Văn hóa đọc thời 4.0 (Bài 1)

Khi xã hội phát triển, mọi mặt của đời sống cũng dần thay đổi, trong đó có văn hóa đọc. Với những tiện ích của công nghệ, biển sách mênh mông nay lại càng thêm rộng lớn. Nhu cầu và thói quen đọc sách cũng từng bước đổi thay.

Bài 1: Chuyện đọc của những ngày xa xưa

Thập niên trước, không có điện thoại thông minh, không có máy tính, những người yêu sách thường gắn bó với thư viện, cửa hàng sách. Ở đó, họ tìm được nhiều thông tin, tài liệu để bổ sung kiến thức cho mình. Cũng vì lẽ đó mà đọc sách trở thành thói quen của nhiều người và được duy trì đến ngày nay.

“Ngày xưa, tôi nhớ…”

Nói về chuyện đọc ngày xưa, có nhiều câu chuyện hay để kể. Đó là giai đoạn ông Lê Đại Anh Kiệt - nhà báo về hưu, gọi là “đời sống vật chất thấp nhưng đời sống tinh thần cao”. Được "ươm mầm" đọc sách từ nhỏ bởi gia đình vốn có truyền thống ham đọc sách, cha và ông ngoại đều có tủ sách gia đình, tuổi thơ của ông là những ngày lê la ở tiệm sách, tìm mượn sách về nhà đọc.

Ông Kiệt kể: “Tầm Vu có 2 tiệm sách vừa bán, vừa cho thuê. Nguồn sách khá phong phú. Học hết phổ thông, tôi đã đọc hầu hết các tác phẩm văn học Việt Nam và văn học nước ngoài nổi tiếng. Lúc đó, tủ sách Tuổi Hoa rất phổ biến, phong trào văn học ở miền Nam cũng phát triển nên tôi và các bạn trang lứa dễ dàng tiếp cận. Lớn lên, tôi đi bộ đội thì được biết đến văn học Nga”.

Theo lời kể của ông, thời điểm đó, hầu như cơ quan, đơn vị nào cũng có tủ sách riêng để phục vụ người lao động. Và tủ sách gia đình khá phổ biến, đặc biệt ở các gia đình trung lưu. Phong trào đọc sách được xem là phát triển mạnh mẽ. Người người, nhà nhà đọc sách và sách chính là phương tiện tiếp cận văn hóa, thông tin duy nhất nên được người dân ưa chuộng.

Bằng kinh nghiệm tự học của mình, thầy Đàm Văn Tuyến cùng Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Long An luôn chú trọng xây dựng cho học sinh không gian thoải mái để các em đọc sách và tự học

Bằng kinh nghiệm tự học của mình, thầy Đàm Văn Tuyến cùng Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Long An luôn chú trọng xây dựng cho học sinh không gian thoải mái để các em đọc sách và tự học

Trong ký ức của Phó Giám đốc Bảo tàng, Thư viện tỉnh - Lê Việt Hùng, khoảng thời gian những năm 1990, thư viện hoạt động rất sôi nổi với hàng trăm lượt bạn đọc đến đọc và mượn sách, báo mang về. Ông Hùng kể: “Hồi đó, mấy cô bán ngoài chợ hay tới thư viện mượn sách, có lẽ do ngồi buồn nên họ mượn sách về đọc để "giết thời gian". Cán bộ phòng mượn tới làm việc cặm cụi viết thông tin cho bạn đọc mượn sách, không có thời gian nghỉ ngơi”.

Khi Internet chưa phát triển, thư viện chính là địa chỉ quen thuộc của những cô cậu học trò ham học. Họ đến thư viện bất cứ lúc nào có thời gian rảnh để tra cứu tài liệu, tự học và tận dụng không gian yên tĩnh, thích hợp cho việc học. Ông Hùng khẳng định: “Những em trước đây hay lui tới thư viện học bài thì sau này khi tôi gặp lại đều đỗ đại học”. Trong số những người “đỗ đại học” mà ông Hùng nhắc có Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An - Đàm Văn Tuyến. Giai đoạn 1997-2000, thầy Tuyến là vị khách quen thuộc của Thư viện tỉnh. Mỗi chiều, sau khi xong việc ở gia đình, anh học trò Đàm Văn Tuyến lại mang vở đến thư viện và “ngồi lì” ở đó đến giờ đóng cửa.

Thầy Tuyến chia sẻ: “Lúc đó, tôi xác định muốn giỏi thì phải tự học nên lui tới thư viện thường xuyên. Ở đó có nguồn sách phong phú, không gian yên tĩnh, rất thích hợp cho việc học tập, nghiên cứu. Sau này, khi học thạc sĩ, tôi cũng học ở Thư viện tỉnh”.

Đến khi làm quản lý tại Trường THPT Chuyên Long An, thầy Tuyến chú trọng việc thúc đẩy văn hóa đọc trong giáo viên và học sinh của trường. Bằng kinh nghiệm tự học của bản thân, thầy Tuyến chú trọng xây dựng không gian thoải mái trong trường học để các em đọc sách và tự học. Bên cạnh đó, thầy còn vạch mục tiêu xây dựng thư viện điện tử để học sinh có thể truy cập vào những kho sách được số hóa của các thư viện lớn trong nước và thế giới. Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh tiếp cận với sách, phát triển văn hóa đọc là điều thầy Tuyến cùng Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Long An luôn hướng tới.

