Văn hóa đặc sắc của người Lào ở Lai Châu trong thời kỳ hội nhập
Dân số Lào không đông, nhưng trong đời sống văn hóa tinh thần có nhiều nét đặc sắc, phong phú và đa dạng, mang nét đặc trưng của người Lào ở Tây Bắc. Trải qua bao nhiêu thế hệ, đồng bào dân tộc Lào vẫn lưu giữ và phát huy được bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập.
Người Lào có tên gọi là Thay, Thay Duồn, Thay Nhuồn, Phu Thay, Phu Lào; là một trong số 8 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (thuộc hệ ngôn ngữ Thai - Ka Đai) ở nước ta. Người Lào ở nước ta có 2 nhóm địa phương, đó là Lào Bốc (Lào Cạn) và Lào Nọi (Lào Nhỏ). Cư dân của dân tộc Lào hiện đang sinh sống ở vùng Tây Bắc nói chung, trong đó, ở tỉnh Lai Châu đã cư trú lâu đời, chủ yếu ở các huyện giáp biên giới Việt - Lào, như: Tân Uyên, Tam Đường và Phong Thổ.
Cộng đồng dân tộc Lào sinh sống chủ yếu ven sông suối, những nơi có nhiều nước để thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Người Lào rất khéo léo trong sáng tạo những dụng cụ đánh bắt cá, chủ yếu được đan thủ công. Đồng bào dân tộc Lào luôn gắn liền với sản suất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những lúc nông nhàn, phụ nữ người Lào thường cùng nhau quây quần thêu thùa, may áo, váy.
Nghề truyền thống đặc trưng của người Lào đó là dệt thổ cẩm. Hầu hết các gia đình dân tộc Lào đều có dụng cụ xe sợi, quay sợi và khung cửi dệt vải. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc, truyền thống của dân tộc Lào. Dưới chiếc khung cửi nhỏ và bàn tay khéo léo, phụ nữ dân tộc Lào miệt mài, sáng tạo thêu dệt thủ công những họa tiết hoa văn vô cùng độc đáo. Những hoa văn trên vải, người Lào mô tả cỏ cây, hoa lá, sông suối, dãy núi cao, hay hình ảnh chim thú.
Trang phục áo của người phụ nữ Lào được thiết kế khá tỉ mỉ, đặc biệt khá công phu, như nhuộm chàm, xẻ ngực và được buộc thắt bởi những dây tua sặc sỡ. Cùng với trang phục, phụ nữ Lào còn đeo vòng cổ, vòng tay bằng bạc, nhôm hoặc đồng. Đối với đồng bào ở đây, vòng vía được làm bằng sợi chỉ tràng đeo tay, có ý nghĩa chắn gió và những điều không may mắn. Phụ nữ Lào đeo hoa tai dạng ống có sợi chỉ xiên qua để treo những chùm hoa sặc sỡ. Họ mặc trang phục màu đen, quấn ngang cao đến ngực, gấu váy thêu nhiều hoa văn sặc sỡ, kiểu áo cánh ngắn bó thân với hàng khuy bạc. Trang phục của phụ nữ dân tộc Lào được kết hợp cùng trang sức, làm tăng thêm vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm. Cô gái Lào chưa có chồng, thì thường búi tóc lệch về bên trái và đeo nhiều vòng ở cổ tay.
Chị Lò Thị Sòi, bản Hào Nghè, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên chia sẻ: “Khi còn nhỏ, tôi chỉ được mặc áo và váy thôi. Đến khi lớn hơn, những cô gái như tôi được đội thêm cái khăn”. Còn chị Vàng Thị Đăm ở bản Nà Ít, xã Nà Tâm, huyện Tam Đường nói: “Khi chúng tôi còn nhỏ đã được mẹ truyền dạy cách dệt vải và thêu váy áo. Sau này, khi con tôi lớn lên, tôi cũng sẽ truyền dạy lại cho con”. Trang phục nam giới dân tộc Lào đơn giản hơn, với quần áo nhuộm chàm đen. Trước đây, nam giới dân tộc Lào còn đội khăn trắng gấp nếp, quấn nhiều vòng, áo cánh xẻ ngực cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt.
Nét văn hóa đặc trưng trong đời sống tinh thần của dân tộc Lào vẫn được giữ gìn từ bao đời nay. Không chỉ đời sống sinh hoạt hàng ngày, phụ nữ Lào nổi tiếng về những điệu múa, điệu xòe uyển chuyển, duyên dáng và những làn điệu dân ca. Bước chân nhịp nhàng theo nhịp chiêng và đôi tay mô phỏng các hoạt động trong sản xuất như gieo mạ, bẻ ngô.
Nếu như trước đây, người Lào chỉ múa xòe trong những dịp lễ, Tết, thì trong thời hội nhập như ngày nay, thông qua các hoạt động văn hóa của người dân tộc Lào, đặc biệt là chị em phụ nữ Lào có nhiều dịp để quảng bá, giới thiệu những điệu múa, điệu xòe của dân tộc mình đến bạn bè, du khách gần xa. Tại không gian văn hóa dân tộc Lào, mỗi du khách đều có thể hòa mình vào những điệu xòe, nhảy sạp cùng những cô gái Lào xinh đẹp.
Bên cạnh những điệu múa, điệu xòe, dân ca của người dân tộc Lào cũng rất đa dạng, được sáng tác qua quá trình sinh sống và lao động, sản xuất với nét riêng đặc trưng. Dân ca của người Lào khỏe khoắn, trữ tình, đằm thắm, được chia thành nhiều thể loại, ứng với từng hoàn cảnh cụ thể trong đời sống của họ, như hát trong đám cưới, hát mừng nhà mới, hát ru con, hát đối đáp. Các làn điệu dân ca này như một động lực tạo sức mạnh thúc đẩy sự phấn chấn trong lao động sản xuất và trong vui chơi giải trí. Còn có các bài múa mang tính đặc trưng riêng, như các điệu xòe, múa quạt. Nhạc cụ dân tộc Lào cũng rất đa dạng, như trống, chiêng, sáo, khèn, bè. Vào các dịp lễ, Tết, người Lào vẫn tổ chức các chương trình văn nghệ và các hoạt động thể thao thu hút đông đảo bà con đến xem và cổ vũ. Đó là những hoạt động văn hóa mang bản sắc truyền thống được lưu giữ từ đời này sang đời khác.
Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Uyên, ông Nguyễn Văn Thành cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 04 của Đảng bộ tỉnh Lai Châu về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Tân Uyên đã mở lớp truyền dạy các lớp truyền thống và đưa nội dung này vào nhà trường. Từ đó, để thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn và phát huy văn hóa độc đáo của mình”.
Ngày nay, xã hội đang phát triển, nhiều nét văn hóa của các dân tộc nói chung, dân tộc Lào nói riêng theo đó đang ngày càng có xu hướng mai một, phai mờ. Nhận thức rõ giá trị văn hóa, bà con dân tộc Lào đã gìn giữ, phát huy bản sắc của mình trong thời kỳ hội nhập qua những việc làm cụ thể, thiết thực, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm thành lập và duy trì hoạt động của các đội văn nghệ, nghề truyền thống. Không chỉ vậy, chính quyền địa phương còn thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn cách thức làm thủ công hoa văn, phụ kiện trên áo, váy, khăn của các bộ trang phục, cách dệt - nhuộm thổ cẩm, may trang phục truyền thống hay các lớp văn hóa, văn nghệ.
Với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Lào ở Lai Châu, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền bà con dân tộc Lào tích cực tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo, từ đó góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.