Văn hóa dân gian ứng dụng- Kỳ 3: Hiệu quả hoạt động của chợ vùng cao Lào Cai dưới góc nhìn nhân học

TS. Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng, có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân tộc. Ông đã có mười đầu sách, công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian. Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển giới thiệu tới độc giả công trình nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng của ông, dày 324 trang, đăng liên tục 24 kỳ.

TS. Trần Hữu Sơn

Đầu tháng 3 năm 2013, trong một chuyến điền dã ở xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn, chúng tôi hỏi thăm chợ Nậm Tha thì người dân chỉ cho khu nhà bỏ hoang, một góc nhà lắp mấy máy cưa của xưởng cưa đang ở nhờ. Ông Đ.N.V, nhà đối diện cổng chợ cho biết chợ Nậm Tha xây dựng được 8 năm nay nhưng bị bỏ hoang. Ông còn cho biết thêm huyện Văn Bàn - một huyện nghèo của tỉnh Lào Cai xây dựng được 6 chợ thì có đến 4 chợ bỏ hoang. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu về vai trò của chợ vùng cao với đời sống người dân, thực trạng các chợ ở đây hoạt động ra sao? Đặc điểm kinh tế - xã hội của các tộc người ở địa phương chi phối hoạt động ở chợ như thế nào? Đặc biệt tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng chợ xây xong, tốn khá nhiều tiền của lại bỏ hoang. Đồng thời chúng tôi cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm khắc phục tình trạng chợ bỏ hoang như hiện nay. Dựa vào tư liệu thực địa quan sát hoạt động các chợ tại các huyện và thành phố Lào Cai - tỉnh Lào Cai trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2013 và tài liệu điều tra bổ sung tháng 1/2014, chúng tôi muốn lý giải hiện tượng chợ bỏ hoang đang diễn ra khá phổ biến.

1.Tổng quan các nghiên cứu về chợ vùng cao

Các công trình nghiên cứu về chợ, viết về chợ ở khu vực Tây Bắc xuất hiện khá sớm. Từ thế kỷ 18, trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn (1878) đã cung cấp một số tên chợ ở Tuyên Quang và Hưng Hóa. Đầu thế kỷ 19, công trình “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của Lê Quang Định (1806) đã miêu thuật một số chợ ở Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang. Bộ “Đại Nam nhất thống chí” thời Tự Đức phần viết về tỉnh Hưng Hóa có ghi danh sách 6 phố chợ. Đặc biệt, những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 một số sĩ quan Pháp và tòa công sứ Lào Cai, Yên Bái có viết các loại tiểu địa chí như “Lược khảo về Lục An Châu” (1898), “Tiểu chí xứ tiểu khu Bảo Hà” (1898), “Tiểu chí xứ Lào Cai” (1909),” Địa chí Lào Cai” (1933)… Các tác phẩm này có ghi chép một số nét về các chợ Bảo Hà, chợ ở Phố Ràng, hệ thống các chợ ở Lào Cai…