Đọc sách để sống tốt hơn

Đều đặn mỗi ngày, từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ, sau khi hoàn thành các công việc buổi sáng, Đại tá Lê Phát Thành (SN 1935, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) - nguyên Cụm trưởng tình báo Đoàn 817, Cục 2, Tổng cục II của Bộ Quốc phòng, lại ngồi vào bàn đọc sách. Với ông, sách là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống. Thói quen đọc sách được ông Thành hình thành và duy trì từ nhiều thập kỷ nay.

Khi còn trong quân ngũ, ông đọc những quyển sách tại tủ sách đơn vị. Với ông, để cán bộ, chiến sĩ rèn luyện, xây dựng ý chí, bản lĩnh, đạo đức quân nhân, bồi đắp phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cao quý thì đọc sách được xem là một biện pháp không thể thiếu. Đến khi về hưu, ông Thành vẫn duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. Mắt đeo kính, ông say sưa đọc quyển Lịch sử nhà tù Côn Đảo. Thấy tôi, ông ngừng lại, chỉ tay vào sách nói: “Những ký ức, nỗi khổ này giày vò dân ta đến nhường nào. Quyển này tôi đọc đến lần thứ 2, mỗi lần đọc là một lần nghiền ngẫm”.

Ông Lê Phát Thành giữ thói quen đọc sách nhiều thập kỷ qua

Ông Lê Phát Thành giữ thói quen đọc sách nhiều thập kỷ qua

Lướt qua kệ sách, chúng tôi nhận thấy sách của ông Thành khá đa dạng từ các thể loại chính trị, pháp luật, lịch sử, Đảng, Bác Hồ đến nông nghiệp,... Ông Thành chia sẻ, sách của ông được tặng cũng có, mua cũng có. Ông thường mua sách từ các cuộc họp, hội nghị, hội thảo có trưng bày, giới thiệu sách. Ông đọc sách về pháp luật để cập nhật, nắm bắt và chấp hành tốt những luật lệ, quy định; đọc sách nông nghiệp để ứng dụng vào trồng trọt; đọc sách sử để học hỏi, nghiên cứu những kỹ năng, chiến lược tác chiến thời chiến tranh. Đặc biệt, đọc sách còn giúp ông ôn lại những kỷ niệm, sự gian khổ,... trong những năm kháng chiến để nhắc nhở mình sống tốt hơn mỗi ngày, không hổ thẹn với đồng đội đã ngã xuống. Do đó, sách sử là loại sách ông Thành yêu thích nhất.

Đọc sách là cách để tích lũy kiến thức được nhiều hơn, ngấm hơn. Với quan niệm ấy nên dù lớn tuổi, đã đọc qua nhiều sách nhưng ông Thành vẫn không ngừng đọc mỗi ngày. Với ông, mỗi quyển sách là một nguồn kiến thức mới. Không chỉ đọc sách, ông Thành còn lan tỏa tinh thần yêu sách bằng cách tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên địa phương đến đọc sách, mượn sách. Tủ sách nhà ông còn phục vụ chung cho cán bộ hưu trí của huyện.

Ngoài đọc sách, ông Thành vẫn duy trì thói quen đọc báo mỗi ngày. Ông Thành bộc bạch: "Già cả, lại ở quê, tôi ít khi mua báo vì điểm bán báo rất ít, khó có thể mua. Do đó, tôi thường đọc báo online, tin tức đưa nhanh, hình ảnh lại đẹp". Với ông Thành, đọc sách mỗi ngày là niềm vui giúp ông trau dồi kiến thức, có cuộc sống nhẹ nhàng, cái nhìn tích cực hơn.

"Ban Giám hiệu trường luôn chú trọng hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Trong trường có tiết đọc sách, ngày đọc sách. Hiện tại, tôi đề nghị thầy cô bộ môn Ngữ văn dành thời gian nhất định cho học sinh đọc 1 quyển sách và viết 1 bài cảm nhận để chấm điểm chính khóa. Hoạt động được áp dụng với học sinh toàn trường. Đây xem như một cách động viên các em chưa có thói quen đọc, với những học sinh thích đọc sách thì trường tạo điều kiện cho các em tiếp cận nguồn sách phong phú. Ngoài việc bổ sung sách hàng năm, cứ 3 tháng 1 lần, trường nhận khoảng 1.000 đầu sách luân chuyển từ Thư viện tỉnh giúp học sinh có cơ hội tiếp cận với đa dạng loại sách. Tôi cũng đang chủ trương khen thưởng các em bằng sách thay vì bằng tiền. Một quyển sách có chữ ký đề tặng của thầy sẽ giúp ích cho các em nhiều hơn là tiền mặt".

Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An - Đàm Văn Tuyến

(còn tiếp)

Quế Lâm - Trần Thoa

Bài 2: Chuyện đọc ngày nay

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/van-hoa-doc-thoi-4-0-a134098.html