Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội
Sáng 31/5, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: 'Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay'.
Thống kê của tổ chức We are social cho thấy, kể từ năm 1997 đến nay, sau gần 3 thập kỷ kết nối mạng internet, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới với hơn 78,4 triệu người sử dụng internet (tương đương 79,1 % dân số). Sự phát triển nhanh và ngày càng phổ biến của internet cũng như các công nghệ kết nối mạng, các loại thiết bị thông minh đã thúc đẩy các dịch vụ trên mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, bùng nổ và thu hút hàng chục triệu người dùng, trong đó có truyền thông số trên mạng xã hội.
Nội dung truyền thông số được tạo ra và phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau, trong đó nổi bật là trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, TikTok, YouTube... Những mạng xã hội này được phát triển bởi các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của nước sở tại.
Những con số ấn tượng về tỷ lệ tiếp cận Internet và sử dụng mạng xã hội cho thấy, tiềm năng phát triển nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam là rất lớn, đem đến nhiều thuận lợi cho việc thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Song điều này cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu cấp bách đối với công tác quản lý nội dung truyền thông số.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, hiện nay, số lượng người dân tham gia sử dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng, với nhiều xu hướng mức độ, mục đích khác nhau. Đặc biệt trong kỷ nguyên số, các thế lực thù địch, phản động luôn tăng cường việc sử dụng tin giả để chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây chia rẽ nội bộ, mất an toàn xã hội của đất nước.
Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống thông tin xấu, độc như tăng cường vai trò lãnh đạo của cơ quan chức năng, chú trọng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông, xử lý nghiêm mọi cá nhân, tổ chức tung tin xấu, độc, trái quy định của pháp luật trên các trang mạng xã hội nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, hiệu quả công tác đấu tranh với hành vi đưa tin không chính xác, phát tán các video xấu, độc trên mạng internet chống phá Đảng và Nhà nước vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội đáng báo động vẫn đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội.
Nguyên nhân là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng đối với việc nhận diện, đấu tranh chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội chưa sâu sát; hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế; tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, am hiểu công nghệ; nhận thức của một bộ phận chủ thể sử dụng mạng xã hội còn hạn chế, thiếu kỹ năng nhận biết, phân loại và đánh giá hậu quả thông tin xấu, độc nên dễ tiếp tay, lan truyền, phát tán các sản phẩm xấu, độc đặc biệt là việc cập nhật, nhận biết các thông tin sai trái trên mạng xã hội. Điều này khiến công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, đến nay thế giới đã trải qua 4 cuộc Cách mạng công nghiệp. Trong đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra một cách nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử từ năm 2011, đặc trưng là điều khiển hệ AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật); các hệ thống liên kết thế giới thực và thế giới ảo do sự đột phá của KHCN dựa trên nền tảng công nghệ số tích hợp công nghệ “thông minh” để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất.
Những lợi ích mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, không chỉ tạo ra biến đổi về lượng mà cả về chất đối với cuộc sống, xã hội loài người. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng về phát triển nhanh chóng của mạng xã hội nói riêng và mạng viễn thông nói chung tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Thành cho rằng, bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ nêu trên, sự phát triển của mạng xã hội cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia và nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong gần 10 năm qua, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã, đang sử dụng 8.784 web, blog có tên miền nước ngoài; 381 web, blog có tên miền trong nước thường xuyên đăng tải thông tin xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam; đã phát hiện 279 vụ sử dụng Internet xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh với hơn 200 đối tượng; xử lý 140 đối tượng. Đáng chú ý, trong đó có 219 vụ kích động biểu tình trên không gian mạng; 138 hội, nhóm trá hình hoạt động trên không gian mạng; 45.498 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử có tên miền “.vn” bị tấn công, trong đó có 2.113 lượt tấn công các cổng thông tin, trang tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Trước tình hình trên, PGS.TS Nguyễn Văn Thành khuyến nghị một số biện pháp về đạo đức, trách nhiệm pháp lý khi sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Đó là quán triệt và tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thông tin, tuyên truyền và an ninh tư tưởng nói riêng và an ninh quốc gia nói chung. Bên cạnh đó, cung cấp, cập nhật thường xuyên hệ thống văn bản pháp luật, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm định hướng người sử dụng trước những thông tin nhạy cảm; xây dựng ý thức và phong cách văn hóa khi tham gia mạng xã hội.
Xây dựng “văn hóa mạng” và “văn hóa số” và chủ động, tích cực tuyên tryền bằng các biện pháp thích hợp tới nhân dân; Theo dõi giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm các thông tin trên mạng, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội; triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google) tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.
Cùng với đó là triển khai đồng bộ và nhất quán công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho người dân; cung cấp kịp thời các thông tin chính thống để người dân biết, cùng phản biện tin giả, thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Tại hội thảo, các ý kiến và hơn 90 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà báo từ nhiều góc độ đã tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, thực trạng về văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam; đánh giá ưu điểm, hạn chế; đưa ra những giải pháp và khuyến nghị xây dựng văn hóa, đạo đức, bảo đảm tuân thủ pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở nước ta trong thời gian tới.