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hầu như không có các bài báo nghiên cứu về chợ. Cuối những năm thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX xuất hiện một số bài báo, sách nghiên cứu về chợ đăng trên các tạp chí nghiên cứu lịch sử và dân tộc học của các tác giả Nguyễn Đức Nghinh (1979, 1980, 1981), Nguyễn Đức Nghinh – Trần Thị Hòa (1981), Nguyễn Thừa Hỷ (1983), Nguyễn Quang Ngọc (1983, 1993). Trong đó, nổi bật là tác giả Nguyễn Đức Nghinh đã có một loạt bài nghiên cứu về chợ làng như “Chợ làng ở thế kỷ 17, 18” (1980) và “Chợ làng trước Cách mạng tháng Tám” (1981). Tác giả nghiên cứu về chợ làng trong mối quan hệ với chùa, phác thảo những đặc trưng chợ làng ở thế kỷ 17, 18… Đặc biệt, trong bài nghiên cứu “Chợ làng trước Cách mạng tháng Tám”, tác giả nghiên cứu nhiều vấn đề về chợ làng như từ tên chợ đến cấu trúc chợ, mạng lưới chợ, phương thức cân, đo, đong đếm, tục lệ buôn bán… Đây là loạt bài nghiên cứu đầu tiên về chợ làng Việt Nam đạt được một số kết quả. Tuy nhiên do tư liệu còn hạn chế nên tác giả chưa đi sâu phân tích kỹ các yếu tố của chợ làng ở đồng bằng Bắc Bộ. Sau này, Diệp Đình Hoa và Bùi Xuân Đính (1990) trong phần viết về chợ của công trình “Tìm hiểu làng Việt” các tác giả đã đề cập đến đặc điểm, vị trí của chợ làng, cơ sở hình thành chợ làng ở vùng Trung du Bắc Bộ cũng như mối quan hệ giữa điều kiện địa lý, cơ sở kinh tế với chợ làng Đào Xá (huyện Tam Nông, Phú Thọ hiện nay). Tuy viết về chợ làng ở vùng trung du, nhưng công trình của tác giả cũng đề cập đến vị trí chợ làng, mối quan hệ giữa các yếu tố địa lý, cơ sở kinh tế xã hội với sự hình thành của đặc trưng chợ Đào Xá ở tỉnh Phú Thọ, một chợ điển hình ở vùng trung du Bắc Bộ. Về các phiên chợ vùng cao, Lê Chí Quế nghiên cứu về diễn xướng Sli, lượn và vấn đề văn hóa hội chợ (1986), Trần Hữu Sơn nghiên cứu một số sinh hoạt văn hóa ở chợ (1997, 2004). Đặc biệt năm 2004, Lê Thị Mai có chuyên khảo nghiên cứu “Chợ quê trong quá trình chuyển đổi”. Đây là chuyên khảo đầu tiên nghiên cứu về chợ. Tác giả tập trung nghiên cứu sự chuyển đổi của chợ quê vùng lưu vực sông Hồng cũng như phân tích vai trò chợ quê trong đời sống kinh tế làng xã. Tuy nhiên, tác giả cũng đề cập đến một số nét về chợ miền núi. Tác giả miêu tả lịch họp chợ, các sản phẩm của chợ và sinh hoạt văn hóa ở chợ phiên vùng cao.

Như vậy, nghiên cứu về chợ, chợ vùng cao có tác giả đã đề cập nhưng các tác giả chủ yếu nghiên cứu vai trò của chợ vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Có tác giả miêu thuật các sinh hoạt văn hóa, có tác giả đề cập về lịch họp chợ, về vai trò của chợ vùng cao với phát triển du lịch. Một số bài báo viết về chợ vùng cao chỉ mang tính chất giới thiệu sơ lược hoặc mới đề cập đến sinh hoạt văn hóa ở chợ. Về tính hiệu quả của chợ, về tình trạng chợ bỏ hoang hầu như các tác giả không đề cập. Gần đây, vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013, một số nhà báo đã có các bài phản ánh tình trạng chợ bỏ hoang ở Đắc Nông, Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (đăng trên các báo Nhân dân, Thanh tra, Tri thức, Tiền Phong…). Ở vùng cao phía Bắc chưa có công trình nghiên cứu, phân tích hiểu quả trong hoạt động chợ phiên.

2.Thực trạng các chợ ở Lào Cai

Chợ Lào Cai được hình thành qua suốt một quá trình dài nhiều thế kỷ. Trước khi thực dân Pháp chiếm đóng Lào Cai (1886) Lào Cai đã xuất hiện một số chợ như chợ Lão Nhai (ở trong thành cổ Lào Cai), chợ Phố Ràng, chợ Bảo Hà, chợ Mường Khương, chợ Pa Kha. Trong đó chợ Lào Cai là một chợ trung tâm khá sầm uất. Phạm Thuật Duật cho rằng đây là chốn “phồn hoa đô hội”. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai (trước năm 1945) có 11 chợ như các chợ: Lào Cai, Phố Ràng, Bảo Hà, Mường Khương, Bắc Hà, Cốc Lếu, Sa Pa, Pha Long, Si Ma Cai, Phố Lu, Bát Xát. Ngoài ra còn một số chợ thuộc châu Thủy Vĩ tỉnh Lào Cai cũ (vùng đất Lai Châu hiện nay) như Phong Thổ, Tam Đường, Bình Lư. Trước những năm đổi mới, Lào Cai đã có 22 chợ. Từ năm 1986 đến nay, đặc biệt là từ khi tái thành lập tỉnh Lào Cai (1/10/1991) hệ thống chợ ở Lào Cai phát triển khá mạnh. Năm 1985, Lào Cai mới có 22 chợ thì đến năm 1999 Lào Cai đã có 60 chợ và đến nay đầu năm 2014 Lào Cai đã có 81 chợ. Bên cạnh hệ thống các chợ thị trấn huyện lị và khu vực thành phố Lào Cai thì các chợ ở khu vực nông thôn vùng cao Lào Cai cũng phát triển mạnh. Đặc biệt, từ sau khi tái lập tỉnh cho đến thập niên đầu thế kỷ XXI hàng loạt chợ ở các xã vùng cao đã được xây dựng như chợ Thanh Bình, chợ Cao Sơn, chợ Chậu, chợ La Pán Tẩn, chợ Lùng Vai ở huyện Mường Khương; chợ Nậm Lúc, chợ Cốc Ly, chợ Bản Liền ở huyện Bắc Hà; chợ Cán Cấu, chợ Sín Chéng, chợ Bến Mảng, chợ Cốc Cù ở huyện Si Ma Cai; chợ Nậm Tha, chợ Dương Quỳ, chợ Minh Lương, chợ Chiềng Keng ở huyện Văn Bàn; chợ Bản Dền, chợ Thanh Phú ở huyện Sa Pa...

