Văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Tủ sách doanh nghiệp - Nền tảng tri thức cho phát triển bền vững (Bài 5)

Văn hóa đọc trong doanh nghiệp (DN) không chỉ là biểu hiện của sự trau dồi tri thức, mà còn là nền tảng nuôi dưỡng tư duy chiến lược, sáng tạo và khả năng thích nghi - những yếu tố sống còn trong thời đại biến động. Khi người lãnh đạo coi trọng việc đọc và lan tỏa tinh thần học tập, tổ chức không chỉ phát triển bền vững, mà còn hình thành một hệ sinh thái tri thức nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Trong môi trường kinh doanh hiện đại, nơi tốc độ thay đổi ngày càng nhanh, một doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững khi sở hữu nền tảng tri thức vững chắc và tinh thần học hỏi liên tục. Một trong những cách đơn giản nhưng hiệu quả để thúc đẩy điều này chính là xây dựng tủ sách doanh nghiệp - không chỉ là kệ sách đặt nơi văn phòng, mà là biểu tượng của một văn hóa học tập lâu dài và chiến lược phát triển con người bài bản.

Từ một kệ sách đến hành trình kiến tạo văn hóa tri thức

Khái niệm “tủ sách doanh nghiệp” không còn xa lạ với nhiều nhà quản lý tại Việt Nam. Tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung chính là người khơi nguồn cho văn hóa đọc nội bộ từ hơn 15 năm trước. Chị đã bắt đầu bằng việc mua sách tặng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt - những cuốn như Từ tốt đến vĩ đại, Lãnh đạo không chức danh, hay Dẫn dắt sự thay đổi. Những cuốn sách này không chỉ được đọc, mà còn được thảo luận và áp dụng vào công việc thực tế, giúp hình thành tầm nhìn chung và nâng cao năng lực điều hành.

Khi đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), tôi đã thiết kế một tủ sách với hàng trăm đầu sách giá trị, từ quản trị, lãnh đạo đến phát triển cá nhân. Mỗi quý, đội ngũ cán bộ chủ chốt và đoàn viên thanh niên đều được tặng sách kèm theo yêu cầu phản hồi và ứng dụng vào công việc. Những buổi thảo luận, viết cảm nhận từ sách đã biến việc đọc trở thành một hoạt động văn hóa thực sự, chứ không chỉ là khẩu hiệu.

Khi lãnh đạo là người đọc đầu tiên

Điểm chung ở những doanh nghiệp xây dựng thành công tủ sách chính là vai trò chủ động của người lãnh đạo. Không ai có thể truyền cảm hứng đọc tốt hơn người đứng đầu tổ chức. Khi lãnh đạo không chỉ tặng sách mà còn đọc và chia sẻ cùng đội ngũ, sách trở thành công cụ gắn kết, là chất liệu cho những cuộc đối thoại chiến lược, thay vì chỉ là hoạt động “ngoại khóa” mang tính hình thức.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT là một ví dụ điển hình. Tại FPT, ngoài thư viện truyền thống, công ty còn xây dựng câu lạc bộ đọc sách, tổ chức tọa đàm, và thậm chí đưa nội dung sách vào các chương trình đào tạo quản trị nội bộ. Các đầu sách như Zero to One, Tái tạo tổ chức, Lean Startup… trở thành sách gối đầu giường của đội ngũ lãnh đạo cấp trung.

Cũng theo xu hướng này, nhiều doanh nhân tại Việt Nam không chỉ đọc, mà còn viết sách như một cách định hình tư tưởng lãnh đạo, chia sẻ kinh nghiệm điều hành, đồng thời xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Saigon Books - đơn vị tiên phong trong xuất bản sách doanh nhân - đã đồng hành cùng hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp trong hành trình chuyển hóa tri thức thành sách, tiêu biểu như: Nguyễn Phi Vân, Nguyễn Trần Quang, Nguyễn Thanh Mỹ, Hồ Văn Trung, Cherry Vũ...

