Văn hóa giao thông: Sự tương tác ý thức luôn có hai chiều tác dụng

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề ý thức, văn hóa giao thông của người dân Hà Nội, Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng: 'Sự tương tác ý thức giữa các tầng lớp, khu vực, độ tuổi luôn luôn có hai chiều tác dụng. Ý thức tích cực sẽ lan tỏa sự tích cực và ngược lại'.

Ông nhận xét thế nào về thực trạng văn hóa giao thông của người dân ở Hà Nội hiện nay?

- Nhiều năm qua, Hà Nội phát triển rất nhanh về kinh tế, cùng với đó là sự gia tăng dân số cơ học và lượng phương tiện giao thông cá nhân. Tuy nhiên, đáng lo ngại là ý thức, văn hóa giao thông lại chưa phát triển tương xứng, nhiều thói quen xấu còn tồn tại, góp phần khiến tình trạng ùn tắc, mất trật tự, ATGT còn diễn biến phức tạp. Đó là thực tế đáng buồn với một thành phố văn minh, văn hiến như Thủ đô Hà Nội.
Văn hóa giao thông có vai trò như thế nào trong văn hóa Hà Nội hiện đại thưa ông?
- Văn hóa giao thông là một bộ phận cấu thành văn hóa của người Hà Nội, bởi vậy nó cũng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

 Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành

Vẫn biết hạ tầng giao thông của Hà Nội còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn nếu tham gia giao thông có văn hóa, có ý thức, UTGT sẽ được hạn chế rất nhiều, thành phố sẽ đẹp hơn mà người dân cũng đỡ chật vật hơn.
Theo ông, tồn tại lớn nhất trong văn hóa giao thông của người Hà Nội là gì?
- Văn hóa giao thông được xây dựng, bồi đắp bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có một yếu tố mà theo tôi là quan trọng nhất, đó là sự tương tác ý thức. Người dân khi lưu thông trên đường, có ý thức tích cực, chấp hành luật sẽ lan tỏa ý thức đó cho người xung quanh và nhiều hơn nữa là cho gia đình, cộng đồng.
Ngược lại, khi tham gia giao thông kiểu “khôn vặt”, ích kỷ, mỗi người đã vô tình truyền bá đi những thói xấu đó. Nói nôm na thì bất cứ ai cũng có thể nảy sinh suy nghĩ: “Ông kia đi ngược chiều được, anh nọ vượt đèn đỏ được thì sao mình lại không thử?”. Hay “mọi người đi lên vỉa hè cả, công an muốn bắt phạt cũng không xuể được. Phạt người phía trước chứ chưa chắc đã phạt mình”… Những suy nghĩ đó cứ âm thầm len lỏi vào suy nghĩ của không ít người dân, làm thoái hóa, biến dạng văn hóa giao thông từ những cá nhân đơn lẻ rồi dần hình thành tập quán xấu trong cả một cộng đồng.
Và hệ lụy là gì thưa ông?
- Hệ lụy đầu tiên là tình trạng UTGT, lộn xộn, căng thẳng trên đường phố. Nhưng đáng lo ngại hơn là sự trì trệ trong ý thức, văn hóa giao thông của người dân. Một người khi lưu thông sẵn sàng phạm luật, “khôn vặt”, sẽ không thấy, hoặc cố tình lờ đi, không nhìn nhận rằng, chính họ rồi cũng trở thành nạn nhân của những hành vi tham gia giao thông vô ý thức. Tôi khá chắc rằng, nhiều người thậm chí còn coi việc vi phạm luật giao thông là lẽ thường, là đặc điểm của cư dân thành thị, dù có sai nhưng không phải chuyện gì to tát.
Một hệ lụy khác là văn hóa giao tiếp, ứng xử, kể cả tình người cũng có thể bị tổn thương bởi những thói xấu trong giao thông. Điều đó có thể thấy ngay qua các hành vi như: Bóp còi inh ỏi, giục giã người khác khi đèn đỏ chưa hết, cự cãi, mạt sát nhau khi tranh giành đường đi hay thậm chí là hành hung, gây ra án mạng khi xảy ra va chạm giao thông.
Xã hội là một khối tổng hòa các điều kiện văn hóa, kinh tế…, một khiếm khuyết có thể làm xô lệch tất cả. Văn hóa giao thông của người Hà Nội nếu không được cải thiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống cư dân đô thị.
Xin cảm ơn ông!

Thế Hà (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/van-hoa-giao-thong-su-tuong-tac-y-thuc-luon-co-hai-chieu-tac-dung-413341.html