Tổng số vốn đầu tư xây dựng chợ từ năm 1992 đến năm 2012 là xấp xỉ 63 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách của Nhà nước chiếm 73%, vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB),Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), (AFD) cơ quan phát triển Pháp là 26,2%, còn lại 0,8% do người dân đóng góp. Các chợ được xây kiên cố chiếm 63,38%, các chợ bán kiên cố là 16,9%, các chợ tạm chỉ còn 19,72%. Diện tích các chợ cũng được mở rộng, nhiều chợ vùng cao sau khi nâng cấp diện tích đã được mở rộng gấp đôi gấp ba so với thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Chợ Cán Cấu có diện tích mặt bằng là 10.000 m2. Chợ Cao Sơn ở Mường Khương là chợ loại 3 nhưng cũng được mở rộng, xây kiên cố rộng tới 3.000 m2. Chợ Bắc Hà xây kiên cố, mở rộng mặt bằng đến 10.800 m2. Chợ Bản Xèo ở huyện Bát Xát xây kiên cố, mở rộng 6.000 m2. Trong tổng số 81chợ ở Lào Cai thì chỉ còn 9 chợ là loại hình lán tạm, còn lại 72 chợ là xây dựng kiên cố và bán kiên cố.

Việc phát triển mạnh hệ thống chợ ở vùng cao đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động. Số người kinh doanh bán hàng chuyên nghiệp ở Lào Cai là trên 11.000 người. Trong đó có số hộ kinh doanh cố định là 6.317 hộ; số người kinh doanh không chuyên ở Lào Cai là trên 8.000 người, họ tập trung ở các chợ nông thôn vùng cao.

Khảo sát ở chợ Sín Chéng, một chợ vùng cao cách trung tâm huyện lị Si Ma Cai 12km về hướng Nam chúng tôi nhận thấy chợ vùng cao đã hình thành cả một đội ngũ người buôn bán chuyên nghiệp và không chuyên. Xã Sín Chéng có 9 thôn bản với 677 hộ dân, trong đó 95% là người Hmông. Trước khi xây dựng chợ (năm 2001) hầu hết người dân ở Sín Chéng đều làm nông nghiệp, kinh tế mang nặng tính chất tự cung tự cấp. Các làng người Hmông giao thông đi lại khó khăn, nằm rải rác trên các sườn núi, địa hình mang tính biệt lập. Kinh tế người Hmông là kinh tế tự cung tự cấp. Một làng người Hmông cổ truyền có thể sản xuất ra tất cả các nhu yếu phẩm chỉ trừ muối, dầu thắp và sắt là phải đi mua. Hầu hết các hộ người Hmông đều có nguồn sống từ nông nghiệp. Nhưng từ khi xây dựng chợ, người Hmông cũng chuyển nhanh sang làm dịch vụ buôn bán.

Điều tra ở thôn Mào Sao Phìn có 73 hộ dân thì có 13 hộ thường xuyên buôn bán tại chợ, trong đó có 8 người là chuyên bán trâu, bò, ngựa, trở thành những lái buôn gia súc nổi tiếng của chợ Sín Chéng. Thôn Sả Sín Pang có 100 hộ người Hmông thì có tới 15 hộ có người tham gia bán hàng ăn, bán các hàng may mặc, bánh kẹo tại chợ. Đặc biệt, các thôn gần trung tâm huyện Si Ma Cai lực lượng buôn bán chiếm khá đông. Thôn Gia Khâu 1 cách chợ Si Ma Cai 2km với 34 hộ dân có tới 11 hộ có người tham gia buôn bán ở chợ, trong đó có 5 hộ có người buôn bán chuyên nghiệp hàng hóa với Trung Quốc. Thôn Gia Khâu 2 cách chợ Si Ma Cai khoảng 4 km có 36 hộ thì có tới 16 hộ có người tham gia buôn bán ở chợ, trong đó có 9 hộ có người buôn bán mang tính chuyên nghiệp.

