham gia mua lên đến vài trăm, dẫn đến việc gian hàng bị lỗi hiển thị.

“Việc săn truyện online là xu thế tất yếu khi mà việc săn truyện trực tiếp tại nhà sách từ sáng sớm có thể gây mất trật tự công cộng”, Hồng Anh nhận định. Bạn đọc này cũng gợi ý rằng nên kết hợp với các hình thức đổi thưởng, tích điểm để hấp dẫn người mua hàng hơn.

Từ câu chuyện săn truyện online của các bạn trẻ, có thể thấy mặt hàng này hoàn toàn có thể được biến đổi thành hình thức “deal hời”, “deal độc quyền” trong các phiên livestream bán sách trên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, các đơn vị kinh doanh có thể kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn.

Các chiêu trò như giá sốc, deal hời, và deal độc quyền không chỉ là những chiến lược tạm thời, mà chúng còn là những yếu tố cốt lõi giúp thu hút và giữ chân người xem. Khi người tiêu dùng biết rằng một deal chỉ tồn tại trong thời gian ngắn hoặc với số lượng hạn chế, họ sẽ cảm thấy áp lực phải mua ngay lập tức để không bỏ lỡ cơ hội.

Cảm giác FOMO này là một công cụ mạnh mẽ thúc đẩy quyết định mua hàng nhanh chóng, giúp gia tăng doanh số bán hàng trong thời gian ngắn.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/san-sach-gioi-han-thoi-thuong-mai-dien-tu-post1489039.html