Tủ sách - Một phần của chiến lược phát triển con người

Không giống như mạng xã hội với thông tin ngắn hạn, tri thức trong sách là sự kết tinh của kinh nghiệm được chọn lọc và hệ thống hóa. Đó là nền tảng để nhân sự ra quyết định chính xác, ứng biến hiệu quả trong môi trường biến động. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã nâng tầm tủ sách từ một không gian trưng bày thành một chiến lược phát triển con người.

Tại một công ty công nghệ tại TP.HCM, thư viện số được tích hợp ngay trong hệ thống nội bộ, cho phép nhân viên tiếp cận hàng ngàn ebook, audiobook mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, chương trình “15 phút học tập” đầu mỗi buổi họp cho phép nhân viên chia sẻ một bài học từ sách, từ đó lan tỏa tri thức theo cách gần gũi và thực tiễn.

Một công ty phần mềm thậm chí đã phát triển một hệ thống chấm điểm việc đọc: mỗi chương sách đi kèm câu hỏi trắc nghiệm, chỉ khi trả lời đúng mới được chuyển sang chương kế tiếp. Kết quả đọc sách được cập nhật vào hệ thống KPI - một cách để biến việc đọc thành hành động cụ thể, có trách nhiệm và đo lường được.

Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Saigon Books

Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Saigon Books

Làm sao để xây dựng tủ sách hiệu quả?

Việc triển khai tủ sách doanh nghiệp không đòi hỏi ngân sách lớn hay khởi đầu rầm rộ. Điều quan trọng nhất là tư duy chiến lược và sự kiên trì của người lãnh đạo. Qua kinh nghiệm bản thân, việc phát triển “Tủ sách doanh nghiệp” cần lưu ý những vấn đề sau. Trước tiên, phải khảo sát nhu cầu: Tham khảo ý kiến nhân viên xem họ muốn đọc gì, cần phát triển kỹ năng gì. Việc chọn sách phù hợp với nhu cầu từng bộ phận sẽ tăng khả năng ứng dụng thực tế. Có thể bắt đầu từ nhỏ: Có thể chỉ là vài cuốn sách đặt ở phòng họp hoặc thư viện ebook chia sẻ qua Google Drive. Điều quan trọng là phải bắt đầu. Tạo cơ chế động viên: Thưởng cho nhân viên hoàn thành việc đọc và chia sẻ nội dung, tổ chức buổi “Book Talk” định kỳ hoặc mời tác giả đến giao lưu. Gắn kết sách với công việc: Ví dụ, phòng bán hàng đọc Kỹ năng bán hàng tuyệt đỉnh, phòng nhân sự đọc Dẫn dắt nhân tài, phòng điều hành đọc Tư duy lại chiến lược… Lãnh đạo phải là người tiên phong: Việc chia sẻ một đoạn sách hay, gửi email cảm nhận, hoặc giới thiệu cuốn sách tâm đắc trong cuộc họp có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Một khi thói quen đọc được hình thành, doanh nghiệp có thể phát triển thành hệ sinh thái học tập, bao gồm: workshop, đào tạo nội bộ, podcast, học viện doanh nghiệp. Đây chính là bước tiếp theo trong chiến lược phát triển nhân sự hiện đại.

Trong một thế giới liên tục chuyển mình bởi công nghệ và biến động thị trường, doanh nghiệp nào biết học hỏi sẽ là doanh nghiệp đi xa. Và trong hành trình đó, sách không chỉ là người bạn đồng hành, mà còn là “vũ khí chiến lược” để doanh nghiệp định hình tư duy, nâng cao năng lực và giữ vững giá trị cốt lõi.

Tủ sách doanh nghiệp, dù là một góc nhỏ truyền thống hay thư viện số hiện đại, không chỉ lưu giữ tri thức, mà còn phản ánh một tầm nhìn lãnh đạo, một văn hóa tôn trọng con người và cam kết phát triển bền vững.

(*) Chủ tịch HĐQT Saigon Books

Nguyễn Tuấn Quỳnh (*)

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/van-hoa-doc-trong-doanh-nghiep-tu-sach-doanh-nghiep-nen-tang-tri-thuc-cho-phat-trien-ben-vung-bai-5-317290.html