Ở các thôn, các xã có chợ nằm trên địa bàn thì tỉ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh từ 3-5 lần so với các xã không có chợ.

Tuy cùng chuyển đổi kinh doanh hàng hóa nhưng mỗi tộc người khác nhau lại có cách ứng xử khác nhau. Ở người Hmông nam giới chủ yếu là các lái trâu, lái ngựa. Nữ giới chủ yếu buôn quần áo thổ cẩm. Ở chợ Sín Chéng có 35 gian hàng bán trang phục Hmông thì đều do người Hmông quản lý. Ở chợ Cán Cấu huyện Si Ma Cai có 100 gian hàng may mặc trang phục Hmông thì đều do phụ nữ người Hmông đảm nhiệm. Ở chợ Cán Cấu hầu hết các lái trâu, lái ngựa và bán chim đều là người Hmông. Còn người Giáy trở thành lực lượng buôn bán khá năng động ở các chợ vùng cao. Nam giới tham gia buôn bán các máy móc, nông cụ ở Trung Quốc, còn phụ nữ người Giáy chủ yếu buôn bán vải vóc, quần áo, các loại đồ ăn (mở hàng phở, hàng bánh...). Riêng phụ nữ người Nùng, người Thu Lao ở Si Ma Cai tập trung bán hàng khô, ăn uống, bán hàng rong. Ở chợ Cán Cấu huyện Si Ma Cai có 45 gian hàng ăn uống thì chủ yếu là người Nùng và người Thu Lao. Và ở chợ Sín Chéng huyện Si Ma Cai có 50 gian hàng ăn thì người Nùng và người Kinh cũng chiếm số đông.

Chợ vùng cao không chỉ là trung tâm trao đổi hàng hóa mà còn là trung tâm giao lưu văn hóa. Người dân đến chợ vừa có nhu cầu mua bán nhưng vừa có nhu cầu giao lưu tình cảm, trao đổi tin tức. Đặc biệt là lớp trẻ chủ yếu đến chợ nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa. Vào thời điểm nông nhàn, sau khi thu hoạch vụ mùa cho đến tết là thời điểm nở rộ các sinh hoạt văn nghệ dân gian ở chợ. Các tốp nam nữ thanh niên về chợ ngay từ chiều hôm trước phiên chợ tìm hiểu, giao duyên. Ngày phiên chợ các đội thông tin lưu động, đội văn nghệ tuyên truyền của các huyện và xã cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn nghệ tại chợ. Thậm chí các buổi gặp mặt trao đổi công việc giữa cán bộ xã và thôn, giữa các đoàn thể đôi khi cũng diễn ra tại chợ. Sinh hoạt văn hóa ở chợ trở thành nét đẹp, bản sắc ở chợ vùng cao.

Như vậy từ sau đổi mới đặc biệt là từ sau tái lập tỉnh Lào Cai năm 1991 đến nay hệ thống chợ ở Lào Cai tăng nhanh, chỉ trong vòng hơn 20 năm, các chợ đã phát triển hơn 3 lần. Trong đó các huyện biên giới có số chợ phát triển nhanh nhất như ở huyện Mường Khương số chợ mới xây tăng gấp ba lần. Trước năm 1986 huyện Bắc Hà chỉ có 2 chợ là chợ trung tâm huyện và chợ Lùng Phình thì nay Bắc Hà đã có 6 chợ. Các chợ thực sự đóng vai trò cầu nối thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, góp phần phá vỡ tính khép kín ở nông thôn vùng cao.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, các chợ vùng cao Lào Cai còn nhiều điểm hạn chế. Trong tổng số 81 chợ được xây dựng có tới 18 chợ không hoạt động hoặc hoạt động với hiệu quả rất thấp. Huyện Văn Bàn từ sau đổi mới đã xây dựng 6 chợ mới nhưng có tới 4 chợ bỏ hoang hoặc hoạt động không hiệu quả như các chợ: Minh Lương, chợ Chiềng Ken, chợ Nậm Tha, chợ Dương Quỳ. Ngay ở huyện Bảo Thắng và một số xã thuộc thành phố Lào Cai cũng có tới 7 chợ bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả. Như vậy số chợ bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả đã chiếm một tỉ lệ khá cao. Cụ thể, trong tổng số 51 chợ xây dựng từ năm 1986 đến nay thì có tới 18 chợ bỏ hoang chiếm 34% tổng số chợ. Hầu hết các chợ bỏ hoang đều mới được xây dựng trong những năm 2004-2006. Về kinh phí, hiện tượng chợ bỏ hoang và hoạt động không hiệu quả đã gây lãng phí, tổng số tiền đã đầu tư xây dựng các chợ bỏ hoang trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2006 là 13.889.000.000 đồng. Đây là nguồn kinh phí rất lớn vì chủ yếu là ngân sách của nhà nước và kinh phí vay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á.

