Văn hóa công vụ

Đề án VĂN HÓA CÔNG VỤ được chính phủ ban hành, có nhiều quy định cụ thể như : Cán bộ, công chức, viên chức không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc... Nếu đề án này thực sự thành công sẽ góp phần chấm dứt căn bệnh nhức nhối hiện nay đó là bệnh cửa quyền, hách dịch, thờ ơ, vô cảm và nói như người ta vẫn thường nói ' hành dân là chính'!

Ngay từ khi đất nước ta mới giành được độc lập, Bác Hồ đã nhắc nhở : Các cơ quan chính phủ toàn quốc đến các làng xã đều là công bộc của dân...Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh... Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta ...

Ông cha xưa có câu “Y phục xứng kỳ đức”, phần nào nói lên phần khái niệm “Văn hóa công vụ” mà chúng ta đang bàn hiện nay.

Ở đây, tôi chỉ xin được bàn một về một khía cạnh tưởng như chỉ là hình thức bên ngoài, nhưng thực ra nó biểu hiện văn hóa của con người với con người mà hàng ngày chúng ta đều đối mặt.
Đọc lại sử sách và xem những bộ phim cổ trang, chúng ta đều thấy các vị quan viên khi lên công đường hay đi tuần thú từ ăn mặc, đi đứng, nói, cười đều có khuôn phép, lễ nghĩa, không hề tùy tiện hay cẩu thả. Khi đã bước vào con đường công vụ dù chức to hay nhỏ gần như tất cả quan viên ai cũng phải học lễ, nghĩa, học đi, học đứng, học nói, học cười, hành xử sao cho thật chuẩn mực.

Một hình ảnh khi quan trên xuống kinh lý, ăn mặc luộm thuộm, tuềnh toàng, cẩu thả, ăn nói bỗ bã… với biện minh “cho quần chúng” “ cho gần dân” xem ra nó lại có tác dụng ngược lại.
Lại có trường hợp, quan xuống cơ sở, tiền hô, hậu ủng, xe ngựa rộn ràng… lại cũng lập ngôn: Quan ra quan, dân ra dân. Quan niệm ấy khiến dân kinh khiếp không dám “mở mồm” để nói đến dân chủ.

Vẫn còn đó hình ảnh, có vị lãnh đạo một địa phương tỏ ra sâu sát đã xuống thăm dân khi đang cấy ngoài đồng. Vị lãnh đạo ấy com-lê, cà vạt nguyên nếp; giày da bóng lộn, có người che ô khi trời chỉ mưa lâm thâm. Dân vẫn còng lưng cấy lúa. Quan nói quan nghe, việc dân dân làm.

Nhìn ra nhiều nước văn minh, phát triển trên thế giới vấn đề “Văn hóa công vụ” đã được người ta chuẩn hóa từ lâu. “Văn hóa” này lâu dần trở thành sự văn minh. Đừng nhìn thấy một ông tổng thống mặc quần Jin áo phông mà vội nghĩ: “Tây nó giản dị”. Nhầm! Họ biết, đối tượng mà họ tiếp xúc là ai để có trang phục như thế nào cho phù hợp. Trang phục đó là chất xúc tác để người truyền thông điệp và đối tượng tiếp nhận thông điệp hiểu, chia sẻ, đồng cảm một cách tốt nhất.

Thiển nghĩ, VĂN HÓA nói chung, VĂN HÓA CÔNG VỤ nói riêng là một vấn đề lớn, nó phải được hình thành trên nền tảng văn hóa của dân tộc mấy ngàn năm, chứ không phải ngày một, ngày hai. Nó phải bắt đầu từ các quy định bắt buộc rồi từ đó hình thành phản xạ có điều kiện và lâu dần thành nếp, định hình phẩm chất cho công bộc của dân.

Dương Kỳ Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/van-hoa-cong-vu-1444071.tpo