Văn hóa công sở độc hại thúc đẩy làn sóng bỏ việc

Môi trường công sở độc hại bao gồm các yếu tố như cấp trên chèn ép, đồng nghiệp đấu đá, phân biệt đối xử, quấy rối tại nơi làm việc.

Các nhà tuyển dụng cố gắng giữ chân người lao động trong thời gian diễn ra làn sóng bỏ việc toàn cầu nên cân nhắc và có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa công ty, theo Bloomberg.

Theo phân tích từ 1,4 triệu lượt review trên Glassdoor - website cho phép người dùng đánh giá ẩn danh công ty và dựa trên 38 ngành nghề làm việc khác nhau tại Mỹ, văn hóa công sở độc hại (toxic workplace) là lý do khiến nhiều người bỏ việc nhất.

Quan trọng hơn mức lương, văn hóa công ty là yếu tố quyết định xem nhân viên có muốn gắn bó lâu dài. Minh họa: The Atlantic.

Quan trọng hơn mức lương, văn hóa công ty là yếu tố quyết định xem nhân viên có muốn gắn bó lâu dài. Minh họa: The Atlantic.

So với mức lương thưởng, văn hóa công ty có thể khiến một nhân sự quyết định tiếp tục làm việc hay không cao gấp 12,4 lần. Điều này đúng với người lao động ở vị trí làm việc trực tiếp với khách hàng lẫn người ở khối văn phòng, chuyên môn.

Công sở độc hại

Donald Sull, đồng sáng lập của CultureX, công ty phân tích đã thực hiện cuộc khảo sát được công bố vào hôm 11/1, cho biết: “Văn hóa công sở độc hại được định nghĩa bởi các yếu tố như lãnh đạo áp đặt, đè nén, đồng nghiệp chơi xấu nhau, môi trường làm việc tệ, tồn tại chuyện phân biệt đối xử hoặc quấy rối”.

Khảo sát của CultureX cho thấy tình trạng mất an toàn trong công việc, không công nhận hiệu suất của nhân viên và phản ứng kém với Covid-19 cũng là những yếu tố dự báo tỷ lệ bỏ việc cao.

Một nghiên cứu thị trường khác do công ty OC Tanner (Mỹ) thực hiện cho thấy 75% nhân viên tin rằng không đủ sự đồng cảm ở nơi làm việc và gần 80% nhân viên nghỉ việc vì không được đánh giá cao.

 Môi trường văn phòng độc hại khiến nhân viên không thoải mái, lâu dài dẫn đến kiệt sức nghề nghiệp. Ảnh: iStock.

Môi trường văn phòng độc hại khiến nhân viên không thoải mái, lâu dài dẫn đến kiệt sức nghề nghiệp. Ảnh: iStock.

Còn trong một nghiên cứu được Ernst & Young công bố vào tháng 10/2021 trên 1.000 nhân viên Mỹ, 49% trong đó nói rằng các nhà tuyển dụng không thông cảm với cuộc sống cá nhân của họ.

Các ngành lương thấp tại Mỹ, chẳng hạn như giải trí và khách sạn, đã và đang trải qua giai đoạn tỷ lệ bỏ việc cao nhất. Điều tương tự cũng xảy ra ở các ngành có mức lương cao như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Những người có thu nhập thấp cũng đã chứng kiến mức tăng lương lớn nhất trong 12 tháng qua, khiến các nhà kinh tế tin rằng nhiều người đang rời bỏ công việc của họ để tìm những nơi được trả lương cao hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn như Tesla trong lĩnh vực công nghệ và Netflix thuộc mảng giải trí có tỷ lệ nhân viên bỏ việc cao hơn các đối thủ trong ngành xuất phát từ guồng quay cạnh tranh khốc liệt tại đó.

“Khối lượng, yêu cầu công việc rất cao, đồng nghĩa với rất nhiều áp lực. Không phải ai trong bộ máy cũng có thể duy trì lâu dài với tốc độ đó”, ông Sull cho hay.

 Làn sóng bỏ việc tại Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng tuyển dụng. Ảnh: CNBC.

Làn sóng bỏ việc tại Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng tuyển dụng. Ảnh: CNBC.

"Cơn bão" nghỉ việc ồ ạt

Ở hướng ngược lại, điều giữ nhân sự gắn bó với công ty có thể kể đến như lịch trình làm việc cố định, khả năng phát triển công việc và sự công nhận.

Trong cuộc khủng hoảng tuyển dụng, sự đồng cảm của lãnh đạo có thể là biện pháp giữ chân nhân sự ở lại hoặc tìm kiếm nhân viên mới.

Các nghề nghiệp như nhân viên y tế, giáo viên hay quản lý cấp trung - những người thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người - càng đòi hỏi mức độ đồng cảm cao từ phía cấp trên.

Hậu đại dịch, làn sóng tự nguyện nghỉ việc (Great Resignation) bùng nổ ở nhiều nước. Tính trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 năm ngoái, số lượng bỏ việc tại Mỹ đạt con số kỷ lục 24 triệu người, theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Trên mạng xã hội, nhiều người không ngần ngại "khoe" chuyện mới bỏ việc, nói xấu công ty cũ và rủ những người khác nghỉ việc theo.

Các nước như Anh, Singapore cũng đối mặt với tình cảnh tương tự. Trong khảo sát của Chartered Management Institute, 45% các nhà quản lý tại Anh cho biết số nhân viên nộp đơn xin nghỉ từ tháng 4 đến tháng 12 năm ngoái cao hơn so với cùng kỳ năm 2019.

"Cơn bão nghỉ việc" ồ ạt ở Anh dự kiến còn diễn ra trong năm 2022.

Tại Singapore, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng tình nguyện bỏ việc, tín hiệu cho việc này đã xuất hiện.

Trong cuộc khảo sát People at Work 2021 của ADP, người lao động Singapore dự kiến tiếp tục làm cho doanh nghiệp hiện tại trung bình 3,35 năm, giảm so với 3,61 năm trước đó. Nhóm từ 25 đến 34 tuổi có mức giảm đáng kể nhất, từ 3,5 năm xuống 3,05 năm.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/van-hoa-cong-so-doc-hai-thuc-day-lan-song-bo-viec-post1289839.html