Danh mục các chợ đầu tư không hiệu quả tỉnh Lào Cai

Danh mục các chợ đầu tư không hiệu quả tỉnh Lào Cai

Nguồn: Thống kê của Sở Công thương tỉnh Lào Cai 2013

Một số huyện rất nghèo, thuộc diện huyện nghèo nhất toàn quốc như huyện Si Ma Cai xây mới 5 chợ thì có 3 chợ bỏ hoang gây thất thoát gần 2 tỉ đồng. Huyện Văn Bàn có số chợ bỏ hoang và hoạt động không hiệu quả cao nhất trong toàn tỉnh. Toàn huyện xây mới 6 chợ thì có 4 chợ hoạt động không hiệu quả hoặc bỏ hoang.

3. Nguyên nhân hoạt động không hiệu quả ở các chợ vùng cao

Nguyên nhân chủ yếu của các chợ vùng cao Lào Cai bỏ hoang là do chính quyền địa phương không hiểu rõ đặc điểm về địa hình, kinh tế xã hội của địa phương, chỉ tranh thủ giải ngân khi có nguồn vốn chương trình xây dựng chợ. Đi sâu vào tìm hiểu các chợ bỏ hoang hoặc hoạt động không hiệu quả chúng tôi nhận thấy có một số nguyên nhân cụ thể. Trước hết, dù Nhà nước có nguồn vốn chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng chính quyền địa phương không nghiên cứu nhu cầu họp chợ, chỉ có chú ý “tranh thủ” giải ngân, đưa dự án về xã mình, làng mình. Các xã vùng cao Lào Cai, nhất là ở các huyện miền Tây, cách xa biên giới, tỷ lệ hộ đói nghèo cao trên 40% số hộ, kinh tế mang nặng tính chất tư cung tự cấp, chưa có nhu cầu mua bán thường xuyên. Điển hình là xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn có 980 hộ thì có tới 481 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm tỉ lệ 49,9% số hộ). Mỗi hộ gia đình chỉ đủ sản xuất tự đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, người dân làm ra tất cả, tự chăn nuôi, trồng trọt nên người dân không có nhu cầu và khả năng mua bán hàng hóa (ngoài một số mặt hàng thiết yếu như muối, xăng, dầu, quần áo…). Do đó người dân không có nhu cầu đi chợ. Thiếu các nhu yếu phẩm thì mua ngay các cửa hàng ở thị tứ, đầu làng (ý kiến những người bán hàng ở gần chợ như ông La Văn Ng, bà Triệu Thị Liềm thôn Khe Cóc xã Nậm Tha, Triệu Kim Thành thôn Minh Thượng xã Minh Lương, ông Triệu Kim Dẫn (người Dao Đỏ) – Chủ tịch xã Nậm Tha cho rằng: đường đến trung tâm xã là con đường cụt, không thuận lợi giao thông nên người dân không muốn họp chợ ở Nậm Tha.

Như vậy, ở các xã vùng sâu, khi kinh tế tự cung tự cấp thì người dân không có nhu cầu mở chợ ngay tại xã, tại vùng. Một quý, hoặc nửa năm, có nhu cầu mua sắm, người dân tự lên phố huyện, chợ huyện hoặc chợ trung tâm vùng mua bán. Điều này lý giải vì sao hầu hết các chợ vùng cao ở huyện Sa Pa và huyện Văn Bàn đều bị bỏ hoang. Hàng chục xã của hạ huyên Sa Pa không có chợ nhưng khi xây dựng chợ ở Bản Dền thì người dân mua bán cũng thưa thớt. Tương tự như vậy ở ngay xã Thanh Phú, một xã lớn của vùng hạ huyện Sa Pa khi xây dựng chợ xong thì chợ cũng hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Do đó, có thể nhận thấy một điểm chung ở các xã vùng cao, vùng sâu khi kinh tế của người dân còn mang nặng tính chất tự cung tự cấp thì không nên xây dựng chợ. Mặt khác, khi xây dựng các chợ, khi nghiên cứu quy hoạch điểm 18 chợ hoạt động không hiệu quả và bỏ hoang thì có 15 chợ chọn địa điểm sai. Chợ Minh Lương được xây dựng ở một xã vùng cao rất khó khăn, giao thông chưa thuận lợi nhưng vì chính quyền xã “giỏi” chạy dự án nên chợ đã được xây dựng. Bà Nguyễn Thị L, ông Hoàng Văn Thành, Triệu Kim D là những người bán hàng ở thôn Minh Thượng xã Minh Lương cho rằng xã Minh Lương không phải là trung tâm của cụm dân cư, địa điểm xây dựng chợ lại xa các thôn bản từ 5 đến 7 km nên người dân ngại đến chợ. Ông Hoàng Văn Thiệu là cán bộ của xã Minh Lương cho rằng: chợ xây dựng ở xã Minh Lương là không đúng dẫn đến tình trạng chợ bỏ hoang lãng phí tiền của Nhà nước.

Chợ Bế Mảng của huyện Si Ma Cai được xây dựng năm 2000 nhưng đã bị bỏ hoang ngay sau khi xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là chợ Bế Mảng nằm cách quá xa điểm giao thương với Trung Quốc(cách 3km), người dân trong xã Nàn Sán chủ yếu đi chợ trung tâm Si Ma Cai, những người buôn bán với Trung Quốc lại khai thác hàng ở bến ngã ba sông Chảy và sông Xanh (cách chợ 3km) và điểm khai thác hàng này lại trở thành điểm trung chuyển hàng hóa chứ không phải chợ Bế Mảng. Trường hợp của chợ Chiềng Ken huyện Văn Bàn lại bố trí cách xa mặt đường chính. Mặt khác, người dân ở Chiềng Ken lại thích đi chợ Bô cách đó 1km vì thuận tiện giao thông. Một điều đặc biệt tưởng là nghịch lý nhưng lại là sự thật, đó là tình trạng một số chợ khi chưa được mở rộng, xây dựng lớn thì sầm uất nhưng khi được đầu tư nâng cấp thì hoạt động không hiệu quả hoặc bỏ hoang. Vào những thập kỷ 70 đầu 80 của thể kỷ 20 chợ Bắc Ngầm là một chợ sầm uất của phía Đông huyện Bảo Thắng gần đường quốc lộ 70, nhưng khi xây dựng mới chuyển địa điểm cách xa đường thì người ít đến họp chợ. Chợ Chiềng ở thành phố Lào Cai đầu thế kỷ 21 là một chợ khá sầm uất, nằm ở vị trí ngã ba đường giao thông nhưng khi mở rộng chợ Chiềng lại chuyển vào một địa điểm cách vị trí cũ 300m bên con đường ngược chiều nên chợ Chiềng hoạt động không hiệu quả, vắng khách. Một số xã ở ngay gần Thành phố (xã Quang Kim huyện Bát Xát, xã Vạn Hòa Thành phố Lào Cai), chính quyền địa phương muốn đạt tiêu chí Nông thôn mới xây dựng chợ nhưng chợ xây xong người dân không họp. Vì đa số dân muốn mua bán ở chợ trung tâm Thành phố thuận lợi hơn

Khoản 1 Điều 4 Nghị định của Chính phủ số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ nhấn mạnh: “Quy hoạch phát triển chợ phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch thương mại, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan”. Nhưng thực tế, các chợ bỏ hoang ở Lào Cai không tuân theo quy hoạch phát triễn kinh tế - xã hội. Thậm chí một số chợ không được Sở Công thương tỉnh Lào Cai quy hoạch. Một nguyên nhân khác là do lợi ích nhóm nên khi có chủ trương xây dựng chợ gần mặt đường thì phía cổng chợ sát đường chính quyền xã đều cấp cho người thân. Có chợ mới có trong dự định quy hoạch thì hầu hết mặt đường và phía cổng chợ đều san sát các quán bán hàng. Do đó, khi chợ được xây dựng xong người dân thờ ơ không vào chợ mà chỉ mua hàng ngay tại các quán. Điển hình như chợ Dương Quỳ, chợ Cầu Nhò hoặc chợ Nậm Tha ở Văn Bàn... Phía dưới cổng chợ Dương Quỳ ở gần ngã ba đường 279 đã hình thành cả một khu phố bán hàng sầm uất. Người dân có nhu cầu mua bán chỉ đến dãy phố này (có 58 cửa hàng) trao đổi hàng hóa còn chợ thì bỏ hoang.

Cấu trúc của nhiều chợ mới xây dựng không phù hợp với đặc điểm của chợ miền núi. Ban quản lý chợ và các nhà thiết kế vì quá chú trọng về mục đích doanh thu, thu tiền các hộ bán buôn nên xây dựng nhiều ki ốt, dành các vị trí thuận lợi nhất cho những người buôn bán chuyên nghiệp. Nhưng thực ra ở chợ miền núi số người buôn bán chuyên nghiệp chiếm tỉ lệ rất thấp. Năm 1999, theo điều tra của chúng tôi người buôn bán không chuyên ở các chợ thuộc tỉnh Bắc Cạn chiếm tỉ lệ cao nhất (87,42%), tỉnh Hà Giang có tỉ lệ số người bán buôn không chuyên là 81,18%. Tỉ lệ này ở Cao Bằng là 78,20%, ở Lào Cai là 85,09%, ở Sơn La là 81,14% . Hiện nay, số người buôn bán mang tính chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp có tăng lên nhưng hầu hết các chợ ở vùng cao Lào Cai thì tỉ lệ số người buôn bán không chuyên vẫn chiếm từ 65 – 80%. Hầu hết ở các chợ vùng cao nông dân trực tiếp bán sản phẩm là đối tượng chủ yếu trao đổi hàng hóa ở chợ. Họ là những người sản xuất nông sản, có nhu cầu mua bán và trở thành người buôn bán ở chợ. Lực lượng buôn bán không chuyên ở vùng cao là lực lượng đông đảo và chủ lực. Nhưng chính quyền địa phương các cấp, cũng như các ban quản lý chợ không nắm được đặc điểm này, xây dựng chợ với rất nhiều ki ốt, dành nhiều gian hàng cho người bán chuyên nghiệp nhằm tận thu tiền thuê ki ôt và lệ phí bán hàng. Dẫn đến tình trạng thiếu chỗ ngồi bán hàng cho những người bán hàng không chuyên nhưng ki ốt lại thừa khá nhiều.

Chợ Sín Chéng thừa 1/3 các gian hàng không có người bán. Các ki ốt bỏ hoang trong khi đó các điểm bán hàng ngoài trời lại rất hạn chế, nhiều người dân bán nông sản phải đứng, ngồi bán tràn lan ra mặt đường hoặc phân tán, gây khó khăn cho người đi chợ. Một đặc điểm khác của chợ vùng cao là người dân đi chợ, thồ hàng tới chợ trước kia chủ yếu sử dụng ngựa thồ, nay sử dụng xe máy có phân khối lớn. Các chợ cổ truyền xưa kia tuy không được quy hoạch nhưng cũng hình thành nơi buộc ngựa, hình thành cả chợ ngựa. Hiện nay một số chợ vùng cao không quy hoạch nơi buộc ngựa, thậm chí không quy hoạch cả nơi đỗ xe máy. Các phiên chợ vùng cao phát triển khá mạnh về văn hóa ẩm thực. Người dân miền núi đến chợ đều có nhu cầu ăn, các hàng ăn ở chợ miền núi chiếm một vị trí quan trọng trong cấu trúc mặt bằng chợ. Bình quân có từ 20 – 30% các quầy bán hàng cố định ở chợ miền núi là các hàng ăn như hàng “thắng cố”, hàng phở chua, hàng bánh... người dân miền núi khi ăn uống ở chợ không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ăn mà quan trọng hơn là đáp ứng nhu cầu giao lưu tình cảm. Do đó khi ăn uống ở chợ thông thường là cả gia đình (vợ chồng, con cái) đi chợ cùng ăn hoặc đông đảo bạn bè, anh em, họ hàng cùng uống rượu giao lưu tình cảm. Địa điểm các quán hàng ăn phải rộng. Nhưng các nhà quy hoạch thiết kế chợ không am hiểu đặc điểm này, xây dựng các gian hàng ăn có diện tích như các gian hàng khác. Vì vậy dẫn đến tình trạng quá tải, khó đáp ứng nhu cầu ăn uống ở chợ phiên miền núi. Thậm chí nhiều chợ ở huyện Bắc Hà, huyện Si Ma Cai, huyện Sa Pa còn không có quỹ đất mở rộng chợ.

Chợ phiên miền núi có vẻ đẹp “dân dã” gắn bó với cảnh quan môi trường xung quanh. Một số chợ trước kia chưa được nâng cấp thì rất có sức quyến rũ khách du lịch. Bởi vẻ đẹp của tranh, tre, nứa lá trong vật liệu xây dựng và trên hết là văn hóa mua bán đầy sự thật thà, chất phác của vùng cao. Nhưng hiện nay với những bản thiết kế có sẵn của ngành Xây dựng, chợ miền núi cũng giống như chợ miền xuôi đều được bê tông hóa và ngói hóa. Vẻ đẹp miền núi đã bị đánh mất nên các chợ thị trấn Bắc Hà, chợ Mường Khương, chợ Cốc Ly không trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Kết luận

Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đã góp phần phát triển các chợ phiên ở miền núi. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ đã định hướng đúng cho việc xây dựng phát triển chợ nông thôn cho khu vực miền núi. Nhờ có chính sách hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách và vốn vay các tổ chức quốc tế của Chính phủ nên các chợ vùng cao được xây dựng khá nhanh, có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng cao. Bên cạnh các kết quả đạt được, việc xây dựng chợ ở nông thôn miền núi còn bộc lộ một số mặt hạn chế. Xây dựng chợ vùng cao (hoặc xây dựng bất cứ một công trình nào) đều phải chú trọng tính bản địa hóa, thực sự nắm vững đặc điểm của vùng cao. Không nắm được đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội của người dân vùng cao nên mặc dù chính quyền địa phương tuy quan tâm đến người dân nhưng có nhiều chủ trương sai lầm, hoặc “làm phiền” đến dân. Chợ vùng cao bỏ hoang là một hiện tượng phổ biến ở các tỉnh miền núi . Chợ bỏ hoang cũng như nhà văn hóa xã bỏ hoang, hệ thống chứa nước bỏ không... là hậu quả của việc không nắm vững đặc điểm kinh tế - văn hóa - xã hội ở miền núi. Từ những thực trạng này chúng tôi khuyến nghị:

- Trong chương trình xây dựng nông thôn mới đang rầm rộ diễn ra ở nhiều địa phương hiện nay, các cấp chính quyền đều chạy đua chỉ đạo hoàn thành các tiêu chí “cứng”, trong đó có việc xây dựng ở mỗi xã nông thôn mới phải có 1 chợ. Đây là một chủ trương sai lầm, tốn nhiều tiền của của Nhà nước và nhân dân. Thực tế như phần trên chúng tôi đã phân tích chỉ ở những xã mà người dân có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoặc có truyền thống buôn bán (nhất là vùng biên giới) thì mới có điều kiện để xây dựng chợ. Còn những xã vùng sâu, vùng xa, kinh tế mang nặng tính chất tự cung tự cấp không nhất thiết phải xây chợ. Thậm chí các xã ở gần trung tâm đô thị lớn của tỉnh như xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai), xã Quang Kim (huyện Bát Xát), xã Tả Phời (thành phố Lào Cai)... do cán bộ xã mong đạt tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (tiêu chí 7) nên cán bộ chính quyền cấp xã đều tìm cách xây dựng chợ, dù xã đó không có nhu cầu mở chợ. Vì vậy, cần bỏ tiêu chí chợ như tiêu chí bắt buộc đối với các xã được công nhận nông thôn mới.

- Đề nghị chính quyền các cấp cần nghiên cứu nắm vững đặc điểm kinh tế - xã hội - văn hóa ở miền núi, ở vùng đồng bào dân tộc ít người nhằm quy hoạch, thiết kế xây dựng chợ miền núi phù hợp. Chợ không chỉ là công trình kinh tế. Chợ ở vùng cao còn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa, do đó càng cần chú trọng đặc điểm văn hóa, bản sắc của chợ vùng cao. Chợ vùng cao có vẻ đẹp riêng, hài hòa với môi trường tự nhiên và xã hội mới trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Do đó không nên thiết kế chợ ở miền núi một cách đại trà, rập khuôn máy móc như ở đồng bằng. Không nhất thiết phải ngói hóa toàn bộ các công trình trong chợ. Quy định về việc cho thuê điểm kinh doanh tại các chợ có nhiều điểm chưa hợp lý. Mục a điều 7 của Nghị định 01/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối với chợ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách phải qua đấu thầu. Tuy nhiên, đối với địa bàn nông thôn miền núi việc khuyến khích thương nhân vào chợ hạng 3 để kinh doanh rất khó khăn, do đó việc đấu thầu không có kết quả, không có thương nhân mua ki ốt để vào chợ hoạt động. Chợ hạng 3 chủ yếu là chợ ở các xã nông thôn, họp theo phiên chứ không họp thường kỳ, thời gian bán hàng rất ít nên các thương nhân không muốn đấu thầu. Các nguồn thu của chợ chủ yếu nộp vào ngân sách Nhà nước, các ban quản lý chợ chỉ được cấp lại những khoản chi hành chính ở mức tối thiểu, vì vậy việc tái đầu tư cho các chợ hầu như không có. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số chợ hoạt động được một thời gian thì đóng cửa hoặc bỏ hoang.

(Xem tiếp Kỳ 4)

TS. Trần Hữu Sơn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/van-hoa-dan-gian-ung-dung-ky-3-hieu-qua-hoat-dong-cua-cho-vung-cao-lao-cai-duoi-goc-nhin-nhan-hoc-a3143.html